Lào, Việt Nam lo chắn biên giới ngăn dịch từ Thái Lan, Campuchia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình dịch bệnh căng thẳng ở Campuchia và Thái Lan đang khiến nhiều nước láng giềng lo lắng, đặc biệt là Lào và Việt Nam.

Theo số liệu công bố ngày hôm qua (16/4), Thái Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp với 1.582 ca, trong khi Campuchia báo cáo thêm 262 ca mới trong ngày.

Lào và Việt Nam tăng cường tuần tra biên giới

Theo truyền thông Lào đưa tin, ngày 16/4, hai tỉnh giáp biên giới với Thái Lan là Salavanh và Savannakhet được đặt trong tình trạng báo động sau khi có hai người vượt biên trái phép từ Thái Lan.

Phó thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune nhận định rằng, nguy cơ rất cao dịch bùng phát có thể lan vào Lào vì người dân thờ ơ, bất cẩn, phớt lờ các hướng dẫn của lực lượng chống dịch. Ông cũng yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường tuần tra biên giới, hạn chế đi lại, tụ tập đông người, nhất là khu vực biên giới, đồng thời yêu cầu người dân đeo khẩu trang, giữ vệ sinh.

Trong khi đó, Việt Nam cũng tăng cường kiểm soát khu vực biên giới phía Tây Nam giáp với Campuchia, nhất là sau khi Bộ Y tế công bố 2 người nhập cảnh trái phép ở huyện An Phú (An Giang) vào ngày 15/4 đã có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.

Theo các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, Việt Nam sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao COVID-19 nếu không kiểm soát chặt đường biên giới dài với Campuchia, bởi người dân hai nước đi lại giao thương nhiều qua đường biên giới đất liền và cả đường biển, đường hàng không.

Hôm 12/4, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra cảnh báo về khả năng dịch COVID-19 xâm nhập từ Campuchia vào thành phố này là rất lớn.

Việt Nam cũng đang tăng cường kiểm soát nhập cảnh khu vực cửa khẩu biên giới tại hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, rà soát đường mòn lối mở, đường biển nhằm ngăn chặn nhập cảnh trái phép, thực hiện cách ly nghiêm ngặt.

Hiện nay, tình hình dịch ở Việt Nam đã được kiểm soát trên cả nước. Trong khoảng một tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng, song số ca nhiễm từ nhập cảnh vẫn liên tục được phát hiện. Trong đó, người nhập cảnh từ Campuchia về nhiều, đều được phát hiện và cách ly ngay.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia và Thái Lan

Tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nước này phong tỏa thủ đô Phnom Penh và TP Takhmao (tỉnh Kandal) đến ngày 28/4.

Tính đến ngày 16/4, Campuchia ghi nhận khoảng 5.480 ca nhiễm, trong đó có 4.938 ca liên quan đến sự kiện lây nhiễm trong cộng đồng hôm 20/2 và số ca tử vong hiện là 38. Trong số 262 ca nhiễm mới trong ngày 16/4, có 232 ca ở Phnom Penh. Nước này cũng có thêm 2 người chết, trong đó có Quốc vụ khanh Bộ Thông tin Campuchia Mao Ayuth (77 tuổi).

Phun khử trùng Covid-19 tại chợ Orussey, ở Phnom Penh vào ngày 4 tháng 4 năm 2021. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)
Phun khử trùng Covid-19 tại chợ Orussey, ở Phnom Penh vào ngày 4 tháng 4 năm 2021. (Ảnh của TANG CHHIN SOTHY / AFP qua Getty Images)

Theo tờ Khmer Times, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng tuyên bố nếu lệnh phong tỏa 14 ngày không thành công, ông sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đóng cửa thủ đô. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap nhấn mạnh bất kỳ ai vi phạm lệnh phong tỏa sẽ bị phạt theo luật hiện hành.

Ngoài Phnom Penh và TP Ta Khmau (tỉnh Kandal) nằm gần đó, chính quyền Campuchia hôm 16/4 cũng thông báo phong tỏa 3 khu dân cư ở thành phố Siem Reap, cấm mọi người dân rời khỏi nhà trừ những trường hợp khẩn cấp.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Li Ailan cảnh báo Campuchia đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát".

Thủ tướng Hun Sen cảnh báo trên truyền hình Campuchia: "Chúng ta đang bên bờ vực sinh tử. Nếu chúng ta không chung tay với nhau, chúng ta sẽ lao vào chết chóc thật sự". Ông Hun Sen cũng trấn an người dân không nên quá lo sợ bởi việc phong tỏa nhằm chống dịch và nhiều dịch vụ thiết yếu vẫn được duy trì, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Còn tại Thái Lan, số ca nhiễm mới ngày 16/4 được ghi nhận là 1.585 ca, mức tăng cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 39.038 và có 97 ca tử vong.

Nhằm kiểm soát sự gia tăng đột biến số ca nhiễm, Thái Lan sẽ đóng cửa các trường học, công viên giải trí và áp đặt lệnh cấm bán rượu trong các nhà hàng trong 2 tuần.

Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Anutin Chanvirakul nói rằng Chính phủ Thái Lan tự tin không cần phong tỏa toàn quốc vẫn vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay. Bangkok Post dẫn lời ông Anutin: "Chúng tôi không thấy lý do để quyết định phong tỏa lúc này. Điều chúng ta cần hiện nay là mọi người ít đi lại hơn. Nếu làm được, chúng ta sẽ thấy số ca nhiễm giảm trong tháng sau".


Lào, Việt Nam lo chắn biên giới ngăn dịch từ Thái Lan, Campuchia