Lâm Đồng chấm dứt hoạt động dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chấm dứt hoạt động dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt của Công ty Hàn Việt.

Theo văn bản, chính quyền tỉnh Lâm Đồng yêu cầu:

  1. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án này;
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng, các cơ quan chức năng kiểm kê tài nguyên rừng, xác định thiệt hại lâm sản, tài nguyên rừng bị mất, chuyển Sở Tài chính xác định giá trị thiệt hại để yêu cầu doanh nghiệp bồi thường.
  3. Sở NN&PTNT Lâm Đồng lập thủ tục thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, giao cho đơn vị chủ rừng quản lý theo quy định.
  4. Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt có trách nhiệm hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trước đó, ngày 21/1, thực hiện Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư "Sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Hàn Việt.

Kết luận nêu, dự án đầu tư "Sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Hàn Việt được triển khai tại tiểu khu 267c và 278a, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, với diện tích 268 ha.

Tổng vốn đầu tư Dự án là hơn 17 triệu USD, thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, thời gian xây dựng là 3 năm 2 tháng. Quy mô dự án sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ, hệ thống khu biệt thự, nhà nghỉ cao cấp, nhà hàng, khách sạn cùng các công trình khác...

Từ năm 2007, Công ty TNHH đầu tư Hàn Việt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm, ngoài việc khai thác gỗ dưới vỏ bọc tận thu, doanh nghiệp trên không triển khai bất kỳ hạng mục nào (theo giấy chứng nhận đầu tư); không có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng dẫn đến hậu quả hàng trăm cây thông có đường kính từ 20-50cm bị lâm tặc cưa hạ, cả chục héc ta đất lâm nghiệp bị lấn chiếm… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận hàng loạt cây rừng bị triệt hạ đã bị tẩu tán, vết tích còn lại là những gốc thông bị cưa cắt. Một số cây bị cắt thành từng lóng nhỏ, chôn giấu dưới hố hoặc khe nước giữa hai quả đồi và đã bắt đầu khô mục. Hàng chục cây thông khác bị đốt gốc, chất cành khô quanh gốc chuẩn bị châm lửa đốt; hoặc bị chặt sâu vào 2/3 gốc.

Rừng bị phá tại dự án của Công ty Hàn Việt. (Ảnh chụp màn hình)

Tại một số khu vực, sau khi phá rừng thông, các đối tượng đóng trụ bê tông và sử dụng dây kẽm gai để rào chắn, khẳng định chủ quyền; chia đất lâm nghiệp thành nhiều lô với diện tích khoảng 1.000 - 2.000m2/lô, lén lút mua bán với giá hàng trăm triệu đồng mỗi lô; trồng xoài, chuối và các loại hoa màu khác.

Trao đổi với báo Thanh Niên, đại diện Công ty Hàn Việt cho rằng, nói chậm tiến độ là không đúng, bởi công ty đang triển khai thực hiện, thì tháng 10/2012 bị tỉnh yêu cầu dừng để xác định lại ranh giới vì diện tích hồ thủy lợi Ta Hoét chồng lấn với diện tích của công ty, và mãi đến tháng 8/2020 mới xác định xong.

Ngoài ra theo Công ty Hàn Việt, số liệu mất rừng và số tiền bồi thường tài nguyên rừng bị thiệt hại, công ty chưa thống nhất và đề nghị được thuê đơn vị tư vấn để kiểm kê, xác định lại.

Đại diện Công ty Hàn Việt cho hay, mong được tiếp tục triển khai thực hiện dự án và cam kết hoàn thành các thủ tục kiểm kê, giải trình, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (theo kết quả kiểm kê, rà soát) trước ngày 30/3/2021.

Việt Nam Xã hội

Lâm Đồng chấm dứt hoạt động dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt