Khử khuẩn Trường mầm non ở TP. Đà Lạt có 13 trẻ cùng lớp mắc tay chân miệng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 19/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khử khuẩn toàn bộ trường mầm non Anh Đào (TP. Đà Lạt) để ngăn chặn bệnh tay chân miệng.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, trước đó, ngày 16/9, 13 cháu lớp nhà trẻ 1 của trường này bị bệnh tay chân miệng.

Ngoài 13 ca bệnh trên, Trung tâm Y tế (TTYT) Đà Lạt ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là em của một học sinh tại trường.

Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, TTYT tế Đà Lạt phối hợp với Trường mầm non Anh Đào tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường, làm sạch nhà vệ sinh, các dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác có khả năng bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu họng, nước bọt học sinh bệnh.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế phun Cloramin B tại trường học và nhà của các học sinh mắc tay chân miệng để phòng dịch.

Tại lớp Họa Mi (18-24 tháng tuổi) thuộc Trường Mầm non Phù Mỹ (TT Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), đến sáng 15/9, TTYT huyện Cát Tiên cũng ghi nhận 13 ca tay chân miệng.

BS Trần Dương Ngọc, Giám đốc TTYT huyện Cát Tiên cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ Trường Mầm non Phù Mỹ, các bác sĩ đã khám sàng lọc và lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng xét nghiệm để xác định các trường hợp lây nhiễm bệnh tay chân miệng.

Toàn bộ đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non Phù Mỹ đều đã được sát khuẩn vệ sinh.
Toàn bộ đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non Phù Mỹ đều đã được sát khuẩn vệ sinh. (Ảnh: Báo Gia Lai)

13 trường hợp trẻ Trường Mầm non Phù Mỹ bị tay chân miệng, với các triệu chứng như sốt cao, đau họng, biếng ăn và xuất hiện nhiều mụn nhọt loét đỏ ở miệng và tay chân, hiện đã được cách ly điều trị tại nhà.

Ngoài ra, tại Trường Mầm non Phù Mỹ còn có 12 trẻ mầm non đang được phụ huynh cho nghỉ học cũng được TTYT huyện thăm khám nhưng không phát hiện các triệu chứng của bệnh tay chân miệng.

BS Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 150 ca tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh thường xuất hiện vào các tháng 3-5 và 9-12. Bệnh dễ lây lan, đặc biệt vào mùa tựu trường.

Bệnh nhân mắc tay chân miệng có triệu chứng sốt nhẹ. Trẻ bị loét miệng do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng. Sau đó, các vết loét vỡ ra làm khiến người bệnh đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.

Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không đau. Một số trường hợp bóng nước xuất hiện ít xen kẽ những hồng ban. Ngoài ra, số ít người không có bóng nước mà chỉ hồng ban, loét miệng đơn thuần.

Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu trên ở trẻ để cho nhập viện ngay.


Khử khuẩn Trường mầm non ở TP. Đà Lạt có 13 trẻ cùng lớp mắc tay chân miệng