Hà Nội thêm ‘rối’ vì thủ tục cấp Giấy đi đường QR Code thủ công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công an TP. Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường có nhận diện thông qua mã QR Code cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện ra đường, áp dụng ngay sáng thứ Hai (6/9).

Ngày 3/9, Công an TP. Hà Nội tập huấn trực tuyến cho cán bộ các địa phương về việc sẽ cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện thông qua mã QR Code cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong khu vực thành phố.

Để thực hiện việc này, Công an Hà Nội đề nghị các địa phương chuẩn bị hạ tầng, trang thiết bị như: máy tính kết nối Internet, máy in, lập 3 địa chỉ email.

Trước thông báo của Công an thành phố về việc cấp giấy đi đường mới, nhiều người dân và doanh nghiệp đã hoang mang, lo lắng về thủ tục xin cấp giấy. Thông báo được đưa ra vào thứ Sáu (ngày 3/9) và áp dụng ngay sáng thứ Hai (6/9), hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật khiến doanh nghiệp và nhân viên lúng túng, không kịp làm giấy đi đường.

Có doanh nghiệp đã thông báo tạm thời cho nhân viên nghỉ việc vào thứ Hai để chờ thông tin và hướng dẫn chi tiết, có giấy đi đường mẫu mới rồi mới đi làm trở lại.

Theo kế hoạch do Công an TP. Hà Nội đề xuất, quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp Giấy đi đường có QR Code cho tổ chức/doanh nghiệp gồm các bước:

  • Tổ chức/doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực.
  • Cảnh sát khu vực thẩm định và chuyển đến cán bộ xã, phường nhập thông tin đăng ký.
  • Hệ thống sẽ gửi mail xác nhận về tổ chức/doanh nghiệp.
  • Tổ chức/doanh nghiệp sau đó sẽ gửi mail danh sách cán bộ/công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định.
  • Khi nhận được danh sách từ tổ chức gửi đến, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn sẽ duyệt hoặc từ chối, sau đó gửi lại giấy đi đường được duyệt cho cảnh sát khu vực đóng dấu xác nhận. Trường hợp không được duyệt, cán bộ xã, phường cũng phải gửi mail thông báo lại cho tổ chức được biết.
  • Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp rồi phát cho cán bộ, công nhân viên.

Đối với cá nhân, quy trình cấp giấy đi đường cũng gần tương tự:

  • Cá nhân đăng ký đề nghị cấp giấy đi đường với cảnh sát khu vực của xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
  • Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định thông tin và gửi danh sách cho cán bộ cấp phường để xét duyệt hoặc từ chối.
  • Khi giấy đi đường được duyệt, cán bộ xã sẽ gửi lại cho cảnh sát khu vực để đóng dấu xác nhận.
  • Cuối cùng, cảnh sát khu vực gửi giấy đi đường đã đóng dấu xác nhận cho công dân.

Về quy trình cấp thẻ đi chợ, siêu thị:

  • Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo khu vực quản lý, sau đó gửi danh sách cho cán bộ phường để xét duyệt hoặc từ chối.
  • Cán bộ phường sau đó gửi lại thẻ đi chợ đã được duyệt cho cảnh sát khu vực để đóng dấu xác nhận.
  • Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận thẻ đã đóng dấu gửi lại cho đại diện hộ gia đình.

Chiều 3/9, Công an TP. Hà Nội cũng thông tin về 6 nhóm trường hợp dự kiến được cấp giấy đi đường trong giai đoạn giãn cách mới. 6 nhóm này được hướng dẫn xin cấp giấy đi đường theo hai quy trình.

Mặc dù vậy, vẫn có doanh nghiệp bối rối không biết mình thuộc nhóm nào vì trong quy định của công an thành phố không đề cập đến doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân…

Theo hướng dẫn mới của lãnh đạo thành phố, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), TP. Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

 

Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ); phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Ở các "vùng đỏ" có nguy cơ rất cao, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó”. Các "vùng cam" nguy cơ cao và "vùng xanh" nguy cơ thấp áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".

Trần Duy


Hà Nội thêm ‘rối’ vì thủ tục cấp Giấy đi đường QR Code thủ công