Hà Nội ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 7/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 31/8 đến 6/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó, 1 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.

Số ca mắc SXH tuần qua được phân bố rải rác tại 106 xã, phường, thị trấn; tăng 76 ca so với tuần trước đó. Các ca bệnh tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Thường Tín (38 ca), Nam Từ Liêm (35 ca), Thanh Oai (13 ca), Đan Phượng (12 ca).

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.802 trường hợp mắc SXH, trong đó, 2 trường hợp tử vong và số ca mắc giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.626 trường hợp).

Xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội. (Ảnh chụp từ video)

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH như: Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh...

Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh SXH thường có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, có thể diễn biến nhanh từ thể nhẹ sang thể nặng không tiên lượng trước được. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, sẽ dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, không nên chủ quan với bệnh SXH.

Giai đoạn nào nguy hiểm?

Bệnh SXH thường mở đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột, nhanh chóng đạt tới 39-40 độ C. Cùng với sốt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp... Sốt liên tục, thường kéo dài 5-7 ngày (có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8-10 ngày).

Xuất huyết là triệu chứng giúp dễ nhận biết được trên lâm sàng. Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt trở đi. Dấu hiệu xuất huyết rất đa dạng từ dấu hiệu dây thắt dương tính đến xuất huyết dưới da dạng nốt, chấm (đỏ như tôm luộc), xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, nôn ra máu rong kinh...). Đôi khi có thể gặp xuất huyết nội tạng (chảy máu não). Cùng với xuất huyết ở bệnh nhi thường thấy gan to dưới bờ sườn, mềm. Cơ chế chảy máu trong SXH do 3 yếu tố: giảm tiểu cầu, giãn thành mạch và rối loạn yếu tố đông máu.

Từ ngày thứ 3 sau sốt, thành mạch máu giãn nở làm cho nước thoát ra khỏi lòng mạch. Nếu đo hematocrit, người ta nhận thấy các tế bào máu với thể tích huyết tương tăng lên dần. Hiện tượng thoát mạch này dẫn đến tình trạng cô đặc máu do giảm thể tích huyết tương và dẫn đến sốc. Sốc nhẹ thường thấy trẻ vật vã, huyết áp hạ hoặc kẹt, chân tay lạnh, tiểu ít. Nặng hơn, người bệnh lơ mơ, mê sảng, huyết áp không đo được, vô niệu.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng trên đây (đủ để chẩn đoán ở cộng đồng), ở các cơ sở y tế, người bệnh thường được làm các xét nghiệm máu (số lượng tiểu cầu thường hạ dưới 100 x 109/l). Ở các bệnh viện lớn có thể làm xét nghiệm MAC - ELISA để xác định chẩn đoán.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh SXH như:

  • Tránh muỗi đốt kể cả ban ngày;
  • Diệt bọ gậy muỗi, lăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi;
  • Thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.


Hà Nội ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong