Đừng để nhân lực y tế tuyến đầu bị ‘chọc thủng’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bác sĩ, điều dưỡng trong Bệnh viện dã chiến tại TP. HCM hàng ngày phải chăm sóc 140 - 150 F0, mỗi tua làm việc từ 8 - 10 giờ sau đó phải làm việc hành chính… Hàng ngày, nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng/ngày. Khi bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác, họ được điều chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn cũng chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh, chỉ còn 80.000 đồng/ngày.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Delta gia tăng, Philippines đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực khi các nhân viên y tế nghỉ việc vì khối lượng công việc quá tải, lương thấp. Nhiều bệnh viện và nhân viên y tế Việt Nam tham gia ứng phó với dịch COVID-19 cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Quá tải, lương thấp buộc nhân viên y tế Philippines nghỉ việc

Nhiều bệnh viện tại Philippines đã bị ảnh hưởng khi nhân viên y tế nghỉ việc, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân lực trong khi số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gia tăng.

Theo Hiệp hội các Bệnh viện Tư nhân Philippines (PHAPi), năm 2020, khoảng 40%[1] y tá Philippines tại các bệnh viện tư nhân đã nghỉ việc. Các bệnh viện công cũng đối mặt với tình trạng tương tự.

Chủ tịch Hiệp hội Y tá Philippines - Melbert Reyes - cho biết, ông lo ngại rằng các bệnh viện có thể sẽ chứng kiến nhiều y tá bỏ việc hơn nếu nhu cầu của họ về các quyền lợi và điều kiện tốt hơn không được đáp ứng. "Rất nhiều y tá của chúng tôi đã mất tinh thần", ông Reyes nói với Reuters [2] hồi tháng 8/2021.

Liên đoàn Y tá Philippines (Filipino Nurses United - FNU) cho biết, Chính phủ đã làm được rất ít để cải thiện tình hình. Năm ngoái, Chính phủ đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân viên y tế bằng cách thiết lập một kế hoạch tuyển dụng khẩn cấp với các lợi ích như tăng 20% lương[3] cho hợp đồng tối thiểu ba tháng.

Tuy nhiên, Chính phủ Philippines còn có động thái gây tranh cãi khi đưa ra chính sách cấm nhân viên y tế chuyển đến làm việc ở nước ngoài, ngăn chặn kế hoạch [ra nước ngoài] của họ. Những y tá Philippines đã bỏ ra rất nhiều tiền cho chi phí đào tạo, làm các bài kiểm tra và đáp ứng được các giấy tờ cần thiết để làm việc ở các nước khác. Biện pháp này sau đó đã được thay thế bằng việc giới hạn số lượng y tá được phép rời đi, sau sự phản đối dữ dội từ các nhóm y tá, điều dưỡng.

Khi đại dịch xảy ra, một số người dùng trên mạng xã hội Philippines đã chỉ trích các y tá muốn rời khỏi đất nước, đặt câu hỏi về lòng yêu nước của họ.

Tuy nhiên, lương thấp cùng điều kiện làm việc quá căng thẳng, kéo dài trong đại dịch đã đẩy các nhân viên y tế vào tình cảnh quá khó khăn.

Trong buổi họp báo được tổ chức hôm 3/9 vừa qua, Bác sĩ Maricar Limpin[4] - thành viên của Liên minh các Chuyên gia Y tế phòng, chống dịch COVID-19 của Philippines (HPAAC) cho biết: "Nhiều nhân viên y tế đang mệt mỏi, tức giận, dễ xúc động và nghỉ việc. Trái tim chúng tôi đang rỉ máu, và chúng tôi xin lỗi những bệnh nhân mà chúng tôi phải từ chối nhập viện".

Bác sĩ Limpin cũng cho biết thêm, nhiều nhân viên y tế đã đổ bệnh. Họ đang mạo hiểm mạng sống của họ và thậm chí của vợ/chồng, cha mẹ và con cái của họ.

Các nhóm y tá đã hy vọng rằng đại dịch sẽ buộc Chính phủ Philippines đầu tư vào dịch vụ y tế và cải thiện điều kiện ở các bệnh viện. Tuy nhiên, đại dịch COVID lại làm trầm trọng thêm các vấn đề đã tồn tại từ lâu.

Bà Maristela Abenojar - Chủ tịch Liên đoàn Y tá Philippines cho biết: “Các y tá của chúng tôi làm việc quá sức - thay vì chỉ làm việc 8 giờ [theo ca], họ đang kéo dài thời gian làm việc tới 12 giờ.”

“Bạn có thể tưởng tượng họ được trang bị đầy đủ thiết bị, PPE, từ đầu đến chân, phục vụ cho hơn 15 bệnh nhân trong 12 giờ. Một số không tìm được thời gian để ăn hoặc tránh đi vệ sinh vì họ không muốn cởi bỏ quần áo bảo hộ vì sợ [số lượng cung cấp] ít”, bà Maristela nói với The Guardian[5].

Trước tình hình các nhân viên y tế ở Philippines nghỉ việc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 25/8[6] đã nhấn mạnh rằng Chính phủ Philippines phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo rằng các nhân viên y tế nhận được sự hỗ trợ đầy đủ để tiếp tục điều trị bệnh nhân.

Sự gia tăng các ca mắc COVID-19 và việc xử lý sai các quỹ công nhằm xử lý đại dịch của Chính phủ Philippines, trong đó có lợi ích của các nhân viên y tế, đã làm dấy lên nhiều chỉ trích.

Một số y tá vẫn chưa nhận được đầy đủ các quyền lợi của họ, chẳng hạn như tiền trợ cấp rủi ro.

Các nhân viên y tế Philippines gần đây thậm chí đã bày tỏ sự thất vọng bằng cách xuống đường biểu tình yêu cầu giải quyết các quyền lợi trong bối cảnh đại dịch.

Bộ Y tế Việt Nam xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề của các nhân viên y tế nghỉ việc

Ngành y tế Việt Nam cũng đang ghi nhận tình trạng nhân viên y tế ở tuyến đầu phòng dịch COVID-19 nghỉ việc.

Ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có Công văn 7330/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám chữa bệnh.

Theo nội dung Công văn, hiện nay, qua các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của một số tỉnh, thành, có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm nhân lực thực hiện phòng dịch COVID-19 và khám bệnh, chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tiếp tục quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khu vực (cả cơ sở công lập và tư nhân) bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị, xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đáng chú ý, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng ban hành một văn bản tương tự hôm 20/8 gửi các cơ quan trực thuộc. Nội dung văn bản nêu: “Sở Y tế không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức tại tất cả các đơn vị trực thuộc, đồng thời, nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp”.

Trả lời câu hỏi của PV báo Thanh Niên[7] về việc không giải quyết cho nhân viên nghỉ việc như vậy có đúng luật không, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, đây là văn bản quy định nội bộ của ngành y tế Bình Dương trong thời điểm cấp bách hiện nay.

Tỉnh Bình Dương đã huy động toàn bộ nhân lực y tế công lập và ngoài công lập để phục vụ phòng dịch với khoảng 3.800 người và thêm khoảng 1.895 người từ 25 đoàn chi viện của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành và các trường đại học y dược.

Theo Sở Y tế Bình Dương, trong thời gian tới, khi các đoàn chi viện hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc đợt hỗ trợ chi viện, Bình Dương sẽ gặp khó khăn rất lớn về nhân lực trong việc ứng phó với dịch COVID-19.

Vì sao nhiều nhân viên y tế Việt Nam nghỉ việc?

Nhân viên y tế tuyến đầu phòng dịch COVID-19 của Việt Nam hiện cũng đang trong tình cảnh tương tự như các đồng nghiệp Philippines.

Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, kể từ khi đại dịch xuất hiện vào năm 2020 tới ngày 9/8/2021, đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, 3 người tử vong (gồm 2 người tại TP. HCM và 1 người ở Bình Dương).

Đến tháng 9/2021, có hơn 16.000 y bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung đã vào tâm dịch phía Nam chi viện.

Tại TP. HCM, hơn 177.300 nhân viên y tế đang tham gia ứng phó với dịch COVID-19.

Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng bị lây nhiễm, các y bác sĩ còn chịu áp lực về mức lương, trợ cấp, trong khi số bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỉ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa...

Trong công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM hôm 6/9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. HCM cho biết, tại các bệnh viện dã chiến TP. HCM, một bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc 140 - 150 F0, mỗi tua làm việc từ 8 - 10 giờ sau đó phải làm việc hành chính… khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút. Việc mặc đồ bảo hộ liên tục có thể gây nên tình trạng mất nước và điện giải.

Tại các bệnh viện này, các bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 giờ mỗi ngày nếu được điều động tăng cường. Khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính, có ngày lên đến 12 giờ.

Một số bệnh viện khi rút người đã không đủ nhân sự để thay đổi ca, dồn việc cho các nhân viên còn lại. Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của nhân viên y tế.

Hàng ngày, nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh cho lực lượng hỗ trợ đến từ miền Bắc khiến họ khó ăn, không đảm bảo sức khỏe.

Ngoài ra, khi những nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác được điều chuyển lên khu người bệnh thì suất ăn của họ cũng chuyển sang tiêu chuẩn của người bệnh, chỉ còn 80.000 đồng/ngày.

Một vấn đề khác cũng được chỉ ra là lực lượng an ninh, quân sự đã kiểm tra nghiêm khắc với nhân viên y tế mỗi khi họ ra ngoài mua thêm đồ ăn uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này đã ảnh hưởng đến đời tư, tinh thần của các nhân viên y tế.

Trong khi làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường với nhiều rủi ro thì thu nhập của các nhân viên y tế cũng bị giảm mạnh.

Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông cho biết trên báo Tiền Phong[8], thời điểm tháng 9 này, lương cơ bản của anh em trong bệnh viện, kể cả Giám đốc đều phải giảm 50% vì không có nguồn thu. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm trước đây đều đã bị cắt hết.

Theo chia sẻ của vị bác sĩ, lương của ông trong tháng qua chỉ còn 5,6 triệu đồng. Ở thời điểm bình thường, mỗi tháng bác sĩ nhận được khoảng 12 triệu đồng tiền lương, chưa bao gồm các khoản thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, vị bác sĩ cho rằng mình vẫn còn may mắn vì nhiều bác sĩ trẻ hiện nay mỗi tháng chỉ nhận được hơn 3,1 triệu đồng tiền lương.

Ngày 2/8, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - đã ký công văn về việc thực hiện chương trình động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng dịch COVID-19.

Theo đó, thành phố có chính sách đặc thù, hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu, có 5 nhóm được hỗ trợ với mức từ 1,5 - 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 7/9, qua thống kê, nhiều bệnh viện vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ trên. Mới có một số bệnh viện đã chi trả cho lực lượng tuyến đầu gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Bình Dân…

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, một số bệnh viện khác đã lên danh sách, trong thời gian tới, các bệnh viện này sẽ nhận được gói hỗ trợ.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. HCM cũng đã yêu cầu thành phố có những điều chỉnh để đảm bảo chế độ cho các nhân viên y tế.

Tường Vân

Tài liệu tham khảo:

[1][2] Overwhelmed Philippines hospitals hit by staff resignations. Neil Jerome Morales & Karen Lema. Reuters.

[3][5]. Raging Delta variant takes its toll as Philippines runs out of nurses. Rebecca Ratcliffe. The Guardian.

[4] Health workers say they're 'tired, angry, emotional'. HDT. SunStar.

[6] Philippine government must support health workers, WHO says. Sofia Tomacruz. Rappler.

[7] Vì sao Sở Y tế Bình Dương không giải quyết cho nhân viên nghỉ việc?. Đỗ Trường. Thanh Niên.

[8] Bệnh viện, nhân viên y tế cần hỗ trợ khẩn cấp. Vân Sơn. Tiền Phong.


Đừng để nhân lực y tế tuyến đầu bị ‘chọc thủng’