Dự án điện mặt trời phá 5,26ha rừng phòng hộ: Lãnh đạo nói ‘nhầm lẫn', dân nói ‘ngụy biện'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người dùng Facebook có tài khoản H.T chia sẻ: “Nói rừng phòng hộ có 10 năm tuổi thì hoàn toàn sai rồi, lúc tôi còn nhỏ, hai phần diện tích rừng đã có từ lâu rồi, sau này đi học chính tay tôi cùng tất cả học sinh cấp hai vào tận vườn ươm nhổ từng cây con về trồng tính đến nay đã ba mấy gần 40 năm rồi. Giờ bị tàn phá thật là xót nhưng chỉ biết kêu trời thôi…”

Thời gian qua, người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) liên tục phản ánh việc Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ 3 trong quá trình thi công đã chặt phá hàng nghìn cây phi lao tại rừng phòng hộ ven biển các thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) bên ngoài khu vực cắm mốc dự án.

Phần diện tích rừng phi lao phòng hộ bị xâm hại đã bị ủi trắng, mất cả gốc.

Lãnh đạo nói rừng phi lao “10 tuổi", người dân nói “20 - 40 tuổi"

Ông Lê Xuân Thương - Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, đoàn kiểm tra do Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Phù Mỹ chủ trì đã đo đạc, xác định phần diện tích rừng phi lao bị chặt phá khoảng 5,26 ha - vượt ra ngoài mốc toạ độ của dự án được Nhà nước giao.

Ông Thương cho hay, trước khi giao đất cho doanh nghiệp, Sở TN - MT Bình Định, UBND huyện Phù Mỹ cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành cắm mốc theo quy định.

Ông Bùi Long Thăng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cho biết, diện tích rừng bị chặt phá nói trên thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý. Ông Thăng cho rằng, có thể do dự án trải qua nhiều lần chuyển đổi chủ nên doanh nghiệp nhầm lẫn, ủi phá lấn qua rừng phòng hộ.

Ông Phan Xuân Vũ - Trưởng phòng TN - MT huyện Phù Mỹ cho hay, chủ đầu tư dự án báo cáo nguyên nhân là do các nhà thầu thi công từng công đoạn của dự án không xác định được mốc tọa độ đã giao.

Cụ thể, phía chủ đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kèm theo “chạy đua" tiến độ thi công nên nhà thầu đã thi công nhầm lẫn mốc giới xâm lấn vào rừng và đất rừng phòng hộ. Hiện, chủ đầu tư đã kỷ luật, buộc dừng công việc đối với nhà thầu thi công gói thầu là Công ty TNHH Phước Hưng.

Mặt khác, chủ đầu tư cũng nhận trách nhiệm đã thiếu kiểm tra, giám sát nên mới xảy ra sai sót.

Mặc dù lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ cho biết, diện tích rừng bị chặt phá khoảng 10 năm tuổi, nhưng người dân xã Mỹ An cho rằng khu rừng phi lao này có tuổi thọ khoảng 20 - 40 năm. Có cây có đường kính thân 20 - 40 cm.

Một người dùng Facebook có tài khoản H.T chia sẻ: “Nói rừng phòng hộ có 10 năm tuổi thì hoàn toàn sai rồi, lúc tôi còn nhỏ, hai phần diện tích rừng đã có từ lâu rồi, sau này đi học chính tay tôi cùng tất cả học sinh cấp hai vào tận vườn ươm nhổ từng cây con về trồng tính đến nay đã ba mấy gần 40 năm rồi. Giờ bị tàn phá thật là xót nhưng chỉ biết kêu trời thôi…”

Người dân nói chủ đầu tư “ngụy biện"

Trao đổi với PV báo Người Lao động, người dân xã Mỹ An khẳng định việc phá rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An để làm dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ không phải do nhầm lẫn. Người dân cho rằng lời giải thích của chủ đầu tư là ngụy biện, không thể chấp nhận được.

Người dân cho hay, việc phá khu rừng phi lao phòng hộ ven biển tại hai thôn Xuân Bình và Xuân Phương bắt đầu diễn ra vào đêm 6/8. Lãnh đạo xã Mỹ An sau đó đã xuống kiểm tra nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục chặt phá rừng phi lao, cho đến khi UBND huyện Phù Mỹ thành lập đoàn kiểm tra thì việc chặt phá rừng mới dừng lại.

Anh N.V.C (ngụ thôn Xuân Bình, xã Mỹ An) cho biết thêm, bắt đầu từ đêm 6/8, cứ đêm đến, thấy công nhân lén lút đưa máy móc đến chặt phá khu rừng phòng hộ rồi dọn dẹp hiện trường, kéo rào bao lại khu vực bị phá, ban ngày thì nghỉ. Sau khi cưa hạ, công nhân đào lấy gốc, dọn dẹp sạch sẽ thân, lá phi lao tại hiện trường ngay trong đêm. Đến sáng, người dân lại thấy khu rừng phòng hộ lộ thêm một khu đất trống.

Chủ đầu tư muốn hoán đổi 5,26 ha rừng bị chặt phá

Trao đổi về hướng khắc phục sự việc, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch - chủ đầu tư dự án - cho biết, trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2 ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2 ha này và hoán đổi phần diện tích rừng 5,26 ha vừa bị chặt phá.

Lý giải về cách giải quyết này của chủ đầu tư dự án, người dân xã Mỹ An cho rằng, có lẽ là do phần đất dư mà chủ đầu tư chưa đụng đến là phần đất có mồ mả, chưa được giải phóng mặt bằng. Vì vậy, thời gian qua, chủ đầu tư không thể lắp đặt máy móc, thiết bị theo kế hoạch.

Hiện, UBND huyện Phù Mỹ đã giao Phòng TN - MT huyện phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xác định một số diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án bị chồng lấn, đồng thời đề xuất hướng giải quyết, báo cáo UBND huyện có hướng xử lý tiếp theo.

Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ 3 do Công ty Cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích đất hơn 94,3 ha (gồm 2 giai đoạn) tại hai xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ), công suất 100 MWp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.048 tỉ đồng.

Riêng tại khu vực xã Mỹ An, UBND tỉnh Bình Định giao đất cho dự án này diện tích 56 ha (gồm 13 ha giai đoạn 1 và 43 ha giai đoạn 2).

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Dự án điện mặt trời phá 5,26ha rừng phòng hộ: Lãnh đạo nói ‘nhầm lẫn', dân nói ‘ngụy biện'