Dịch bệnh căng thẳng, miền Tây còn phải đối mặt với hạn mặn kèm mất mùa, thiếu nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tối ngày 06/03, Hà Nội đã chính thức lên tiếng xác nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17 tại Việt Nam, khiến toàn bộ các cơ quan, giới chức cùng dư luận xôn xao và căng thẳng. Tuy nhiên, đối với người dân miền Tây, không chỉ có dịch bệnh mà cả thiên tai - hạn nhập mặn - cũng đang khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Ruộng ngập mặn, lúa chết non, mất mùa trắng tay, giờ đây người dân miền Tây còn phải lo toan đi tìm nguồn nước ngọt cho những sinh hoạt cơ bản hàng ngày.

Theo báo VNExpress đưa tin, tính đến thời điểm này đã có 5 tỉnh miền Tây thông báo tình trạng khẩn cấp đối với thiên tai hạn mặn, gồm có Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau. Hạn mặn năm nay được đánh giá đã vượt mốc đợt hạn lịch sử năm 2016, hơn nữa lại đến sớm trước 1 tháng so với 4 năm trước, khiến cả người dân và các ban ngành đều rất khó ứng phó. Dù đã có thông báo phản ứng khẩn cấp và người dân đã có kinh nghiệm, thiệt hại vẫn rất nặng nề và diễn biến hạn mặn vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Từ giữa tháng 1, các sông chính của tỉnh Bến Tre phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn rất sâu và đột ngột với những diễn biến phức tạp khó lường trước. Trong tình trạng bị nước mặn bủa vây, toàn tỉnh Bến Tre gần như mất trắng khoảng 5.000 ha lúa, cùng hơn 8.000 ha đất trông cây ăn quả và hơn 1.000 h.a đất nuôi cây giống, hoa kiểng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết khu vực đất trồng cây ăn quả này chuyên tập trung nuôi trồng các loại trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon… với sản lượng hàng năm lên đến hơn 100.000 tấn. Do bị sốc nước mặn thời gian dài, các loại cây dần trở nên cằn cỗi, khô héo rồi chết dần.

Embed from Getty Images

Đất nhiễm mặn trở nên khô cằn đến nứt nẻ, các loại cây lương thực, hoa màu hay cây ăn trái đều không thể sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt này. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Còn tại Cà Mau, với tình hình khí tượng thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp, hạn mặn kèm với sạt lở và sụp lún đất, khiến mức độ thiệt hại càng trầm trọng: 18.000 ha lúa và rau màu mất trắng; gần 43.000 has rừng đang phải đối mặt nguy cơ cháy cao. Đi kèm với đó là các vấn đề đáng lo ngại khác của các cơ sở hạ tầng: rò rỉ đáy ở cống ngăn mặn; sụp lún và sạt lở tại hơn 900 vị trí công trình ven kênh, kéo dài gần 22 km.

Các khu vực tỉnh khác như Kiên Giang, Long An cũng đang triển khai gấp các biện pháp ngăn chặn để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thiên tai hạn mặn, ví dụ như đắp đập tạm để ngăn mặn và trữ nước ngọt, v.v.

Hạn mặn khó kiểm soát

Với kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp tỉnh hàng chục năm, tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm đã nhận xét hạn mặn năm nay “gay gắt chưa từng thấy”. Ông đánh giá “Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”.

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 3 dòng chảy từ đầu nguồn sông Mekong về tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn ở mức rất thấp, xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Dự đoán hạn mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tháng tiếp theo.

Theo thống kê từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 20.000 ha lúa thuộc miền Tây rơi vào tình trạng mất mùa không thể cứu vãn, bằng khoảng 7% so với thiệt hại hồi năm 2016. Đợt hạn mặn cách đây 4 năm được ghi nhận là 100 năm mới tái diễn trong lịch sử, khiến 600.000 người dân miền Tây không có nước sinh hoạt, 160.000 ha đất bị nhiễm mặn dẫn đến thiệt hại trên 5.500 tỷ đồng.

Nước ngọt thiếu trầm trọng

Từ sau Tết Nguyên đán, đời sống người dân miền Tây hoàn toàn bị đảo lộn bởi nguồn nước ngọt ngày càng cạn kiệt. Nước máy hay nước dưới kênh, rạch đều bị nhiễm mặn hoặc phèn, nguồn nước dự trữ tại các hộ dân tới nay cũng đã sử dụng hết.

Embed from Getty Images

Hạn mặn sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt trầm trọng. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Hiện tại, để có nước sinh hoạt, người dân buộc phải mua lại nước ngọt từ những người chuyên chạy xe bồn để lấy nước ở các khu vực xa hơn. Với mỗi khối nước, người dân có thể phải chi trả mức giá dao động từ 100.000 - 150.000 VNĐ, tùy khoảng cách đường gần xa. Thậm chí có những nơi phải mua nước với mức giá 200.000 VNĐ/ khối nước.

Lúa mất, trắng tay nợ nần, người dân giờ đây càng thêm nỗi nhọc nhằn lo toan khi nguồn nước trở nên khan hiếm. Ông Tư Hiếu, ngụ tại Bến Tre, nhìn dòng kênh khô rang trước nhà đã nói “Nhà nào khá giả thì còn đỡ chứ những hộ nghèo ngoài chuyện lo gạo hàng ngày, giờ lo thêm tiền mua nước dùng. Điệp khúc thiếu rồi mua nước năm nào cũng lặp lại, nhưng năm nay khổ hơn vì mặn lên sớm 1 tháng”.

Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình ở khu vực hạn mặn tỉnh Bến Tre phải chi trả thêm ít nhất 500.000 - 1,5 triệu đồng để có đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, có lúc có tiền muốn mua nước cũng không thể có ngay lập tức, mà người dân phải gọi điện đặt hàng trước hoặc chạy tới nhà người cung cấp kêu chở. Bà Lan, ngụ tại xã Bình Thành tỉnh Bến Tre thở dài nói rằng “có khi 2-3 ngày họ mới chở cho mình, vì ưu tiên người đặt trước”.

Kết

Giữa nỗi lo dịch bệnh của toàn dân, người dân miền Tây còn đang phải cật lực ứng phó với hạn xâm nhập mặn vào đất và nguồn nước. Hoa màu vì nhiễm mặn mà cháy úa, lại không có nguồn nước dùng thay thế, người nông dân đã vất vả ngoài đồng nay càng thêm nỗi bươn chải lo toan tiền nước dùng và tiền nợ vì mất vụ thu hoạch. Dù đã có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với người dân để ứng phó với thiên tai, những thiệt hại đối với môi trường và người dân miền Tây vẫn khó có thể được giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.

Du Miên
Theo VNExpress và Vietnamnet

Việt Nam

Dịch bệnh căng thẳng, miền Tây còn phải đối mặt với hạn mặn kèm mất mùa, thiếu nước