Đề xuất thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy từ 1/1/2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Công an vừa đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng.

Nếu đề xuất được thông qua, việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 17 tỉnh, thành từ ngày 1/1/2021.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) vừa cho biết cơ quan đang lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho bảo vệ tổ dân phố, dân phòng.

Theo đề xuất của Bộ Công an, nội dung thí điểm này sẽ được thực hiện ở các phường, thị trấn thuộc 17 tỉnh, thành, bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương và Đồng Nai.

Theo đề xuất, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng sẽ tham gia chữa cháy, sơ cứu người bị nạn, cứu tài sản; phối hợp với lực lượng bảo vệ chuyên trách của các cơ quan, doanh nghiệp trong khu vực để đảm bảo PCCC theo yêu cầu của UBND phường, thị trấn, công an phường, thị trấn; tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy khi có yêu cầu.

Mặc dù được đánh giá là lực lượng cơ sở tại địa phương thông thuộc địa hình, có thể chữa cháy nhanh trong một số trường hợp cháy nhỏ, trong hẻm, giúp giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức chi trả thường xuyên cùng với việc thiếu những kỹ năng, chuyên môn và phương tiện thực hiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân phòng cần được xem xét chi tiết hơn nữa.

Ngân sách chi trả hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm

Theo Bộ Công an, hiện tổng số dân phòng, bảo vệ tổ dân phố trên cả nước có hơn 615.450 người: trong đó số lượng bảo vệ tổ dân phố là 72.456 người, số lượng dân phòng hơn 543.000 người.

Dự kiến khi thí điểm, khoản phụ cấp cho mỗi bảo vệ tổ dân phố sẽ tăng từ khoảng 800.000 đồng/tháng (hiện nay) lên 1.490.000 đồng/tháng (bằng mức lương cơ sở). Theo đó, ngân sách sẽ phải chi trả khoảng 100 tỉ đồng mỗi tháng - tương đương 1.200 tỉ đồng mỗi năm.

Về lực lượng dân phòng, theo thống kê của Bộ Công an, hiện cả nước có 180.799 cơ sở cấp thôn (thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư tương đương). Nếu thành lập đủ 180.799 đội dân phòng tại cơ sở, theo quy định về Tổ chức Lực lượng Phòng cháy và Chữa cháy (Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính Phủ), mỗi đội dân phòng có từ 10 - 30 người (trong đó có 1 Đội trưởng và 1, 2 Đội phó) thì tổng số dân phòng trong cả nước sẽ có ít nhất khoảng 1,8 triệu người. Ước tính, nếu chỉ tính riêng mức hỗ trợ thường xuyên cho 1 Đội trưởng và 1 Đội phó mỗi tháng 372.500 đồng/người (tương đương 25% mức lương cơ sở - mức thấp nhất theo quy định) thì ngân sách phải chi trả khoảng hơn 134 tỉ đồng mỗi tháng - khoảng 1.616 tỉ đồng mỗi năm.

Theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an, các phương tiện phòng cháy và chữa cháy được trang bị cho một đội dân phòng bao gồm: khóa mở trụ nước (dành cho khu vực có trụ cấp nước chữa cháy đô thị), bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg, bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg, mũ chữa cháy, găng tay chữa cháy, ủng chữa cháy, đèn pin chuyên dụng, câu liêm, bồ cào, dây cứu người, hộp sơ cứu (kèm các dụng cụ cứu thương), thang chữa cháy, loa pin, khẩu trang lọc độc.

Tuỳ theo đặc điểm từng khu vực và khả năng ngân sách của địa phương mà lực lượng dân phòng có thể được trang bị thêm các loại phương tiện như: máy bơm chữa cháy, bộ đàm cầm tay, mặt nạ phòng độc lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly và một số loại phương tiện phòng cháy - chữa cháy cần thiết khác. Với số lượng hơn 543.000 thành viên như hiện nay, chi phí trang bị phương tiện chữa cháy cho lực lượng này sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Yêu cầu cao về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng

Công việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đòi hỏi tính nghiệp vụ, chuyên nghiệp cao bởi không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong đám cháy mà còn liên quan đến tính mạng của người tham gia chữa cháy.

Thông thường, các công việc chuyên môn chủ yếu của người lính cứu hoả bao gồm:

  • Cứu người và sơ tán người dân khỏi hiện trường cháy, nổ;
  • Vận hành các trang thiết bị chuyên dụng như: máy bơm, phun nước, bọt và hoá chất từ vòi, bình chữa cháy xách tay và các thiết bị để dập tắt đám cháy, phân tán hoặc vô hiệu hoá các chất độc hại, nguy hiểm;
  • Thực hiện sơ cứu, cấp cứu và ổn định tinh thần cho các nạn nhân trước khi chuyển lên xe cứu thương và đưa đến bệnh viện;
  • Tham gia các hoạt động và chương trình huấn luyện cứu hộ, diễn tập, các khoá học về kỹ thuật chữa cháy, xử lý tình huống khẩn cấp;
  • Bảo trì các trang thiết bị thường xuyên để đảm bảo tất cả các công cụ và thiết bị hoạt động tốt;
  • Hỗ trợ các cơ quan khác trong trường hợp khẩn cấp...

Để đảm nhận các công việc trên, một người lính cứu hoả cần đáp ứng được các bài kiểm tra về sức khoẻ thể chất, tâm lý, các kiến thức về hoá học, vật lý liên quan...

Theo đề xuất thí điểm của Bộ Công an, bảo vệ tổ dân phố, dân phòng ở các địa phương sẽ được được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, được trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Nếu đề xuất được thông qua, việc thí điểm tại 17 tỉnh, thành sẽ được bắt đầu từ đầu năm 2021.

Nguyễn Hoàng

Việt Nam Chính trị

Đề xuất thí điểm giao dân phòng, dân phố tham gia chữa cháy từ 1/1/2021