Cứu sống người nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' Whitmore khi làm việc ở trang trại lợn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 3/10, BS Hoàng Công Tình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện vừa cứu sống thành công một trường hợp suy đa tạng do khuẩn vi khuẩn Whitmore, thường gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.

Bệnh nhân được cứu sống giới tính nam (45 tuổi, quê Tân Lạc, Hòa Bình) được phát hiện bệnh trong quá trình sàng lọc COVID-19 tại bệnh viện cách đây hơn 1 tháng.

Thời điểm đó, bệnh nhân làm việc trong trại nuôi lợn ở KCN tỉnh Bắc Giang. Sau khi có biểu hiện sốt, khó thở 3 ngày, bệnh nhân trở về Hoà Bình để chữa bệnh.

Nhập cơ sở y tế trong tình trạng sốt cao, khó thở tăng dần, chụp X-Quang có hình ảnh viêm phổi, bệnh nhân được cách ly và làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Ngay trong đêm, bệnh nhân suy hô hấp nặng lên, tụt huyết áp, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng: Hôn mê sâu; suy hô hấp, hình ảnh viêm phổi lan tỏa 2 bên, bệnh nhân phải thở máy hỗ trợ.

Cùng đó, bệnh nhân tụt huyết áp phải dùng nhiều thuốc co mạnh để nâng huyết áp; suy thận-suy gan cấp, hội chứng nhiễm trùng-nhiễm độc nặng phải lọc máu liên tục và thay huyết tương. Do bệnh nhân không hấp thu thức ăn qua đường tiêu hoá, phải nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường truyền tĩnh mạch.

Bệnh nhân được cách ly để xét nghiệm sàng lọc COVID-19, xét nghiệm sàng lọc vi khuẩn, vi nấm; được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, phối hợp.

Sau 2 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19, bệnh nhân được xác định nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

BS Tình cho biết, trong qúa trình điều trị, tính mạng của bệnh nhân nhiều lần bị đe dọa. Đến nay, sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.

Bệnh nhân phải thở máy, được lọc máu liên tục.
Bệnh nhân phải thở máy, được lọc máu liên tục. (Ảnh chụp từ video)

Vi khuẩn ăn thịt người?

Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị lãng quên gần 1 thế kỷ nay. Cách đây 1-2 năm, bệnh được phát hiện và ngày càng nhiều với các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh còn được đồn đoán là do vi khuẩn ăn thịt người gây nên.

Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh thường lây theo đường máu. Những ai tiếp xúc với bùn đất và có vết thương trầy xước thường có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn này.

Trong 2 năm trở lại đây, tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận ít nhất 6 bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore. Hầu hết các bệnh nhân đều đến bệnh viện trong tình trạng nặng vì không biết mắc bệnh này.

Theo BS Tình, trong số các bệnh nhân đã từng mắc bệnh điều trị tại bệnh viện, tất cả các trường hợp đều có vết thương trên người và đã tiếp xúc với bùn đất và không có đồ bảo hộ.

BS Tình khuyến cáo, người dân lao động trên đồng ruộng, bùn đất cần có đồ bảo hộ lao động, tránh để các vết trầy xước tiếp xúc với bùn đất để vi khuẩn Whitmore không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

Vi khuẩn ăn thịt người là gì?

Trên thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” hay được các phương tiện truyền thông sử dụng về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis - NF).

Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tiến triển rất nhanh, có nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. Loại vi khuẩn hay gây viêm cân mạc hoại tử nhất là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal - GABHS). Ngoài ra còn nhiều loại vi khuẩn khác gây viêm cân mạc hoại tử, chẳng hạn như Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Klebsiella, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum,...), E. coli, Aeromonas hydrophila,...

Viêm cân mạc hoại tử thường được phân làm hai loại. Viêm cân mạc hoại tử loại I là do nhiễm khuẩn hỗn hợp (nhiễm nhiều loại vi khuẩn), thường kết hợp giữa một loài vi khuẩn yếm khí kết hợp với một hoặc nhiều loại vi khuẩn yếm khí tùy nghi. Viêm cân mạc hoại tử loại II là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, và giữa hai loại viêm cân mạc hoại tử thì viêm cân mạc hoại tử loại II chiếm đa số trường hợp.

(Nguồn tham khảo: webmd.com)


Cứu sống người nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' Whitmore khi làm việc ở trang trại lợn