Cứu sống bé trai 2,5 tháng tuổi nguy kịch khi được rửa mũi bằng nước muối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng nay ngày 12/1, bác sĩ Lê Nguyệt Minh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, bé trai 2,5 tháng tuổi nguy kịch do bị sặc nước muối sinh lý vừa được cấp cứu thành công.

Cụ thể theo truyền thông trong nước, bé H. K. A. (75 ngày tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, thở gắng sức rõ và nhịp tim nhanh.

Người nhà cho biết, trước đó, thấy con quấy khóc, khó chịu do bị nghẹt mũi nên gia đình đã dùng xilanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.

Khi đang được vệ sinh mũi, bé bất ngờ ngừng thở và tím tái toàn thân nên được người nhà hô hấp nhân tạo và đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé K. A. bị hội chứng xâm nhập do dịch rửa mũi họng chảy qua thanh quản vào khí quản gây co thắt thanh, khí quản, khiến trẻ khó thở cấp tính và thiếu oxy trầm trọng.

Rất may mắn là gia đình đã kịp thời hô hấp nhân tạo trước khi đưa trẻ nhập viện.

Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám và cấp cứu kịp thời, bé A. đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau 2 tiếng kể từ khi nhập viện, tình trạng trẻ ổn định, trẻ thở đều, da hồng hào, ăn sữa tốt. Hiện tại, sau 2 ngày điều trị, bé A. đã được xuất viện về với gia đình.

Bác sĩ Lê Nguyệt Minh, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, cảnh báo, đây là một trong những trường hợp điển hình cha mẹ vệ sinh mũi sai cách cho con, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

1 bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang sau khi được người nhà rửa mũi sai cách. (Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang)

Rửa mũi là phương pháp hiệu quả phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa trang bị đầy đủ kiến thức về cách rửa mũi cho trẻ, áp dụng sai cách, sử dụng sai dung dịch hoặc tùy tiện lạm dụng rửa mũi gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trẻ có thể bị viêm họng, viêm tai giữa, tổn thương niêm mạc mũi, hoặc nhiễm trùng nặng hơn do dụng cụ rửa mũi không được vô trùng.

Theo BS Minh, đối với trẻ nhỏ dưới 02 tuổi, nếu muốn thực hành rửa mũi cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa và nếu có chỉ định thì nên được tư vấn, hướng dẫn thực hành bởi nhân viên y tế trước khi tự thực hiện cho trẻ tại nhà. Nếu sau 4-5 ngày mà trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện hoặc kèm theo dấu hiệu sốt, ho, đặc biệt ho có đờm, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được điều trị kịp thời.

Theo trang vinmec.com, vai trò của nước muối sinh lý cho bé chỉ thực sự được phát huy khi trẻ gặp vấn đề trên đường hô hấp. Đó là lúc trẻ bị cảm cúm, viêm nhiễm, tăng bài tiết chất nhầy; Đồng thời, mũi họng bị nhiễm trùng, chất nhầy đục, quánh đặc, khó dẫn lưu ra ngoài, làm bít tắc đường hô hấp. Đường thở của trẻ vốn nhỏ hẹp và mềm, dễ xẹp, trẻ sẽ biểu hiện sổ mũi, khò khè, khó thở, ho đờm, nóng sốt.

Việc rửa mũi họng, các xoang đúng cách sẽ giúp đẩy trôi chất bẩn, diệt trừ vi trùng và trả lại sự thông thoáng tự nhiên trên đường thở cho bé.

Hướng dẫn rửa mũi họng đúng cách bằng nước muối sinh lý

Việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé cần được thực hiện theo từng bước độc lập, dứt khoát để tránh làm trẻ ho sặc, gây sợ hãi, quấy khóc.

Đầu tiên, nên giữ đầu trẻ cố định trên mặt phẳng cứng và nghiêng hẳn sang một bên, bên dưới có lót khăn, gạc thấm.

Tiếp theo, nhẹ nhàng đưa vòi bơm một lượng xác định vào cạnh bên cánh mũi của lỗ mũi nằm ở trên. Đợi từ từ để nước chảy ra từ mũi bên dưới. Lặp lại hai đến ba lần tùy vào tình trạng của trẻ là làm tương tự đối với bên đối diện.

Cuối cùng, làm khô bên trong mũi với tăm-bông nhưng tuyệt đối không đưa vào quá sâu và lau sạch cánh mũi ngoài của trẻ bằng vải mềm.

Nếu dịch mũi của trẻ quá nhầy đặc, có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào trước để làm loãng bớt. Bên cạnh đó, cũng có thể dùng ống hút để lấy bớt chất nhầy ra ngoài. Luôn lưu ý rằng các dụng cụ sử dụng cho trẻ cần là các loại chuyên dùng cho trẻ sơ sinh vào thao tác nhẹ nhàng, cẩn trọng.

Tóm lại, việc rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý luôn là một biện pháp hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ không nên quá lạm dụng mà cần nắm rõ những thời điểm khuyên dùng và cách thức thực hiện để bảo vệ sức khỏe hô hấp cho con trẻ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường của trẻ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.


Cứu sống bé trai 2,5 tháng tuổi nguy kịch khi được rửa mũi bằng nước muối