Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19: 'Ai ở đâu ở đấy'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam; yêu cầu các tỉnh, thành kêu gọi người dân không được rời khỏi địa phương, "ai ở đâu ở đấy".

Ngày 31/7, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có công điện về phòng chống dịch COVID-19 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua.

2. Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Thông tin, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến khu vực tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn.

Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy). Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. Bộ Công an chỉ đạo công an tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức đưa đón người dân.

Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

3. Tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 17/7/2021.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trước khi quyết định.

4. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP. HCM và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Kêu gọi, kiểm soát người dân ở TP. HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời khỏi địa phương, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy".

Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP. HCM và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn.

Tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vắc xin.

Tăng cường huy động đội ngũ cán bộ y tế (nhất là lực lượng hồi sức cấp cứu) không phân biệt công, tư tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, số lượng bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên. Sẵn sàng chi viện cho các địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn như TP. HCM và một số địa phương phía Nam theo sự điều phối của Bộ Y tế.

Chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch. Có phương án sử dụng hợp lý lực lượng y tế, những nơi không nhất thiết cần nhân viên y tế thì hướng dẫn các lực lượng khác và nhân dân thực hiện.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh; sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu. Tuyệt đối không để tiêu cực trong mua sắm.

5. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công khai, minh bạch, kịp thời mọi thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết và tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

6. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh, hiệu quả theo quy trình rút gọn về hành chính việc sản xuất, cung ứng vắc xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch COVID-19 đã truyền đến hơn 200 quốc gia, khiến gần 200 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4,2 triệu người tử vong.


Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19: 'Ai ở đâu ở đấy'