Chiều 25/4, Việt Nam có 10 ca mắc mới COVID-19; Cần không chủ quan trước làn sóng dịch mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều 25/4, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc COVID-19 đều là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế chiều 25/4, Việt Nam có thêm 10 ca mắc COVID-19 (BN2834-2843) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Khánh Hòa (6) và Đà Nẵng (3). Cụ thể:

Bệnh nhân 2834 (BN2834) ghi nhận tại TP Hà Nội: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại tỉnh Bắc Ninh. Ngày 23/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay JL751 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hà Nội. Kết quả xét nghiệm ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Bệnh nhân 2835 (BN2835) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 54 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ngày 19/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ5139 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa.

Bệnh nhân 2836 (BN2836) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 19 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngày 10/4, bệnh nhân từ Đức nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN30 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa.

Bệnh nhân 2837 (BN2837) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Bệnh nhân 2838 (BN2838) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 22 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh nhân 2839 (BN2839) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh nhân 2840 (BN2840) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 22 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ngày 22/4, BN2837-2840 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay QH9413 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa.

Bệnh nhân 2841 (BN2841) ghi nhận tại TP Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 25 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày 23/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VJ3613 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh nhân 2842 (BN2842) ghi nhận tại TP Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 26 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ngày 23/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Bệnh nhân 2843 (BN2843) ghi nhận tại TP Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Ngày 21/4, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay VN5062 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 24/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam có tổng số 2.843 ca mắc COVID-19, trong đó 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 40.846 người. Số ca điều trị khỏi là 2.516 ca. Số ca tử vong là 35 ca.

Cần không chủ quan trước "làn sóng" dịch mới

Mặc dù đến nay Việt Nam đã trải qua 1 tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng nhưng điều này lại đang dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân, trong khi ngành Y tế Việt Nam vẫn đang liên tục đưa ra các khuyến cáo về phòng chống COVID-19 và cập nhật những diễn biến phức tạp tại châu Á trước làn sóng dịch bệnh mới.

Hôm 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra Công điện khẩn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, yêu cầu các cơ quan, bộ ngành từ Trung ương đến các tỉnh thành tiếp tục tăng cường chú ý với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Các địa phương cần chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch. Người dân cần thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng…

Trao đổi với báo chí ngày 24/4, trước nguy cơ “làn sóng” dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng virus từ Anh, Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta là rất cao, hết sức đáng quan ngại".

Ông dẫn chứng, trong 24 giờ qua, ở Ấn Độ đã phát hiện thêm 340.000 trường hợp nhiễm mới. Tại Campuchia với trên 600 trường hợp nhiễm mới/ngày. Ngay tại Lào, trong 24 giờ qua, đã phát hiện số ca nhiễm cao nhất so với số ca phát hiện/1 ngày tại Việt Nam.

“Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Đối với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch”, ông Long nói.

Các tỉnh Tây Nam Bộ là khu vực trọng điểm

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay ngành y tế đánh giá Tây Nam Bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Campuchia, khả năng xâm nhập ca bệnh vào Việt Nam là rất lớn.

Mặc dù việc kiểm soát biên giới đường bộ đã làm được tốt nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này. Từ Hà Tiên và TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cách nhau 100km, việc đi lại khó khăn. Ngay tại Hà Tiên đang điều trị số ca mắc COVID-19 khá lớn.

Hôm 19/4, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 13 bác sĩ có chuyên môn giỏi đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, xây hai bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên và TP Rạch Giá.

Bộ Y tế đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại đây và đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các kịch bản đều được rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra.

Việt Nam có đường biên giới chung với Lào dài 2.067km, Campuchia: 1.137km. Các tỉnh thành có chung đường biên giới đất liền với hai nước đang tăng cường kiểm soát người nhập cảnh và các biện pháp phòng chống COVID-19 trong cộng đồng.

10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào:
  • Điện Biên (360km);
  • Sơn La (250km);
  • Thanh Hoá (192km);
  • Nghệ An (419km);
  • Hà Tĩnh (163km);
  • Quảng Bình (202km);
  • Quảng Trị (206km);
  • Thừa Thiên – Huế (88km);
  • Quảng Nam (140km);
  • Kon Tum (154,222km).

10 tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia:

  • Kon Tum (183,30km);
  • Gia Lai (90km);
  • Đắk Lắk (193km);
  • Đắk Nông (120km);
  • Bình Phước (210km);
  • Tây Ninh (240km);
  • Long An (136km);
  • Đồng Tháp (96km);
  • An Giang (104km);
  • Kiên Giang (48km).

Đức Lâm


Chiều 25/4, Việt Nam có 10 ca mắc mới COVID-19; Cần không chủ quan trước làn sóng dịch mới