Chạy đua thành 'hộ nghèo' để nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dưng trở thành người thân, sáp nhập hộ nghèo,... là thực tế đang diễn ra tại một số địa phương để "tranh thủ" nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19.

Vay tiền mới là nghèo

Một người dân ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa nói với đài VTV rằng, lý do họ không được xét vào hộ cận nghèo chỉ vì không… vay tiền.

"Phải vay tiền với số lượng lớn mới được ưu tiên vào hộ cận nghèo", người dân cho biết.

Một số trường hợp được biết đến là hộ cận nghèo "có điều kiện". Bởi nhờ cận nghèo, những người này mạnh dạn vay hẳn vài trăm triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đủ tiền xây ngôi nhà trị giá hơn… 1 tỷ đồng.

Số hộ nghèo tăng mạnh

Đặc biệt, số hộ cận nghèo ở một số xã ở tỉnh Thanh Hóa tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Có xã năm trước chỉ hơn 400 hộ, nay đã lên 740 hộ.

Khi nằm trong diện cận nghèo, các hộ sẽ được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, đặc biệt là ưu đãi về vốn vay, lãi suất ngân hàng, các ưu đãi về bảo hiểm y tế, giáo dục. Vì được nhiều quyền lợi nên không ít hộ không muốn thoát nghèo dẫu kinh tế gia đình đã khấm khá hơn.

Tại Hòa Bình cũng có tình trạng một số gia đình dù có hoàn cảnh khó khăn, sống trong ngôi nhà tạm bợ, nhưng không nằm trong diện được hỗ trợ do dịch Covid-19. Trong khi các hộ gia đình khác có mức sống khá giả hơn, là cán bộ, đảng viên lại nằm trong danh sách hộ cận nghèo, theo Dân Việt.

Sát nhập hộ nghèo

Để đạt thành tích "nông thôn mới", số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ được giới hạn. Nhưng vì ai cũng thích nghèo nên chính quyền một số xã đã "sáng kiến" gộp 2 hộ thành 1. Khi đó, những người không thân thích bỗng nhiên thành… người nhà.

Để tránh bị lộ khi có đoàn kiểm tra, xã Thiệu Thành (tỉnh Thanh Hóa) đã ẩn luôn tên hộ bị ghép. Chính vì sáp nhập nên người được kẻ không, nhiều người nghèo vẫn chưa hết ngơ ngác vì sao mình bỗng... thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành lý giải từ trước đến nay chưa thấy có hộ nào phản ứng, bản thân ông từ xã khác đến nên không nắm được cụ thể.

70 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập với nhau để giảm còn 43 hộ, giúp địa phương đạt chỉ tiêu nông thôn mới sau 1 năm.

Trong khi đó, nhà một người dân ở xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 3 nhân khẩu nhưng trong sổ hộ khẩu của gia đình lại "cõng" thêm 2 người con của Phó Bí thư xã. Sự việc tiếp diễn gần 10 năm nhưng đến giờ mới được lật mở.

Nếu nhà cán bộ muốn gửi con vào hộ nghèo, chỉ cần đánh tiếng với trưởng công an xã thì tên nguời cần gửi sẽ được viết thêm vào sổ hộ khẩu của hộ nghèo.

Câu chuyện người thân "đi lạc" vào hộ nghèo không chỉ xuất hiện ở 1 xã, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, có xã còn có đến 3 cán bộ "nòng cốt" có người thân bị gửi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tiền hỗ trợ dịch Covid-19 đã chi 60%

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết đến ngày 20/5 đã có 6,7 triệu người trong số 11,8 triệu người thuộc diện gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được nhận tiền hỗ trợ. Tổng kinh phí đã chi gần 11.400 tỉ đồng, đạt gần 60%, theo báo Tuổi trẻ.

Bộ Lao động cũng cho biết cơ quan này cũng như các địa phương đã phát hiện, xử lý một số vụ việc tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Cụ thể tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận.

Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho một số người…

Xem thêm:

Việt Nam

Chạy đua thành 'hộ nghèo' để nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19