Ca nhiễm tăng cao, TP.HCM và Bình Dương lập thêm bệnh viện dã chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

TP. HCM lập Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng 1.000 giường, có thể tiếp nhận 3 tầng bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng. Bình Dương cũng gấp rút xây thêm bệnh viện dã chiến nhằm chạy đua giảm tỷ lệ ca tử vong khi tỉnh này ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm.

Sáng 18/8, Bệnh viện Thống Nhất và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Tân Bình, TP. HCM đã khánh thành BV dã chiến thu dung điều trị BN COVID-19 đa tầng tại quận Tân Bình với quy mô 1.000 giường. Đây là bệnh viện đầu tiên tiếp nhận 3 tầng bệnh nhân nhẹ, trung bình và nặng.

PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, kiêm Giám đốc BV dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình cho biết, hiện nay số F0 quá đông, các BV quá tải, việc vận chuyển BN từ tầng này sang tầng khác trở nên không còn phù hợp. Do vậy việc thành lập BV dã chiến đa tầng, tiếp nhận BN nhẹ đến nặng, để BN đỡ di chuyển và giảm thiểu BN chuyển từ nhẹ sang nặng.

Theo ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quậnTân Bình, BV dã chiến điều trị BN COVID-19 quận Tân Bình có chức năng thu dung, sàng lọc, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho BN COVID-19 ở mức nhẹ, trung bình và nặng.

BV quy mô 1.000 giường cho 3 tầng điều trị. Tầng 1 dành cho BN nhẹ có 300 giường, tầng 2 dành cho BN mức độ trung bình 650 giường và tầng 3 dành cho BN nặng là 50 giường.

TP. HCM hiện đang áp dụng mô hình điều trị 3 tầng. Tầng 1 hiện có khoảng 18.120 ca F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức với khoảng gần 24.000 giường. Tầng 2 gồm có 74 BV điều trị với 49.392 giường. Tầng 3 gồm 8 BV hồi sức COVID-19 và 5 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn với gần 3.850 giường.

Bình Dương gấp rút xây thêm bệnh viện dã chiến

Với gần 50.000 ca mắc COVID-19 và tốc độ lây nhiễm chưa chậm lại, Bình Dương đang là vùng dịch nóng không kém TP. HCM. Tỉnh này đang xây thêm bệnh viện dã chiến và chạy đua giảm tỷ lệ ca tử vong.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã đặt mục tiêu cố gắng giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tuy nhiên, với tổng số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao nên cần thiết có thêm giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh cho các F0 nhẹ, chưa triệu chứng để cách ly, điều trị từ sớm, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng gây áp lực cho các tuyến trên.

Bình Dương hiện đã có tới 21 khu điều trị, trong đó có những bệnh viện dã chiến rất lớn do doanh nghiệp hỗ trợ nhưng cần phải tiếp tục mở rộng công suất mới có thể đáp ứng được số ca bệnh vẫn đang tăng. Theo Sở Y tế Bình Dương, tỉnh mới thí điểm cho 1.000 F0 cách ly tại nhà và chỉ áp dụng cho một số huyện, thị có điều kiện rộng rãi; còn các đô thị đông dân và gần TP.HCM do mật độ dân số, điều kiện phòng trọ nhỏ hẹp... nên việc cách ly F0 tại nhà sẽ được xem xét thận trọng, vì nếu cách ly F0 tại phòng trọ sẽ có rủi ro rất cao.

Đến nay, Bình Dương đã giãn cách theo Chỉ thị 16 hơn một tháng, nên người lao động "ở đâu ở yên đó" hiện đang khá bí bách, gặp khó khăn khi không được về quê mà ở lại cũng không đi làm nên không có thu nhập. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết chỉ tạo điều kiện cho một số trẻ em, người già... về quê khi có văn bản đề nghị của UBND các tỉnh. Đối với người trong độ tuổi lao động, tỉnh đề nghị bà con ở lại.

Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, để giữ chân, hỗ trợ người lao động, ngoài chính sách chung của trung ương (hỗ trợ lao động tự do mất việc 1,5 triệu đồng/người...), tỉnh còn hỗ trợ cho người lao động khó khăn một phần tiền phòng trọ 300.000 đồng/người và tiền lương thực, thực phẩm 500.000 đồng/người. Ước tính sẽ có hàng trăm ngàn người dân được nhận hỗ trợ, nhưng tiến độ thực hiện trong thực tế hiện nay chưa cao.


Ca nhiễm tăng cao, TP.HCM và Bình Dương lập thêm bệnh viện dã chiến