Bộ Y tế thí điểm điều trị F0 tại nhà, TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Thành ủy TP. HCM cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 15/8.

Sáng 13/8, TP. HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM cho biết, thành phố đã đặt ra mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đồng thời đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện để kiểm soát dịch bệnh.

Về các giải pháp, ông Mãi cho biết, TP. HCM sẽ nỗ lực để kiểm soát tình hình, trong đó trọng tâm là chiến lược điều trị giảm tử vong trên 2 trụ cột: chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Đến ngày 15/8, TP. HCM sẽ công bố kế hoạch chính thức theo hướng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Về việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong thời gian sắp tới, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9. Trong đó, phân ra hai giai đoạn từ 15/8 đến cuối tháng 8 và 1/9 đến 15/9.

"Mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh", ông Đức chia sẻ.

Tình hình dịch COVID-19 tại TP. HCM vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu công bố của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 6h ngày 13/8/2021, toàn TP. HCM có 139.615 trường hợp mắc bệnh; số ca tử vong là 3.807 ca. Trong 10 ngày trở lại đây, số trường hợp F0 được ghi nhận mỗi ngày đều ở mức 3000 ca/ngày và được dự đoán tiếp tục ở mức đó sau ngày 15/8.

Bộ Y tế sẽ triển khai điều trị thí điểm F0 tại nhà

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm để giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong do dịch COVID-19. Đồng thời, coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà. Sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus.

Bộ Y tế cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.

Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, chúng ta đang có hỗ trợ thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác. Coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà.


Bộ Y tế thí điểm điều trị F0 tại nhà, TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16