Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ máy thở

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo người dân không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa lãng phí do không thể tự sử dụng được mà còn có thể gây nên sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

Hiện tượng người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy để phòng khi mắc COVID-19. Bộ Y tế cảnh báo điều này là lãng phí không cần thiết.

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư kể từ ngày 27/4 đến sáng nay (19/7), số ca COVID-19 mới ghi nhận là 53.785 ca, trong đó riêng TP. HCM là hơn 33.000 trường hợp. Sự nguy hiểm của biến thể Delta cùng với số lượng ca mắc không ngừng gia tăng đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị, cùng sự lo lắng từ người dân.

Trong thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy để “phòng” cho những tình huống tương lai dù các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo là không cần thiết, lãng phí, thậm chí gây sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

Theo BS Khoa phân tích: Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy. Đồng thời, việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác và yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết… mà người dân có thể sử dụng tại nhà.

Việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành. Đồng thời, quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Do đó, trong điều kiện gia đình thì không thể thiết lập các hệ thống máy thở, cũng như không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy thở tại nhà riêng cho bệnh nhân.

Ông Khoa cho biết, Bộ Y tế và TP. HCM cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không nên mua, tích trữ máy thở vì vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện.

Dịch COVID-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch COVID-19 đã truyền đến hơn 200 quốc gia, khiến gần 200 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4,1 triệu người tử vong.



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ máy thở