Bộ Y tế: Hướng dẫn mới về xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại doanh nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 30/9, Bộ Y tế Việt Nam đã có văn bản khẩn gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chỉ đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.

Bộ Y tế đề nghị thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động theo nguyên tắc: Các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao thì xét nghiệm hàng tuần tối thiểu cho 20% người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…).

Xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh).

Xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động ở các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ.

Bộ Y tế Việt Nam cho phép không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).

Kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho trung tâm y tế cấp huyện nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện.

Nếu cơ sở thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, sản phẩm test phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.

Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Với lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện. Thời gian xét nghiệm theo đúng quy định tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7 về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa.

Được biết, hướng dẫn trên đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp, giảm áp lực về chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố đã được yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất và hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đến nay, chiến lược này đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi chi phí xét nghiệm cao. Một số đại diện doanh nghiệp thậm chí chia sẻ nếu tiếp tục như hiện nay, công ty của họ sẽ khó có thể trụ vững.

Trước đó, báo chí phản ánh thông tin: Việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu lao động trầm trọng và việc yêu cầu xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác đang làm khó doanh nghiệp. Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test COVID-19, tự chịu trách nhiệm, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm COVID-19 và tự chịu trách nhiệm để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.


Bộ Y tế: Hướng dẫn mới về xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tại doanh nghiệp