Bộ Y tế công khai giá hơn 2.000 thiết bị y tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ 9/9 đến nay đã có 2.157 thiết bị y tế được công bố giá trên cổng thông tin giá trang thiết bị y tế tại địa chỉ: quanlytrangthietbiyte.com.

Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, mới đây TS Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB và CTYT), thuộc Bộ Y tế cho biết, tại địa chỉ trên, sau khi được Bộ Y tế thẩm định về pháp nhân, cấp tài khoản truy cập, các công ty được ủy quyền chính thức của hãng, nhà sản xuất mới được công bố giá TTB y tế.

Theo đó, giá công bố là giá do doanh nghiệp, nhà cung cấp tự chịu trách nhiệm, công bố giá bán mong muốn tại thị trường Việt Nam.

Hiện cơ quan quản lý chưa thẩm định, đánh giá được mức chênh lệch giữa giá kê khai so với giá gốc (giá nhập khẩu) và chưa so sánh được giá bán TTB tại Việt Nam so với thị trường khác.

TTB y tế được chia thành 3 nhóm chính:

  1. Thiết bị y tế gồm 14 nhóm với hơn 200 tên chung về thiết bị y tế;
  2. Vật tư y tế gồm 10 nhóm với hơn 11.000 tên vật tư y tế;
  3. Trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IVD) gồm 16 nhóm với hơn 3.000 tên chung về IVD.

Đến sáng 19/11, tổng số trang thiết bị y tế đã công khai trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế là gần 16.700. Trong đó, số thiết bị y tế đã công khai là hơn 2.000; số vật tư y tế đã công khai là hơn 11.700; số lượng trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai là 2.748.

Như vậy, đến nay thiết bị y tế đã công khai giá được khoảng 70%; vật tư y tế công khai giá được khoảng 60-70%; trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro đã công khai giá được khoảng 50%.

Vụ TTB và CTYT cho hay, do TTB y tế không phải là mặt hàng bị kiểm soát giá nên việc mua sắm thời gian qua mỗi nơi một khác và bị nâng giá.

Nguyên nhân TTB y tế bị nâng giá

TTB y tế bị đẩy giá là do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, chủ đầu tư không tham khảo đầy đủ thông tin về TTB y tế có mặt trên thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm.

Thứ hai, việc xây dựng dự toán chưa thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Một số chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc quy trình đầu tư, lựa chọn thiết bị không đúng nhu cầu, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn, thiếu công khai, minh bạch.

Thứ ba, một số đơn vị thẩm định giá không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không thực hiện đúng quy định về việc thẩm định giá (không có kinh nghiệm thẩm định về giá TTB y tế).

Thứ tư, chính sách bán hàng của các công ty chưa đồng bộ, nhất quán dẫn đến việc có sự chênh lệch về giá bán giữa các đơn vị, địa phương.

Bước đầu, giá thiết bị y tế được công bố là cơ sở để các đơn vị tham khảo, xây dựng giá kế hoạch khi triển khai đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, kiểm soát việc mua bán lòng vòng, thổi giá.

Các năm qua, thị trường thiết bị y tế tăng mạnh tại Việt Nam. Năm 2017 là 1,1 tỷ USD, năm 2018 là 1,53 tỷ USD; đến 2019 trị giá 1,68 tỷ USD.


Bộ Y tế công khai giá hơn 2.000 thiết bị y tế