Bộ trưởng Y tế: Covid-19 lây qua không khí, Hà Nội cần nâng mức ứng phó dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, trước đây virus lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí.

Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng 2/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bùng phát lần này khó khăn, phức tạp hơn và khác so với đợt dịch tại Đà Nẵng bởi tốc độ lây nhiễm của virus rất cao, theo Vnexpress.

Bộ trưởng Long cho biết, với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày (chu kỳ lây rất rõ ràng), nhưng lần này là chỉ 1-2 ngày. "Gần như xóa chu kỳ lây nhiễm", ông Long nói.

Hơn nữa, thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở các đợt dịch trước, bệnh nhân phải mất 5-7 ngày thời gian ủ bệnh nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh rất cao.

Một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này được Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, đó là trước đây, virus corona lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí.

Ông Long nói: "Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người đã bị lây nhiễm", hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4-5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4-5 người) nhưng giờ là hơn 10.

Covid-19 bùng phát từ Hải Dương, Quảng Ninh do biến thể Anh

Kết quả phân lập gene 11 mẫu bệnh phẩm Covid-19 ở miền Bắc và một ở TP. HCM, đều nhiễm biến thể Anh, là nguyên nhân dịch bùng phát 6 ngày qua.

Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến thể virus corona từ Anh có khả năng lây nhiễm cao, thời gian ủ bệnh mau, tỷ lệ lây nhiễm tăng hơn 70% so với chủng virus cũ. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện một loạt ca nhiễm.

Ngoài ra, biến thể virus corona ở Nam Phi cũng rất nguy hiểm. Biến thể Nam Phi có khả năng lây nhiễm gấp 1,5 lần biến thể Anh và có khả năng tiến hóa cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Việt Nam xác định một bệnh nhân là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh nhiễm biến thể mới ở Nam Phi.

Hà Nội cần thay đổi trong phương thức ứng phó

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Hà Nội phải thay đổi chiến lược đối phó và nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với đợt dịch lần trước.

Trong đó, Hà Nội cần nhanh chóng truy vết nhưng không chờ truy vết xong mới khoanh vùng mà cần phải khoanh vùng càng nhanh, càng rộng càng tốt.

"Với dịch lần này, có bệnh nhân là khoanh vùng mạnh hơn, rộng hơn và lấy mẫu triệt để người dân khu dân cư đó cho xét nghiệm ngay. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì dỡ giãn cách dần khu vực đó, phong tỏa diện nhỏ hơn. Còn nếu có ca dương tính là phải "phong tỏa cứng"", ông Long nói.

Một vấn đề Hà Nội phải thay đổi trong phương thức ứng phó, về cách ly, Bộ trưởng Long nhấn mạnh tất cả trường hợp F1 bắt buộc phải cách ly tập trung.

"Lần này phải coi đây là trường hợp nghi mắc bệnh COVID-19, nghĩa là nâng lên. Từ đó, khi truy F1 phải truy ngay F2 và coi đây là F1. Có thế mới chạy đua nhanh với tốc độ của dịch", ông Long nói.

Đến sáng 2/2 Bộ Y tế ghi nhận 276 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm Hải Dương (215), Quảng Ninh (30), Hà Nội (19), Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca. Trưa cùng ngày, Hải Dương báo cáo 8 ca dương tính mới, Gia Lai 6 ca dương tính mới, đều chưa được Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân.

Xem thêm:


Bộ trưởng Y tế: Covid-19 lây qua không khí, Hà Nội cần nâng mức ứng phó dịch