Bổ sung thêm 3.000 nhân lực y tế cho TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với hơn 14.000 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến TP. HCM và nhiều địa phương phía Nam vào trưa ngày 21/8, sẽ có thêm khoảng 3.000 nhân sự y tế đến các điểm “nóng” về dịch từ ngày 23/8.

Tối 22/8, ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, đến tối cùng ngày, đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số Trường khối ngành Y Dược đăng ký tình nguyện vào TP. HCM.

Cụ thể, trong số này có 750 học viên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã có mặt tại TP. HCM trong đêm 22/8 để sáng nay (23/8) cùng tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại chỗ trong cộng đồng của thành phố.

Cùng với đó, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cử thêm 250 người; Trường Đại học Dược Hà Nội cử 200 người; Học viện Y Dược học cổ truyền cử 150 người; Trường Đại học Y Dược Thái Bình cử thêm 250 người; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cử 200 người.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450 - 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh.

Ngoài ra, tính đến tối 22/8, theo báo cáo từ một số tỉnh, thành phố gửi về Bộ Y tế cho thấy sẽ có thêm khoảng 750 nhân lực y tế vào TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai tham gia hỗ trợ phòng dịch.

Như vậy, cùng với 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến TP. HCM và nhiều địa phương phía Nam vào trưa ngày 21/8, sẽ có thêm khoảng 3.000 nhân sự từ các lực lượng y tế đến các điểm “nóng” về dịch từ ngày 23/8.

Ngoài hỗ trợ TP. HCM về nhân lực, Bộ Y tế cũng đã gửi trước mắt 10 xe xét nghiệm đầy đủ với máy PCR, máy tách chiết và nhân sự vận hành với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày và 3,5 triệu test.

Hôm 22/8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gửi công điện yêu cầu xét nghiệm toàn TP. HCM trong thời gian giãn cách xã hội, để phát hiện sớm nhất F0, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó,” cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.

Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, TP. HCM đã điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, toàn bộ người dân trong “vùng cam” và “vùng đỏ” sẽ làm xét nghiệm nhanh mẫu đơn trong vòng 3 ngày thay vì mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR như kế hoạch ban đầu.

Lực lượng y tế sẽ làm xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở các vùng này từ ngày 23/8 và hoàn thành trong 3 ngày, sau đó lặp lại xét nghiệm lần 2. Toàn bộ 312 phường, xã, thị trấn ở TP. HCM có hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân. Nếu phân theo vùng nguy cơ thì có gần 3.100 tổ nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và gần 2.000 tổ nguy cơ cao (vùng cam).

Tại các “vùng vàng” (vùng nguy cơ), nhân viên y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm theo nguyên tắc “ngẫu nhiên, có trọng điểm” bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình.

Tại các khu vực phong tỏa, lực lượng y tế sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Với nơi ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2...

Ở các khu vực còn lại – “vùng xanh” và “cận xanh”, việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng sẽ được thực hiện như kế hoạch ban đầu. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát dịch tại TP. HCM trước ngày 15/9. Tính đến tối ngày 22/8, thành phố đã ghi nhận 175.994 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ tư và đã trải qua 43 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Từ 0h ngày 23/8, TP. HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. Người dân được yêu cầu không ra đường, không mua hàng trực tiếp. Lực lượng quân đội đã có mặt đồng loạt tại các chốt kiểm soát ở 312 phường, xã tại TP. HCM để thắt chặt kiểm soát giãn cách xã hội.

Bộ Quốc phòng dự kiến huy động khoảng 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia phòng dịch. Hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế, 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc sẽ được điều động vào TP. HCM tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Giới chức địa phương, quân đội sẽ “đi chợ hộ” cho người dân với tần suất một lần một tuần. Trường hợp khó khăn sẽ được cấp phát túi an sinh miễn phí.

Anh Thư


Bổ sung thêm 3.000 nhân lực y tế cho TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai