Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về Biển Đông trong thông cáo báo chí ngày 16/7

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thông cáo báo chí ngày 16/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: "Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 16/7, nhận được câu hỏi cho rằng "có một số ý kiến lo ngại động thái trên của Mỹ sẽ khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đáp:

"Như tôi đã nói, duy trì một khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực, và còn là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực, và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ trách nhiệm, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Việt Nam đã, đang, và sẽ đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm trong mục tiêu chung, tiến tới những mục tiêu này".

Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam như đã nêu trong thông cáo ngày 15/7: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việc thượng tôn luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó".

Bà Hằng lặp lại quan điểm của Việt Nam, trong đó, hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 16/7. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời đề nghị của phóng viên cho biết phản ứng của Việt Nam về những phát ngôn trên Twitter của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh về Biển Đông, trong đó, khẳng định các quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được thiết lập từ lịch sử, do hoạt động của Trung Quốc tại khu vực cách đây 2.000 năm.

Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. "Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", bà Hằng khẳng định.

Lập trường của Mỹ về các vấn đề trên Biển Đông

Trước đó, ngày 14/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức lên tiếng bày tỏ lập trường của Mỹ về các vấn đề trên Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc.

Trong tuyên bố này, Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp". Mỹ nêu rõ rằng "chiến dịch bắt nạt để kiểm soát" vùng biển tranh chấp của Bắc Kinh là sai trái.

Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông

Thông cáo của Hoa Kỳ ngày 14/7 nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên".

Theo đó, Hoa Kỳ nêu rõ lập trường của mình về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài trong ba điểm sau:

  1. Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.
  2. Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.
  3. Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của CHND Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.

Việt Nam Chính trị

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về Biển Đông trong thông cáo báo chí ngày 16/7