Bệnh nhân phi công người Anh: Cả 2 phổi đều nguy hiểm, dễ thành 'ổ dịch'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cả 2 phổi của bệnh nhân đã đông đặc nên dễ thành "ổ vi khuẩn" trong cơ thể.

Sáng hôm nay (10/5), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết việc thở máy đối với nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đã không còn hiệu quả.

Hiện nay, 2 lá phổi của nam phi công này đều rơi vào tình trạng đông đặc. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến cơ quan này dễ trở thành "ổ dịch" cho vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết bệnh nhân 91 được điều trị tại Khoa Nhiễm D vẫn trong tình trạng nguy kịch. Như vậy, bệnh nhân đã trải qua hơn 50 ngày điều trị vẫn chưa có tiến triển, nam phi công vẫn phụ thuộc vào ECMO.

Tình trạng hiện đang bị nặng hơn. Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết nếu trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, thì bây giờ cả hai phổi đều rơi vào tình trạng này, theo Kênh 14.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến phổi trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể bệnh nhân, theo bác sỹ Châu.

GS Nguyễn Văn Kính, chủ tịch hội đồng chuyên môn điều trị bệnh COVID-19, cũng cho biết, do phổi bệnh nhân đặc lại nên việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả. Bệnh nhân 91 được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng đông đặc dần sẽ khiến phổi mủn ra, là "ổ" để vi khuẩn sinh sôi, theo báo Tuổi trẻ.

Ghép phổi là hi vọng cuối cùng

Trước đó, trong cuộc họp chiều 7/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân.

Tình trạng bệnh nhân phi công người Anh hiện nay, theo các chuyên gia, nếu không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả.

Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết muốn ghép phổi còn phải tùy thuộc nhiều khả năng, trước hết phải chờ hết tình trạng phổi viêm nhiễm và có nguồn phổi hiến sẵn.

Nếu có phổi hiến tặng, các bác sĩ còn phải đánh giá bệnh nhân xem toàn trạng có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ nên chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%...

Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã liên tục chạy ECMO hơn 1 tháng nhưng phổi còn bị đông đặc, tràn dịch phải đặt dẫn lưu. Về xét nghiệm virus, kết quả liên tục thay đổi giữa âm tính và dương tính. Việc thở máy của nam phi công cũng không còn hiệu quả.

Dự kiến hôm 10/5, bệnh nhân này sẽ tiếp tục được hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi.

Việt Nam


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

Bệnh nhân phi công người Anh: Cả 2 phổi đều nguy hiểm, dễ thành 'ổ dịch'