Báo cáo PAPI 2020: Hơn 32% người dân phải ‘trả phí bôi trơn’ để làm sổ đỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 cho thấy hơn 32% số người được hỏi cho biết họ phải trả thêm “phí bôi trơn” khi làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Sáng nay (14/4), Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 được công bố tại Hà Nội.

Theo báo cáo, bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI Gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011-2016.

Chỉ số PAPI bao gồm hơn 120 tiêu chí đánh giá, được chia thành 8 nhóm:

  • Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở;
  • Chỉ số công khai, minh bạch;
  • Trách nhiệm giải trình với người dân;
  • Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công;
  • Thủ tục hành chính công;
  • Cung ứng dịch vụ công;
  • Quản trị môi trường;
  • Và Quản trị điện tử.

Mặc dù Việt Nam thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng những phát hiện nghiên cứu trong báo cáo này cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới người dân. Đặc biệt, tỉ lệ người dân trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13% và tỉ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020.

Mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể là do tác động của đại dịch COVID-19. Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong năm năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong ba năm qua.

Lần đầu tiên sau 10 năm, tỉ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cải thiện ở chỉ tiêu “Trả kết quả đúng lịch hẹn”

Về thủ tục hành chính công, chỉ số này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân. Qua các chỉ tiêu đánh giá này, các cấp chính quyền có thể đánh giá mức độ chuyên nghiệp và khả năng dịch vụ hành chính công đáp ứng được yêu cầu của người dân. Chỉ số này bao gồm các tiêu chí:

  • Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở;
  • Dịch vụ cấp giấy phép xây dựng;
  • Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.

Theo kết quả ghi nhận từ PAPI, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đạt tiến bộ ở chỉ tiêu “Trả kết quả đúng lịch hẹn”. Phần lớn các địa phương cải thiện dịch vụ hành chính cấp xã/phường so với những năm trước. Chỉ tiêu có thay đổi tích cực nhất trong năm 2020 so với năm 2016 là “công khai mức phí phải nộp”. Mặc dù vậy, năng lực thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ở cấp xã/phường vẫn là điểm yếu của khoảng 20 tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Khánh Hoà, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai và Cần Thơ.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn.

Hơn 32% người dân phải ‘trả phí bôi trơn’ để làm sổ đỏ

Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân. Chỉ số nội dung này gồm bốn nội dung thành phần:

  • Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương;
  • Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công;
  • Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công;
  • Quyết tâm chống tham nhũng.

Theo khảo sát PAPI, sáu loại hành vi tham nhũng xảy ra phổ biến nhất ở: Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hoà, Hải Phòng và Ninh Bình.

Tỉ lệ người dân phải trả chi phí ngoài quy định để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tiếp tục tăng trong năm 2020. Theo PAPI, hơn 32% cho biết họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Ngược lại, từ năm 2018 đến 2020, rất ít trường hợp phải “chi thêm tiền bôi trơn” để bản thân hoặc người thân trong gia đình được chăm sóc, điều trị tốt hơn ở bệnh viên công tuyến huyện/quận.

So với kết quả năm 2016, kết quả năm 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng “vị thân”) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo PAPI cho rằng rất có thể nguyên nhân là do các cấp chính quyền đã chú trọng hơn tới công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Tuy nhiên, mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm một trong năm vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường (tỉ lệ cao đến trên 60%), kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chi tiêu đánh giá này.

Năm 2020, Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hoà, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi có mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước phổ biến nhất.

Sự khác biệt giữa trải nghiệm thực tế của những người đã dùng dịch vụ và cảm nhận của người dân nói chung về nhũng nhiễu, hối lộ có thể là do tác động của truyền thông trong việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, hoặc có thể là do hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ giảm dần. Báo cáo PAPI chỉ ra rằng cần có nghiên cứu sâu hơn về mức độ chênh lệch này.

Cần cải thiện hơn về quản trị môi trường và cổng dịch vụ công trực tuyến

Chỉ số quản trị môi trường phản ánh đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, cũng như sự nghiêm túc của chính quyền và doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường.

Theo kết quả ghi nhận, những “vùng trũng” nơi người dân quan ngại về hiện trạng môi trường là Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ - nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng (bốn trong năm thành phố trực thuộc Trung ương quản lý) rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất. Các tỉnh phát triển công nghiệp gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lâm Đồng cũng nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất.

Ở nội dung thành phần “Chất lượng không khí”, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hoá đạt điểm cao nhất. Hưng Yên, Hà Nam, TP.HCM, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ đạt điểm thấp nhất.

Chỉ số Quản trị điện tử đo lường sự tương tác giữa chính quyền với người dân trên không gian mạng Internet. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt điểm thấp ở chỉ số này. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc nhưng cũng chỉ đạt mức điểm 3,60 điểm trên thang đo từ 1 đến 10 điểm.

Theo khảo sát của PAPI, trong số 384 người cho biết đã sử dụng “Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia” năm 2020, có 53 người ở Hà Nội, 20 người ở TP.HCM, số còn lại đến từ 59 tỉnh thành phố khác và đặc biệt là không ai ở Trà Vinh hay Bạc Liêu sử dụng cổng dịch vụ này.

PAPI 2020
Top 8 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020. (Nguồn: papi.org.vn)
Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học–Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009.

 

Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam.

Với hơn 120 tiêu chí đánh giá, xác định những vấn đề ưu tiên cần giải quyết trong thời gian trước mắt và trung hạn, chỉ số PAPI giúp các cấp chính quyền địa phương quan tâm để hiểu rõ hơn đánh giá và kỳ vọng của người dân.

Tường Vân

Việt Nam Xã hội

Báo cáo PAPI 2020: Hơn 32% người dân phải ‘trả phí bôi trơn’ để làm sổ đỏ