4 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thu phí cách ly người nhập cảnh, tên Trạm thu giá trở về Trạm thu phí, nâng mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp, ban hành 3 mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ mới là 4 chính sách nổi bật có hiện lực từ tháng 9/2020.

Thu phí cách ly người nhập cảnh

Thông báo 313 của Văn phòng Chính phủ ban hành về Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29/8 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn gấp để thực hiện nội dung: Từ 1/9 thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly.

Theo đó, chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Tên Trạm thu giá trở về Trạm thu phí

Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49, ban hành năm 2016 (trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá). Theo quy định của Thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.

Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….

Trước đó, năm 2010, trong thông tư 05, Bộ này đã đặt tên nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.

Tăng mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp

Nội dung này được quy định tại Nghị định 88/2020 có hiệu lực từ ngày 15/9/2020. Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên tối đa 800.000 đồng thay vì 500.000 đồng như hiện nay.

Với quy định này, mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa 2 lần và hỗ trợ 1 lần/1 năm.

Về kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, Chính phủ lần đầu quy định rõ số tiền hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng; hiện nay quy định không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.

Trong trường hợp này, số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và hỗ trợ 1 lần/1 năm.

Ban hành 3 mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ mới

Thông tư 67/2020/TT-BTC ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Cụ thể, 3 mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ mới gồm:

(1) Quy chế mẫu áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

(2) Quy chế mẫu áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

(3) Quy chế mẫu áp dụng đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mẫu Quy chế kiểm toán nội bộ làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tham chiếu trong việc xây dựng Quy chế kiểm toán nội bộ đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019.

Việt Nam Chính trị

4 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9