3 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội; Bộ Y tế thay đổi chiến lược điều trị COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 3 tỉnh: Trà Vinh, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số nơi theo Chỉ thị 15.

Trà Vinh: Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 8

Chiều 13/8, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh ra thông báo tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày nữa. Theo đó, đợt giãn cách mới sẽ được thực hiện từ 0h ngày 16/8 đến hết tháng.

Việc giãn cách xã hội được đưa ra sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Trà Vinh có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Trà Vinh, từ ngày 27/4 đến 13/8, địa phương này đã ghi nhận 820 ca nhiễm COVID-19 (trong đó có 42 ca nhập cảnh). Đã có 150 bệnh nhân khỏi bệnh, 6 ca tử vong.

Hiện, tình tình dịch COVID-19 ở Trà Vinh đang diễn biến phức tạp. Trong đó, ổ dịch tại một công ty ở Khu Công nghiệp Long Đức (TP. Trà Vinh) đã ghi nhận hơn 100 F0.

Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục Chỉ thị 16 đến hết ngày 25/8, trừ huyện Côn Đảo

Chiều tối 13/8, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp trực tuyến thảo luận về phương án, kế hoạch sau khi kết thúc giãn cách xã hội đợt 2 (ngày 15/8).

Tại cuộc họp, lãnh đạo địa phương đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 25/8 tại các huyện, thành phố, thị xã trên đất liền.

Riêng huyện đảo Côn Đảo sẽ áp dụng Chỉ thị 15, nhưng các phương tiện vận chuyển người và hàng hóa từ đất liền ra đảo vẫn áp dụng theo Chỉ thị 16.

Theo thống kê, từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận 2.462 ca mắc COVID-19, gần 1.350 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Bình Định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đến ngày 25/8

Chiều 13/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đến ngày 25/8.

Riêng tại thị xã An Nhơn, kể từ 0h ngày 14/8, các phường sau sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày: phường Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Các phường còn lại của thị xã An Nhơn sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Theo thống kê của tỉnh Bình Định, tính đến 16h ngày 13/8, toàn tỉnh có 431 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp đã tử vong, 180 trường hợp đã được chữa khỏi. Tỉnh đang thực hiện cách ly 823 người tại các khu cách ly tập trung của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Bộ Y tế Việt Nam thay đổi chiến lược điều trị COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tối 13/8, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là: TP. HCM (140.539 ca), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).

Trong ngày 13/8, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, do số bệnh nhân tăng nhanh và đông, Bộ Y tế thay đổi chiến lược điều trị COVID-19 sang hình thức: tất cả bệnh viện đều tiếp nhận ca mắc COVID-19 và thí điểm điều trị F0 tại nhà.

Cụ thể: trước kia có 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh và đông, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm, chính sách.

Thứ nhất, các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân COVID-19. Tất cả bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm nCoV đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân...

Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thứ hai là mô hình điều trị tại cộng đồng. Khoảng 80% người bệnh có thể điều trị tại nhà, cơ sở dã chiến không phải là bệnh viện. Với tầng điều trị thứ 3 cho bệnh nhân nặng, cần thầy thuốc giỏi, máy móc tốt.

Bộ Y tế sẽ thí điểm mô hình này tại TP. HCM và các tỉnh có chiều hướng ca bệnh gia tăng. Mô hình chăm sóc, theo dõi, cách ly F0 tại nhà cũng sẽ như việc cách ly F1, F2 tại nhà trước đó; đảm bảo không lây nhiễm chéo cho người trong gia đình, ra ngoài cộng đồng.

Hiện, Bộ Y tế cũng có chiến lược cấp những "túi thuốc an sinh" cho các gia đình, cũng như tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình, cộng đồng để giúp người nhiễm bệnh an tâm.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, mô hình này phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện. Trong điều trị bệnh nhân COVID-19, người bệnh sẽ được cán bộ y tế tuyến cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ tại địa phương và các khu vực, cùng với mạng lưới bác sĩ tình nguyện hỗ trợ tư vấn.

Minh Nguyệt


3 tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội; Bộ Y tế thay đổi chiến lược điều trị COVID-19