2 nam sinh lớp 9 bị cuốn khi tắm biển Cửa Lò, một em đuối nước thương tâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Buổi chiều nghỉ học, 1 nhóm học sinh lớp 9 ở TP. Vinh xuống biển Cửa Lò (Nghệ An) tắm, không may 2 em bị cuốn trôi. Lực lượng chức năng chỉ kịp cứu được một em.

Tối 8/4, Trung tâm cứu hộ, cứu nạn Cửa Lò, thị xã Cửa Lò, Nghệ An cho biết, đã bàn giao thi thể của nam sinh lớp 9 cho gia đình và địa phương mai táng.

Theo thông tin từ trường THCS Nghi Ân, xã Nghi Ân, TP. Vinh, Nghệ An, trước đó, chiều cùng ngày, 3 em học sinh lớp 9 xuống biển Cửa Lò chơi và tắm biển.

Đến 15h35, có 2 em M. và Q. xuống biển phía trước quảng trường TX.Cửa Lò tắm biển, riêng em L. ở lại trên bờ. Lúc vui đùa, sóng biển ập vào cuốn 2 nam sinh ra xa.

Thấy vậy, em L. hô hoán mọi người đến ứng cứu và điện cho bạn báo tin về cho gia đình của em Q..

Khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn tới hiện trường thì chỉ cứu được em M.. Lực lượng tìm kiếm sau đó đã vớt được thi thể em Q. và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Nhà chức trách cho biết, nơi các em học sinh gặp nạn có thể có những vòng xoáy mạnh hút cát ra ngoài, hình thành những hố sâu, nếu sơ ý bơi ở đây vào thời điểm thủy triều lên xuống rất dễ gặp nạn.

Các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ

Đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Ngạt nước khiến nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ dẫn tới thiếu oxy máu và tử vong.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

Bên cạnh đó, một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bị đuối nước. Ngoài ra cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh. Hoặc cũng có những trường hợp các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

Các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em:

  • Không nên cho trẻ tắm biển, ao hồ…nếu trẻ mắc bệnh: Viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, viêm tai giữa, viêm thận, các bệnh tim mạch...
  • Không cho trẻ tắm sông, nhảy cầu;
  • Tuyệt đối không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông suối nơi có chứa nhiều nước khi không có sự giám sát của bố, mẹ;
  • Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá…
  • Chỉ cho trẻ tắm biển tại các bãi có đội cứu hộ và tắm trong khu vực bơi được chỉ định.
  • Cần cho trẻ lập tức lên bờ nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối có dấu hiệu bị trướng bụng…
  • Cha mẹ hãy nhắc trẻ: Tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.
  • Trẻ phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy.
  • Cho trẻ làm quen với nước và tập bơi để tránh đuối nước có sự giám sát của bố mẹ.
  • Gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, hoặc đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
  • Giáo dục cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống: Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân trẻ cũng có thể bị đuối nước.

Việt Nam Xã hội

2 nam sinh lớp 9 bị cuốn khi tắm biển Cửa Lò, một em đuối nước thương tâm