2 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng rất nặng ở Hà Nội và Đà Nẵng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế sáng 18/3 cho biết, trong hơn 300 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 20 cơ sở y tế, có 3 ca tiến triển nặng lên, 2 ca tiên lượng rất nặng ở Hà Nội và Đà Nẵng.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), 3 ca tiến triển nặng lên (gồm: 2 ca ở Quảng Ninh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), 2 ca tiên lượng rất nặng (ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).

2 ca tiên lượng rất nặng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là BN1823 và BN2348. Hai bệnh nhân này đều đã xét nghiệm âm tính với virus Vũ Hán từ 4-5 lần, tuy nhiên, do có các bệnh lý nền đi kèm nên vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt. Cụ thể

Ca tiên lượng rất nặng đầu tiên là BN1823 (nam, 65 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội)

  • Bệnh lý nền: có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường 5 năm, nhập viện hôm 1/2. Đây là người đàn ông trong gia đình có 4 người mắc COVID-19 tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, liên quan nguồn lây từ nhà máy Z153 ở Đông Anh.
  • Bệnh nhân đã điều trị 44 ngày, ngừng ECMO ngày thứ 4, thở máy ngày thứ 36. Hiện tình trạng huyết động của bệnh nhân ổn định, không còn phải dùng thuốc vận mạch, không phù, cân nặng 57kg. Bệnh nhân tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, dùng an thần, giảm đau, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở.
  • Hiện bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính PCR 4 lần, lần gần nhất là ngày 15/3. Tuy nhiên, trong một số ngày gần đây bệnh nhân có tình trạng xuất huyết tiêu hoá.
  • Phương án điều trị được kiến nghị: Làm nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh.

Ca tiên lượng rất nặng thứ hai là BN2348: (nữ, 65 tuổi, ở Chí Linh, Hải Dương)

  • Bệnh nhân này có 5 lần xét nghiệm PCR âm tính. Đến nay, bà đã có 35 ngày điều trị, trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày. Tuy nhiên, chức năng phổi của bệnh nhân không cải thiện. Các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến COVID-19.
  • Phương án điều trị được kiến nghị: Cử chuyên gia về miễn dịch, huyết học để xem xét căn nguyên của BN2348.

Hơn 24.000 người đã tiêm vaccine AstraZeneca

Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay, tính đến hết ngày 17/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Chi tiết 24.054 người được tiêm tại 12 tỉnh/thành trong các ngày từ 8-17/3 như sau: Hải Dương (12.068 người), Hà Nội (3.768 người), Hưng Yên (2.492 người), Bắc Ninh (1.332 người), Bắc Giang (2.281 người), Hải Phòng (205 người), TP. HCM (884 người), Gia Lai (200 người), Long An (204 người), Đà Nẵng (117 người), Hòa Bình (152 người), Khánh Hòa (105 người).

Sáng 17/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các địa phương về công tác phòng dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong số hơn 20.000 người tiêm vaccine AstraZeneca (từ 8-16/3), có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Ngoài ra, 5 người phản ứng phản vệ độ 2; một người phản vệ độ 3, đã được xử lý và đều ổn định sức khoẻ.

Trước thông tin về các trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. "Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19", ông Long nói.

Hiện có 5 bệnh viện đã kết thúc tiêm vaccine COVID-19 trong đợt này gồm: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM.


2 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng rất nặng ở Hà Nội và Đà Nẵng