11 huyện ở Hà Tĩnh bùng phát dịch tả lợn châu Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục bùng phát nhanh, khó kiểm soát.

Tính đến thời điểm này, Hà Tĩnh có 11/13 huyện, thị xã, thành phố (trừ TX Hồng Lĩnh và Nghi Xuân) bùng phát DTLCP với hơn 7.500 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 537,8 tấn. Tại các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Đức Thọ, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Huyện Thạch Hà, tuy dịch mới xảy ra trong vòng gần 1 tháng nay nhưng tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy đã tăng lên nhanh chóng, nhiều nhất tỉnh với số lượng hơn 2.600 con. Cùng với đó, tốc độ tái đàn của huyện trong thời gian qua khá nhanh, không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh lây lan trên diện rộng nên hiện giờ dịch rất khó kiểm soát.

Ông Phan Hữu Duẩn, Phó Chủ tịch xã Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết, trung bình, mỗi ngày xã phải tiêu huỷ từ 8-10 con lợn.

Huyện Cẩm Xuyên, hiện cũng đang là một trong những điểm “nóng” về DTLCP. Toàn huyện đã có 18 xã, thị trấn xuất hiện dịch, làm chết và tiêu hủy hơn 1.900 con lợn của gần 520 hộ chăn nuôi. Dịch đang bùng phát mạnh, tốc độ lợn chết nhanh khi chưa biểu hiện rõ các triệu chứng lâm sàng tại nhiều xã của địa phương như: Nam Phúc Thăng, Yên Hoà, Cẩm Thành…

Ông Phan Xuân Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên, địa phương chủ yếu là chăn nuôi nông hộ (trên 85%), mật độ dày với tổng đàn lớn (trên 52.400 con), người dân thường xuyên tái đàn nhưng thiếu ý thức trong phòng, chống dịch. Điều đáng nói, qua kiểm tra, một số địa phương vẫn còn tình trạng vứt xác lợn trên các tuyến kênh, mương, đặc biệt là trên tuyến kênh chính Kẻ Gỗ khiến nguy cơ dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Huyện Can Lộc, ngày 21/3, DTLCP bùng phát trở lại tại xã Sơn Lộc, Quang Lộc và đã có thêm 4 xã: Mỹ Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Thường Nga có lợn bị dịch bệnh. Đến cuối tháng 3/2021, dịch DTLCP đã lây lan tại 32 hộ nuôi ở 18 thôn tại 6 xã, có 96 con đã bị chết.

Anh Hoàng Văn Dũng, cán bộ thú y xã Sơn Lộc cho biết, đợt bùng phát trở lại này, diễn biến của DTLCP nhanh, khó khống chế. Hầu như lợn chết ngay sau khi phát hiện bị bệnh trong vòng 1 ngày nên không kịp trở tay.

Huyện Đức Thọ, từ ngày 3/3, ổ DTLCP xuất hiện đầu tiên tại hộ bà Đinh Thị Lợi (thôn Trung Đại Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ) làm chết 3 con lợn thịt. Sau đó, dịch bệnh lan ra đàn lợn của 22 hộ trong xã, làm 139 con lợn chết phải tiêu huỷ.

Tính đến hết ngày 14/3, huyện Đức Thọ đã có 67 hộ dân ở 20 thôn thuộc 5 xã Lâm Trung Thủy, Tân Dân, An Dũng, Thanh Bình Thịnh và Bùi La Nhân bùng phát dịch tả lợn Châu Phi với 223 con lợn bị chết và phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 11.824 kg, trong đó 57 con lợn nái, 81 con lợn thịt và 85 lợn con. Cụ thể: Xã Lâm Trung Thủy (112 con), Tân Dân (81 con), An Dũng (28 con), Thanh Bình Thịnh (1 con), Bùi La Nhân (1 con).

20 thôn ở Đức Thọ bị dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: ductho.hatinh.gov.vn)

Trước diễn biến phức tạp của DTLCP tại địa bàn huyện, chính quyền huyện này yêu cầu ngành chuyên môn thường xuyên tổng dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột khu vực xung quanh chuồng trại.

Đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”:

  1. Không dấu dịch;
  2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;
  3. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;
  4. Không vứt lợn chết ra ngoài môi trường;
  5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Huyện Đức Thọ phát hiện ôtô chở 50 con lợn giống nhiễm DTLCP đi tiêu thụ

Ngày 13/4, Công an huyện Đức Thọ phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 90C-08114 do tài xế Phan Văn Long (sinh năm 1989), trú tại huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam điều khiển chở lợn giống đi tiêu thụ.

Kiểm tra, cơ quan chức năng đếm được trên xe chở 50 con lợn giống với trọng lượng 500 kg có dấu hiệu ốm yếu. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng 3 Vinh (Nghệ An) và cho kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP.

Tại cơ quan điều tra, tài xế Phan Văn Long khai nhận, số lợn nói trên được ông Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1983), trú tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thuê chở từ trạng trại lợn của một hộ dân ở xã Tân Dân (Đức Thọ) về huyện Gia Viễn (Ninh Bình) để nuôi; lái xe không biết số lợn trên bị nhiễm bệnh DTLCP.

Sau khi thu giữ, lực lượng chức năng huyện Đức Thọ đã tiêu hủy số lợn giống trên theo quy định.


11 huyện ở Hà Tĩnh bùng phát dịch tả lợn châu Phi