Yêu quý cha mẹ: Dưỡng thân và dưỡng tâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiếu kính và hiếu thảo, không phải cứ một mực thuận theo yêu cầu hay mệnh lệnh của cha mẹ mới là hiếu kính họ, thế thì làm sao mới là thật sự yêu quý cha mẹ mình?

Kính cha yêu mẹ, trọn phận làm con

Rất nhiều người muốn chăm sóc tốt cho cha mẹ như thế nào đó, phải chăng là lo cho cha mẹ ăn ngon, mặc ấm mới là tốt?

Chúng ta hãy nói về câu chuyện của Tăng Tử. Tăng Tử rất hiếu thuận, khi ông phụng dưỡng cha mình là Tăng Tích, mỗi bữa ăn đều có rượu thịt. Khi cha ăn xong và ông dọn thức ăn đi, Tăng Tử sẽ hỏi cha rằng thức ăn còn lại này cho ai. Vì ông biết cha luôn quan tâm đến cháu nhỏ trong gia tộc, và cả những người hàng xóm nghèo khó. Tăng Tử không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cha, mà còn quan tâm đến cả những người mà cha của ông quan tâm. Khi cha hỏi ông liệu thức ăn có dư dả không, ông đều trả lời là có, vì ông muốn cha đừng lo lắng và có thể yên tâm ăn uống nhiều hơn.

Con trai của Tăng Tử là Tăng Nguyên, khi phụng dưỡng cha, mỗi bữa cũng đều có rượu thịt, nhưng không bao giờ hỏi rằng thức ăn còn lại sẽ cho ai. Khi cha hỏi anh ta liệu thức ăn có dư dả không, anh ấy đều nói không dư, nếu cha muốn dùng thêm thì phải nấu tiếp, thế là Tăng Tử cũng ngại ngùng không muốn ăn thêm.

Từ câu chuyện này chúng ta có thể nhìn thấy trong gia đình ba thế hệ này, Tăng Nguyên chỉ phụng dưỡng cha ăn uống qua ngày. Còn Tăng Tử không chỉ phụng dưỡng sức khỏe thân thể cho cha mà còn phụng dưỡng cả về tâm ý, ông quan tâm cha mình từng chút một, tấm lòng của ông hết sức chân thành.

Cho nên trong “Luận Ngữ” có nói: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã giai năng hữu dưỡng; bất kính, hà dĩ biệt hồ?”

Ý nghĩ câu trên là, cái mà bây giờ được gọi là lòng hiếu thảo, chỉ là có thể cấp dưỡng cho cha mẹ đầy đủ hơn. Tuy nhiên, ngay cả chó và ngựa cũng có thể được nuôi kia mà. Vậy, nếu trong lòng mỗi người không tồn tại cái tâm hiếu kính cha mẹ, thế thì phụng dưỡng cho cha mẹ và chăn nuôi chó ngựa có chỗ khác biệt gì?

Tay, Tay Con, Tổ Chức, Chạm Vào, Mẹ, Giữ Chặt, Ngón Tay
Ảnh: Pixabay

Thế nào là "Nhỏ cậy cha, già cậy con"?

Thực sự khác nhau nhiều ấy chứ, người ta thường có câu: "Nhỏ cậy cha, già cậy con". Ý rằng, nuôi con nhỏ hay dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, nào đâu chỉ chăm chăm cho ăn là đủ, nếu bữa ăn được gửi gắm tấm lòng yêu thương vào trong đó thì giá trị mang lại cho sức khỏe và tinh thần của người nhận là vô giá. Lắm lúc, vì để cha mẹ duy trì tâm thái vui vẻ còn quan trọng hơn ăn no mặc ấm.

Rất nhiều người cho rằng phụng dưỡng cha mẹ chính là chăm sóc tốt thân thể, để thân thể cha mẹ được khỏe mạnh nên mua rất nhiều thực phẩm dinh dưỡng, đôi khi cha mẹ không muốn ăn thì lại ép buộc phải ăn. Ví như có người nghe nói sữa bò tươi tốt cho sức khỏe nên mỗi buổi sáng đều mang sữa cho cha mẹ uống. Cha mẹ cô nói không muốn uống sữa thì cô nói: "Không được, chuyên gia nói cần phải uống sữa dinh dưỡng mới tốt cho hệ xương cốt".

Mẹ cô nói: "Con à, hễ mẹ uống sữa là bị đau bụng. Cô nói: Con biết vậy nhưng vẫn phải uống, vì con đã đặt sữa cho mẹ trong một tháng rồi".

Chúng ta thử nghĩ cha mẹ trong trạng thái này sẽ ra sao, uống cái gọi là sản phẩm dinh dưỡng ấy có thật sự bổ dưỡng cho sức khỏe không?

Còn có một trường hợp khác, có một lão ông nọ tuổi già sức yếu, không thể làm bất kỳ công việc thể chất nào, nhưng ông lại thuộc tuýp người không thích nhàn rỗi, và luôn muốn làm chút gì đó. Nên ông đã đề xuất rất nhiều ý kiến, ví như ông sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ hoặc buôn bán chút gì đó chẳng hạn. Nhưng tất cả đều bị người nhà từ chối, người nhà nói rằng ông cứ nghỉ ngơi thôi, gia đình không thiếu thốn cũng không giàu hơn với chút tiền của ông kiếm được. Người nhà cho rằng không để ông làm bất cứ việc gì mới là tốt nhất cho ông, là ông đang thảnh thơi hưởng phước và an dưỡng tuổi già. Nhưng bất ngờ là, cuối cùng ông lão này đã nhảy lầu tự tử. Qua đó có thể thấy rằng, đối với kiểu người không thích nhàn rỗi này mà nói, nếu họ cảm thấy chẳng có việc vì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự dày vò lớn nhất. Bởi vì họ sẽ cảm thấy bản thân thừa thãi, rằng cả thế giới dường như không cần họ nữa.

Nói Lời Tạm Biệt, Ông Già, Người Đàn Ông, Đi, Cầu Thang
Nếu họ cảm thấy chẳng có việc vì để làm mỗi ngày, thì đó chính là sự dày vò lớn nhất. Bởi vì họ sẽ cảm thấy bản thân thừa thãi, rằng cả thế giới dường như không cần họ nữa. (Ảnh: Pixabay)

Xã hội ngày nay đã phát sinh rất nhiều thay đổi, nhiều người trẻ rời quê đi làm ăn xa hoặc đến các vùng khác làm việc, nơi thôn làng chỉ còn lại những người trung niên và người cao tuổi. Những người già ấy sống đơn độc, không có người bầu bạn nên sinh ra lo lắng đủ điều, đối với cuộc sống leo thang mỗi ngày thì họ theo không kịp, mất dần kiểm soát v.v. đây có thể là nguyên nhân gây nên sự tuyệt vọng cao độ trong tâm trí họ. Rồi một khi người già biết mình mắc đủ các loại bệnh, nhiều người già đã chọn cách tự sát vì bị con cái bỏ bê hoặc không muốn trở thành gánh nặng hay áp lực cho gia đình.

Một bài báo trên Internet có tiêu đề “Tôi sẽ chọn cái chết khi không có gì để làm”, chuyện kể về một ông lão nọ chán ngán và mệt mỏi với cuộc sống đơn độc khi ngắm bình minh và hoàng hôn mỗi ngày, để rồi cuối cùng tự tử. Điều này phản ánh hiện trạng của nhiều người già neo đơn trong chính căn nhà của mình, nơi từng là tổ ấm rộn rã tiếng cười của mình cùng vợ con.

Rồi thời gian thấm thoắt thoi đưa, những đứa trẻ trưởng thành và rời xa gia đình, rời xa vòng tay cha mẹ, hòa mình vào biển lớn cuộc đời, nơi đô thị hào hoa quá mới mẻ với chúng. Có mấy ai nghĩ về cha mẹ đang canh cánh nơi quê nhà, tuổi già cùng lo lắng không biết hiện con mình đang sống ra sao, có tốt không, có khỏe mạnh không, công việc có thuận lợi không, có ai chăm sóc chúng không… bộn bề suy nghĩ là thế. Vì suy cho cùng thì trong mắt cha mẹ, con cái chưa bao giờ trưởng thành, chúng chỉ là những đứa trẻ to xác mà thôi.

Và, chúng nghĩ, phụng dưỡng cha mẹ ư, gửi tiền về là được rồi, mình bận rộn mà, thế nào cha mẹ cũng thông cảm cho mình. Với lại, hai thế hệ cách nhau quá xa về lối sống và quan điểm, có gặp cũng chẳng biết nói gì… khoảng cách vô hình lớn dần theo năm tháng. Ngôi nhà dần trở nên hiu quạnh, cha mẹ già mòn mỏi ngóng chờ con cháu trở về. Kẻ ra đi thì vui vẻ nơi phương trời mới, người ở lại thì vò võ trong bốn bức tường, ăn không ngon, ngủ không yên, tâm lý nguội lạnh như tro tàn, và rồi tâm bệnh sinh ra khiến thân cũng bệnh. Thử hỏi cuộc sống có gì vui, có còn ý nghĩa gì nữa không, lại nghĩ, mình già rồi, gần đất xa trời rồi, có sống nữa cũng vô tích sự, ai mà không phải chết, thôi thì… chết sớm cho xong.

Câu chuyện ấy, những mảnh đời ấy, quả thật là quá thương tâm và được truyền rộng trên mạng xã hội, đáng để người xem suy ngẫm lại chính mình.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Yêu quý cha mẹ: Dưỡng thân và dưỡng tâm