Xuân Canh Tí 2020: Cùng nhìn lại những mùa xuân đẹp nhất của dân tộc. Kỳ 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mùa xuân là mùa đẹp nhất và được mong chờ nhất sau những ngày đông ảm đạm lạnh lẽo. Khi ánh nắng xuân chan hòa khắp nơi nơi và cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mơn mởn thì lòng người cũng ngập tràn một niềm hân hoan phơi phới với tâm thế chào đón một năm mới đầm ấm an vui... Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, mời bạn cùng chúng tôi cùng điểm lại những mùa xuân nổi bật nhất trong bản thiên anh hùng ca bất tận của dân tộc...

Xuân Mậu Ngọ 1258, mừng công đánh bại quân Nguyên Mông

Sau mối họa xâm lăng từ nhà Tống, quốc gia Đại Việt non trẻ thời Trần còn phải đối đầu với quân Nguyên Mông, được mệnh danh là đạo quân thiện chiến nhất mọi thời đại. Cả châu Âu run rẩy vì “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó” và chỉ còn biết cầu nguyện: “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Mông Cổ”.

Năm 1257, đạo quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của tướng Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai) xâm lăng Đại Việt sau khi đã đánh bại và chiếm nước Đại Lý. Cũng cần nói thêm Uriyangqatai là con của Subotai, dũng tướng số 1 của Thành Cát Tư Hãn, người đã đánh Tây Hạ, diệt Kim, công phá châu Âu. Bản thân ông ta từng tham gia đánh nước Kim, đánh đế quốc Ả Rập, Ba Tư, công hạ Đại Lý. Trong đoàn quân của ông ta còn có con trai là Aju (A Truật), sau này là nguyên soái chỉ huy cuộc tấn công tiêu diệt Nam Tống, là người cầm 7 vạn quân trực tiếp tiến chiếm thành Tương Dương.

Một đạo quân lừng lẫy toàn tinh binh dũng tướng là thế nhưng lần này lại đối mặt với một đối thủ định mệnh tại phương Nam, kẻ mà sẽ thuận theo ý trời mà đánh bại vó ngựa Mông Cổ nơi đồng bằng lần đầu tiên trong lịch sử:

“Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên.

Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không”.
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Trần - Thái Tông Hoàng đế).

Trước thế giặc quá mạnh và ưu thế tuyệt đối của kỵ binh Mông Cổ trên chiến trường Bình Lệ Nguyên, Trần Thái Tông nghe theo lời khuyên của tướng Lê Tần thực hiện cuộc rút lui chiến lược về sông Thiên Mạc.

Do vua Trần chủ động rút quân, nên quân Mông dễ dàng chiếm đóng kinh đô Thăng Long. Trái với hình dung huy hoàng của việc tiến chiếm thủ đô nước địch, những gì danh tướng Uriyangqatai có được là một tòa thành trống rỗng, lại còn tìm thấy các sứ giả lần trước bị trói trong ngục, cởi dây ra thì một tên đã chết.

Trước thế giặc quá mạnh và ưu thế tuyệt đối của kỵ binh Mông Cổ trên chiến trường Bình Lệ Nguyên, Trần Thái Tông nghe theo lời khuyên của tướng Lê Tần thực hiện cuộc rút lui chiến lược về sông Thiên Mạc.
Trước thế giặc quá mạnh và ưu thế tuyệt đối của kỵ binh Mông Cổ trên chiến trường Bình Lệ Nguyên, Trần Thái Tông theo lời khuyên của tướng Lê Tần rút lui chiến lược về sông Thiên Mạc. (Ảnh: Shutterstock)

“Ngột Lương Hợp Thai cũng phá quân bộ, lại cùng A Thuật hội đánh, đại phá chúng, rồi vào nước này. Nhật Quýnh (chỉ vua Trần) trốn chạy ra hải đảo. Bắt gặp sứ giả ngày trước ở trong ngục, bị dây tre trói lằn vào da thịt, lúc cởi trói ra, một sứ giả chết, do đó làm cỏ thành này”.
(Trích Nguyên sử).

Đúng 12 ngày sau thất bại tại trận quyết chiến Bình Lệ Nguyên, Trần Thái Tông cùng thái tử thân dẫn quân đội đánh bại quân Nguyên Mông trong chiến dịch Đông Bộ Đầu lừng lẫy. Quân Mông Cổ thua to, phải rút chạy về Vân Nam, trên đường đi không dám cướp bóc gì cả, dân ta gọi mỉa mai chúng là “giặc Phật”. Một đoàn quân kiêu dũng tung hoành thế giới của danh tướng Uriyangqadai mà nay bị đánh bại nhanh chóng và mỉa mai như thế quả là vô cùng chấn động:

“Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng. Khi ấy, người Nguyên mới lấy được Vân Nam, bọn du binh cướp đến, không có ý đánh chiếm, nên bấy giờ người ta gọi chúng là "giặc Phật". Giặc rút, ban cho Bổng tước hầu” .
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Sau chiến thắng Đông Bộ Đầu, cuối cùng thì vinh quang chiến thắng đã trở lại trên kinh đô Thăng Long vào mùa xuân 1258.

“Mậu Ngọ, [Nguyên Phong] năm thứ 8 [1258] - Từ tháng 3 về sau là Thánh Tông Thiệu Long năm thứ 1, Tống Bảo Hựu năm thứ 6. Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng một, vua ngự chính điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ.”
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Xuân Mậu Tý 1288, Bạch Đằng lừng danh Hưng Đạo Vương

Không cam lòng với thất bại chóng vánh năm 1258, nhà Nguyên còn tổ chức 2 lần xâm lược quy mô lớn vào năm 1285 và 1288.

Không cam lòng với thất bại chóng vánh năm 1258, nhà Nguyên còn tổ chức 2 lần xâm lược quy mô lớn vào năm 1285 và 1288.
Không cam lòng với thất bại chóng vánh năm 1258, nhà Nguyên còn tổ chức 2 lần xâm lược quy mô lớn vào năm 1285 và 1288. (Ảnh: Shutterstock)

Trời không phụ lòng người, sau bao cuộc chiến gian khổ thì mùa xuân năm 1288 là mùa xuân đại thắng của nhà Trần, đặc biệt là các hạm đội thủy quân thiện chiến. Người tổng chỉ huy trận chiến này không ai khác chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:

“Mậu Tý, [Trùng Hưng] năm thứ 4 [1288] - Nguyên Chí Nguyên năm thứ 25. Mùa xuân, tháng giêng, Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng.

Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều.

Tháng 2, ngày 29, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng. Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng.

Trước đó, Vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Đến khi Văn Hổ tới quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ dâng lên thượng hoàng. Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ”.

Xuân Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa

Xuân qua Đông tới, thịnh cực tất suy là lẽ vận động của trời đất. Sau hai triều đại Lý Trần là đỉnh cao của văn minh Đại Việt thì nước ta đã bước vào thời suy yếu. Thất bại của nhà Hồ vào năm 1407 đã khởi đầu cho ách đô hộ tàn khốc hơn 20 năm của nhà Minh.

Có lẽ lối sống đạo đức của một dân tộc hiền hòa ưa chuộng Phật pháp qua hai triều Lý Trần đã khiến trời cao thương tình mà sinh ra một bậc anh kiệt đem lại mùa xuân mới cho nước ta. Đó chính là Bình Định Vương Lê Lợi, người mà vào mùa xuân năm 1408 đã bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ 10 năm đem quân dân Đại Việt làm nên một sự nghiệp huy hoàng:

Có lẽ lối sống đạo đức của một dân tộc hiền hòa ưa chuộng Phật pháp qua hai triều Lý Trần đã khiến trời cao thương tình mà sinh ra một bậc anh kiệt đem lại mùa xuân mới cho nước ta. Đó chính là Bình Định Vương Lê Lợi
Có lẽ lối sống đạo đức của một dân tộc hiền hòa ưa chuộng Phật pháp qua hai triều Lý Trần đã khiến trời cao thương tình mà sinh ra một bậc anh kiệt đem lại mùa xuân mới cho nước ta. Đó chính là Bình Định Vương Lê Lợi.

“Mậu Tuất, [1418] - Minh Vĩnh Lạc năm thứ 16. Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Thân, vua khởi binh ở Lam Sơn. Trước đó, người Minh đã có lần trao quan chức để dụ dỗ, nhưng vua không chịu khuất phục, khảng khái, có chí lớn dẹp loạn. Vua từng nói:

‘Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?’ Thế rồi, dẫn đầu hào kiệt, dựng cờ nghĩa, thề diệt giặc Minh.

Ngày mồng 9 tháng ấy, bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn. Vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy, đặt quân mai phục để chờ giặc.

Ngày 13, bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý...dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh”.
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư quyển 10-Kỷ nhà Lê-Thái Tổ Cao Hoàng đế).

Xuân Mậu Thân 1428 mùa xuân đại định, thiên hạ thái bình

Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, nghĩa quân Lam Sơn đã giành được hàng loạt chiến thắng quan trọng trên khắp cả nước, tiến đến bao vây Tổng binh Vương Thông ở thành Đông Quan. Sau đó lại tiến hành các chiến dịch đập tan hai cánh quân cứu viện, chém đầu An Viễn Hầu Liễu Thăng tại núi Mã Yên, quân của Mộc Thạnh nghe tin bại trận thì tan vỡ bỏ chạy. Vương Thông tuyệt vọng đành phải chấp nhận đầu hàng để có thể an toàn đưa tàn quân về nước. Sử gọi hội nghị đầu hàng này của quân Minh là hội thề Đông Quan:

“Tháng 12, ngày 12, Vương Thông nhà Minh sai quân bộ qua sông Lô đi trước, quân thủy theo sau.

Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi. Vua dụ rằng:

"Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?".

Bèn hạ lệnh: Cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận.

Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.

Ngày 17, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình.”
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ nhà Lê).

"Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng.
"Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng."

Giặc Minh đã dẹp yên, dĩ nhiên mùa xuân năm 1428 là mùa xuân đẹp nhất sau những năm dài nô lệ, Lê Thái Tổ đã mở ra một kỷ nguyên mới thái bình thịnh trị lâu dài cho dân tộc vậy:

Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ 1, [1428] - Minh Tuyên Đức năm thứ 3. Mùa xuân, tháng giêng, quân Minh đã về nước, vua bèn thâu tóm cả nước, lấy năm này làm năm đại định.”
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Lê).

Xuân Mậu Dần 1698, mùa xuân mở cõi phương Nam

Sau thời gian dài thịnh trị thì nhà Lê cũng bước vào giai đoạn suy vong như bao nhiêu triều đại khác. Đất nước lúc này bị chia cắt thành hai miền với hai vị lãnh chúa hùng mạnh nhất là chúa Trịnh và chúa Nguyễn, binh đao diễn ra không ngừng giữa 2 miền khiến cho đất nước vô cùng bất ổn.

Tuy nhiên trong rủi lại có may, áp lực từ Đàng Ngoài hùng mạnh đã khiến cho các chúa Nguyễn phải mở rộng thế lực sâu về phương Nam để chống lại. Điều này đã đem đến cơ hội cho dân tộc ta mở rộng lãnh thổ nhiều nhất trong tất cả các giai đoạn lịch sử trước đây.

Có thể nói việc mở rộng thành công và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ miền Nam là công tích lớn lao nhất của thời đại các chúa Nguyễn.

Vì thế mà mùa xuân năm Mậu Dần 1698 có thể coi là mùa xuân mở cõi tươi đẹp nhất của dân tộc với hàng loạt chiến công và sự nghiệp bình định lừng lẫy của danh tướng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh:

“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.
(Đại Nam Liệt Truyện - Nguyễn Hữu Cảnh).

Mở rộng bờ cõi tuy không dễ, nhưng làm thế nào để vỗ yên dân chúng mới là việc khó nhất. Nguyễn Hữu Cảnh với tấm lòng khoan dung, thương dân cùng tài quản trị tuyệt vời đã đem lại sự yên bình cho miền Nam chỉ sau một thời gian rất ngắn. Sử cũ còn ghi lại những việc ông làm để ổn định miền Nam. Ân uy của ngài phủ đến cả lưu dân Hoa Việt và Miên:

“Ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ. Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch”.
(Gia Định thành thông chí-Trịnh Hoài Đức).

Có thể nói việc mở rộng thành công và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ miền Nam là công tích lớn lao nhất của thời đại các chúa Nguyễn.
Có thể nói việc mở rộng thành công và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ miền Nam là công tích lớn lao nhất của thời đại các chúa Nguyễn. (Ảnh: danviet.vn)

Xuân Ất Tỵ 1785, trận Rạch Gầm mồ chôn quân Xiêm xâm lược

Sau khi thất thế trước quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh phải lưu vong sang Xiêm La và cầu vua Xiêm La cho viện binh để hòng phục quốc và đánh bại Tây Sơn. Nhưng điều này đã khiến quân Xiêm thừa cơ tiến chiếm miền Nam gây ra vô số thảm cảnh cho dân chúng nước ta lúc đó. Ngay cả Nguyễn Ánh là người dẫn quân Xiêm về cũng hối hận về việc này.

Đại Nam Thực Lục đệ nhất kỷ chép:

“... Mùa hạ, tháng 6, vua từ nước Xiêm đem quân về Gia Định. Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 2 vạn thuỷ quân và 300 chiến thuyền để giúp.

Vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, nhân dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng: “Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ nhân dân”.

Tuy vậy đây lại là một cơ hội trời cho để quân Tây Sơn lập nên đại công chấn động cả nước. Vào mùa xuân năm 1785, Long Nhương tướng quân nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã thực hiện thành công trận quyết chiến chiến lược đánh bại toàn bộ liên quân Xiêm Nguyễn tại Rạch Gầm Xoài Mút, đem lại một mùa xuân tuy ngắn ngủi nhưng bình yên trên vùng lãnh thổ mới này của dân tộc:

“Huệ đến, đánh vào trận không được, muốn đem quân về. Có tên phản thần là Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ đem hết quân mạnh mai phục ở Rạch Gầm và ở sông Xoài Mút (thuộc tỉnh Định Tường), rồi dụ quân Xiêm lại đánh. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương không hiểu địa thế khó dễ ra sao, cậy mình thắng luôn, bèn dẫn quân tiến thẳng đến Mỹ Tho, cuối cùng bị phục binh của giặc thuỷ bộ hai mặt ập đánh. Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to bỏ chạy, chỉ còn vài nghìn lính theo đường núi Chân Lạp mà chạy về. Lê Văn Quân và các quân cũng đều vỡ chạy. Cai cơ quản Nội thủy Trung thuỷ là Nguyễn Văn Oai chết trận...”
(Đại Nam Thực Lục đệ nhất kỷ).

Xuân Kỷ Dậu 1789, vào thành Thăng Long ăn Tết mừng chiến thắng

Sau khi quân Tây Sơn đánh bại liên quân Xiêm Nguyễn, họ tiến ra Bắc diệt chúa Trịnh, lãnh chúa cuối cùng của thời đại Nam Bắc triều. Vua Lê Chiêu Thống vì chế ngự không nổi tàn quân của họ Trịnh cũng như các tướng lãnh khác mà phải cầu viện nhà Thanh để hòng giữ lại ngôi vị.

Quân Thanh dưới sự lãnh đạo của Tôn Sĩ Nghị do đó đã tiến chiếm Thăng Long một cách dễ dàng vào năm 1788 và chuẩn bị tiến quân vào Nam đánh dẹp nhà Tây Sơn. Điều đáng buồn là Lê Lợi đường đường là một chân mệnh thiên tử quét sạch quân Minh gầy dựng nên vương triều Lê hùng mạnh, mà nay con cháu ngài lại phải cậy nhờ Bắc quân về bảo hộ ngôi vua. Thật là bi ai thay.

Nhưng có lẽ ý trời còn chưa tuyệt nòi giống ta nên một lần nữa đem vinh quang đặt lên vai của Quang Trung hoàng đế, khiến ông trở thành người thực hiện chiến dịch chống xâm lăng thần tốc toàn thắng vẻ vang cuối cùng trong lịch sử phong kiến. Trận đại chiến kinh hoàng nhanh như sấm sét này sẽ mãi còn lưu lại như những tiếng pháo giòn giã mừng một mùa xuân đại thắng:

Nhưng có lẽ ý trời còn chưa tuyệt nòi giống ta nên một lần nữa đem vinh quang đặt lên vai của Quang Trung hoàng đế, khiến ông trở thành người thực hiện chiến dịch chống xâm lăng thần tốc toàn thắng vẻ vang cuối cùng trong lịch sử phong kiến.
Quang Trung hoàng đế một lần nữa mang vinh quang về cho đất Việt khi thực hiện chiến dịch chống xâm lăng thần tốc toàn thắng vẻ vang cuối cùng trong lịch sử phong kiến. (Ảnh: Người đưa tin)

“Vua Quang Trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An Nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn xao tán loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang khắp đồng, máu chảy như tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh là đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận cả; quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa bị quân An Nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết.

Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu, một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị Hà đầy những thây người chết.

Vua Chiêu Thống cũng theo Tôn Sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng Thái Hậu và mấy người cận thần chạy sang Tàu. Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở miền Sơn Tây nghe tin Tôn Sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.

Ngày hôm ấy vua Quang Trung đốc quân đánh giặc, áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng Long, sai tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, yên tịnh không nghe thấy tiếng một người nào.

Vua Quang Trung vào thành Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, phàm những người Tàu trốn tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn”.
(Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim).

Minh Bảo

Văn hoá Lịch sử


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Xuân Canh Tí 2020: Cùng nhìn lại những mùa xuân đẹp nhất của dân tộc. Kỳ 2