Xuân Canh Tí 2020: Cùng nhìn lại những mùa xuân đẹp nhất của dân tộc. Kỳ 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mùa xuân là mùa đẹp nhất và được mong chờ nhất sau những ngày đông ảm đạm lạnh lẽo. Khi ánh nắng xuân chan hòa khắp nơi nơi và cây cối đâm chồi nảy lộc xanh mơn mởn thì lòng người cũng ngập tràn một niềm hân hoan phơi phới với tâm thế chào đón một năm mới đầm ấm an vui... Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, mời bạn cùng chúng tôi cùng điểm lại những mùa xuân nổi bật nhất trong bản thiên anh hùng ca bất tận của dân tộc...

Xuân Canh Tý năm 40, mùa xuân Lạc Việt năm nào nhỉ, ngây ngất thơm mùi vương giả hương

Hơn 200 năm đã trôi qua kể từ khi Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc tối tăm trên đất Lạc Việt. Sự nhẫn chịu của dân Nam hơn hai thế kỷ cuối cùng cũng đã bùng phát vào mùa xuân năm 40 Canh Tý.

Thời đó nước ta nội thuộc nhà Hán, thái thú Tô Định cai trị rất hà khắc nên các dòng họ Lạc tướng Văn Lang cũ đã tìm cách liên kết với nhau để chống lại, tiêu biểu là hai nhà Thi Sách và Trưng Trắc đã kết thành thông gia. Để khuất phục sự chống đối của người Nam, khoảng năm 39 Tô Định đã lập kế giết chết Thi Sách. Tin dữ bay về, các Lạc tướng vô cùng giận dữ, họ đã theo lời hai bà Trưng mang hết binh mã bản bộ trở về quê nhà để chuẩn bị khởi sự:

“Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời”.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo đến mùa xuân năm 40, nghĩa quân Lạc Việt dưới sự chỉ huy của hai bà Trưng cuồn cuộn tiến đánh thành Luy Lâu, thái thú Tô Định chống cự không nổi phải bỏ thành chạy về Nam Hải. Nghĩa quân thừa thắng đánh tràn ra bốn phương, các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai Bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, hay còn gọi Trưng Vương:

“Cờ nghĩa trao tay vòng bốn cõi
Phù Sa, Liên Chiểu tiếp Đông Sàng
Bước chân phụ đạo kề Lang Tướng
Bình địa vươn vai dựng chiến trường
Họp sáu chục ngàn quân ứng nghĩa
Hội binh ba Quận tiến chung đường
Cửu Chân, Hợp Phố dao mài núi
Thép Nhật Nam rờn sóng đại dương”...

Trưng Trắc cùng các Lạc tướng nổi dậy khởi nghĩa, lật đổ sự thống trị ngàn năm của nhà Hán.
Trưng Trắc cùng các Lạc tướng nổi dậy khởi nghĩa, lật đổ sự thống trị suốt 200 năm của nhà Hán. (Ảnh: Zing.vn)

Chỉ với một đạo quân phục thù, hai người phụ nữ của xứ sở Lạc Việt nhỏ bé đã đánh đổ ách đô hộ hơn 200 năm của đế quốc lớn nhất thế giới bấy giờ và tự lên ngôi vua. Quả thật là hai nữ anh thư kiệt hiệt có một không hai trong lịch sử thế giới vậy. Mùa xuân năm 40 đã qua hơn 1980 năm, nhưng hương danh năm đó của hai Bà vẫn còn vương đến ngày nay vậy, thơm như một mùi hương đặc biệt của bậc nữ lưu “vương giả” chân chính:

“Nam Hải vùi sâu ngôi thái thú
Trời hoa lại sáng đất hiền lương
Mùa xuân Lạc Việt năm nào nhỉ
Ngây ngất thơm mùi vương giả hương”
(Hương phấn Mê Linh - thơ Đinh Hùng)

Xuân Giáp Tý 544, Vạn Xuân - mùa xuân đầu tiên cho đất nước muôn đời

Sau cuộc khởi nghĩa thành công của Hai bà Trưng năm 40 - 43 - SCN, nước Nam phải chịu ách đô hộ thêm 500 năm nữa mới có được một lần đón mùa xuân độc lập. Người đem lại nền tự chủ sau hơn mấy trăm năm này không ai khác chính là Lý Bí, một người hào trưởng ở Thái Bình, phủ Long Hưng.

Năm 541 Tân Dậu, Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư vì cai trị hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Lúc đó Lý Bí vốn con nhà hào trưởng nên ngầm liên kết với hào kiệt mấy châu để khởi nghĩa. Nhân tài theo đó quy tụ về đáng kể như Tinh Thiều chuyên việc văn, Phạm Tu lo việc võ, lại còn có tù trưởng Triệu Túc đem quân bản bộ theo về. Thế quân khởi nghĩa mạnh lên, Tiêu Tư nhắm chống cự không nổi bèn bỏ thành chạy về Trung Quốc. Lý Bí dẫn quân vào chiếm thành Long Biên.

Năm 542 Nhâm Tuất, mùa đông tháng 12, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang xâm chiếm cõi Nam. Tôn Quýnh lấy cớ là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu nhưng nhà Lương không cho. Các tướng Tử Hùng đi đến Hợp Phố do khí hậu khắc nghiệt mà quân đội 10 phần chết đến 6, 7 còn lại tan rã mà về.

Năm 543 Quý Hợi, Mùa hạ, tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, Lý Bí sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức.

Năm 544 Giáp Tý, Mùa xuân, tháng giêng, Lý Bí lên ngôi xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Ông lại cho dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Chính quyền thì lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ.

Lý Nam Đế - Chân mệnh đế vương nhưng không gặp thời vận.
Lý Nam Đế - Chân mệnh đế vương nhưng không gặp thời vận. (Ảnh: Zing.vn)

Hơn năm trăm năm mất nước trôi qua, những tưởng cơ đồ nhà Nam không còn bao giờ khôi phục lại được nữa, vậy mà Lý Nam Đế chỉ trong vài năm ngắn ngủi mà dựng nên được một cơ nghiệp lẫy lừng, thật đáng tự hào. Chỉ tiếc là vận trời quá ngắn khiến cho Ngài không có thời gian xây dựng đất nước thêm trường tồn đến vạn mùa xuân - thật đáng tiếc thay! Đúng như sử gia Ngô Sĩ Liên đã từng nhận xét:

“Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong, là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng? Than ôi! Không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao?”...

Xuân Kỷ Hợi 939, Ngô Vương Quyền lên ngôi, chấm dứt Bắc thuộc

Nghìn năm trôi qua như một cái chớp mắt. Đối với những dân tộc yếu nhược thì đã bị đồng hóa và tiêu vong, nhưng dân Lạc Việt với nền văn minh sâu dày vẫn âm thầm chờ đợi. Họ chờ đợi một vị Chân chúa thuận theo ý trời sinh ra, có thể đem lại chiến thắng cuối cùng, mở ra một vận hội mới cho con dân Văn Lang sau mười thế kỷ đầy đau khổ và mất mát. Vị Chân chúa ấy chính là Ngô Vương Quyền, người có thể được coi là “vua của các vị vua” của Đại Việt, người chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ nghìn năm và mở ra thời kỳ tự chủ độc lập cho nước ta, bắt đầu từ mùa xuân Mậu Tuất 938.

Năm 931, tướng quân Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán giành lại quyền tự chủ cho người Việt ở Tĩnh Hải quân, tự xưng là Tiết độ sứ.

Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ.

Con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn. Kiều Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh chiếm nước ta. Ông ta cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì nước Nam không còn tướng giỏi, bèn phong cho con trai thứ 9 là Lưu Hoằng Tháo làm "Bình Hải tướng quân" và "Giao Chỉ vương", thống lĩnh thủy quân.

Nhưng Ngô Quyền lại có nhận xét khác với vua Nam Hán, ông bảo với các tướng rằng:

“Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.”
(trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư-Kỷ Tiền Ngô Vương).

Vị Chân chúa ấy chính là Ngô Vương Quyền, người có thể được coi là “vua của các vị vua” của Đại Việt, người chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ nghìn năm và mở ra thời kỳ tự chủ độc lập cho nước ta
Vị Chân chúa được người dân mong chờ ấy chính là Ngô Vương Quyền, người có thể được coi là “vua của các vị vua” của Đại Việt, người chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ nghìn năm và mở ra thời kỳ tự chủ độc lập cho nước ta.

Vào một ngày cuối đông năm 938 trên sông Bạch Đằng, một đoàn binh thuyền do Giao Vương Lưu Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa sông. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít, tưởng dễ thắng liền hùng hổ tiến vào.

Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu giữ nơi hiểm yếu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, năm Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô.

“Kỷ Hợi, năm thứ 1 [939] - Tấn Thiên Phúc năm thứ 4. Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”.
(trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư-Kỷ Tiền Ngô Vương).

Mùa xuân năm Kỷ Hợi 939 có thể nói là mùa xuân huy hoàng nhất của dân tộc sau nghìn năm Bắc thuộc, làm cho nước Nam lại “có đế có vương” vậy. Có lẽ vì thế mà sử gia Lê Văn Hưu đã viết:

Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.

Xuân Giáp Dần 1014, đánh bại đạo quân Nhất Dương Chỉ huyền thoại

Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế mở ra nhà Lý, triều đại độc lập thịnh vượng đầu tiên của Đại Việt kéo dài hơn 200 năm với nhiều thành tựu to lớn. Một trong những thành tựu đó chính là sự thành công vượt bậc trong việc xây dựng quân đội hùng mạnh và đánh bại mọi cuộc xâm lăng từ tất cả các nước lân bang.

Nhắc đến nhà Lý, người ta hay nhắc đến kháng chiến chống Tống mà quên mất một chiến công khác vô cùng lớn và quan trọng xảy ra chỉ 5 năm sau ngày Lý Thái Tổ lên ngôi, đó là chiến thắng 200.000 quân và kỵ binh Đại Lý xâm lược năm 1014.

Vương quốc Đại Lý là sự kế tiếp của vương quốc Nam Chiếu, từng là một đế quốc khét tiếng tung hoành từ Vân Nam Quý Châu đến tận Thái Lan Miến Điện. Nam Chiếu đã suy tàn từ năm 902 cho đến khi Đoàn Tư Bình chiếm được quyền hành năm 937 và thiết lập ra vương quốc Đại Lý. Đây là một vương quốc cường thịnh với lãnh thổ bao trùm tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên và cả một phần phía tây của Bắc Bộ Đại Việt. Quốc gia này tồn tại 316 năm (937-1253) với 22 đời vua trước khi bị mất vào tay quân Mông Cổ 1253.

Vương quốc Đại Lý là sự kế tiếp của vương quốc Nam Chiếu, từng là một đế quốc khét tiếng tung hoành từ Vân Nam Quý Châu đến tận Thái Lan Miến Điện. Vào năm 1014, quân Đại Lý với 200.000 tinh binh thiện chiến đã tấn công nước ta.
Vương quốc Đại Lý là sự kế tiếp của vương quốc Nam Chiếu, từng là một đế quốc khét tiếng tung hoành từ Vân Nam Quý Châu đến tận Thái Lan Miến Điện. Vào năm 1014, quân Đại Lý với 200.000 tinh binh thiện chiến đã tấn công nước ta. (Ảnh: Shutterstock)

Sử chép như sau:

“Giáp Dần, [Thuận Thiên] năm thứ 5 [1014] - Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 7. Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa. Châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh đem việc tâu lên. Vua sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém đầu kể hàng vạn, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết. Xuống chiếu cho viên ngoại lang là Phùng Chân và Lý Thạc đem một trăm con ngựa bắt được của người Man sang biếu nhà Tống. Vua Tống xuống chiếu cho quan sở tại sai sứ thần đón tiếp, cùng đi đến cửa khuyết, mọi khoản cung đốn dọc đường đều được chu cấp đầy đủ. Khi đến, vua Tống gọi bọn Chân vào ra mắt ở điện Sùng Đức, ban cho mũ, đai, đồ dùng, tiền bạc theo thứ bậc khác nhau”.

Có lẽ người Việt Nam nào yêu truyện kiếm hiệp Kim Dung cũng đều biết đến vương quốc Đại Lý với các hoàng đế võ dũng đa tình, sở hữu tuyệt kỹ Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch thần kiếm uy chấn võ lâm. Điều thú vị là đất nước này lại có nhiều ân oán với nước Nam ta. Sự thật là với một quốc gia Đại Việt non trẻ mà tân hoàng vừa đăng cơ chỉ có 5 năm lại phải đối đầu với 1 lực lượng xâm lăng đông đảo thiện chiến như thế (hai trăm nghìn quân sĩ gồm cả kỵ binh, là một lực lượng đủ sức chiếm trọn một quốc gia), nếu thất bại thì khả năng mất nước là rất lớn. Có thể nói là nếu không có tài năng quân sự tuyệt vời của các chiến tướng nhà Lý thì con cháu chúng ta chắc cũng khó có cơ hội được đọc truyện Kim Dung để mà tán thưởng tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ nữa vậy.

Xuân Bính Thìn 1076, đại thắng Như Nguyệt, âm vang Nam Quốc Sơn Hà

Một quốc gia non trẻ thành lập ngay phía Nam một nước lớn như nhà Tống thì sự tồn tại của nó là rất mong manh. Điều phải đến đã đến, cuộc chiến Tống-Việt từ năm 1075 đến 1077 rốt cục đã xảy ra với đỉnh điểm là chiến thắng ở phòng tuyến sông Như Nguyệt vào Xuân Bính Thìn 1076 đã buộc quân Tống phải ký hòa ước và rút quân với thiệt hại vô cùng lớn. Chiến thắng này còn lưu dấu ấn vào huyền sử với sự trợ giúp của thần nhân bằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” như một sự khẳng định vương quyền độc lập của Đại Việt trước đế quốc Trung Hoa sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

cuộc chiến Tống-Việt từ năm 1075 đến 1077 rốt cục đã xảy ra với đỉnh điểm là chiến thắng ở phòng tuyến sông Như Nguyệt vào Xuân Bính Thìn 1076 đã buộc quân Tống phải ký hòa ước và rút quân với thiệt hại vô cùng lớn.
Cuộc chiến Tống-Việt đã xảy ra với đỉnh điểm là chiến thắng ở phòng tuyến sông Như Nguyệt vào Xuân Bính Thìn 1076, buộc quân Tống phải ký hòa ước và rút quân với thiệt hại vô cùng lớn.

Sử chép:

“Bính Thìn, [Thái Ninh] năm thứ 5 [1076] - từ tháng 4 về sau là niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 1, Tống Hy Ninh năm thứ 9. Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, đến sông Như Nguyệt đánh tan được. Quân Tống chết hơn 1 nghìn người. Quách Quỳ lui quân, lại lấy châu Quảng Nguyên của ta...

Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Sau đó quả nhiên như thế”.
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Tống sử, Liệt truyện, Quách Quỳ truyện chép rằng:

時兵夫三十萬人,冒暑涉瘴地,死者過半。至是,與賊隔一水不得進,乃班師.
Hán Việt:
Thì binh phu tam thập vạn nhân, mạo thử thiệp chướng địa, tử giả quá bán. Chí thị, dữ tặc cách nhất thủy bất đắc tiến, nãi ban sư".

Tạm dịch:

Đem binh phu đi 30 vạn người, gặp phải nắng nóng đất độc, chết quá nửa. Đến nay, lại cách giặc một con sông không thể tiến lên, bèn đem quân về.

Sau khi về nước và kiểm điểm lại binh mã thì trong số 10 vạn lính Tống ban đầu chỉ còn 23.400 lính trở về, 1 vạn ngựa chiến thì còn lại 3.174 con. Số dân phu 20 vạn trở về không được một nửa. Phí tổn chiến tranh được triều Tống tính ra là 5.190.000 lạng vàng. Quách Quỳ bị quy tội vì đã trì hoãn không chịu tiến binh nên bị đổi đi Ngạc Châu, rồi giáng làm tả vệ tướng quân và an trí (quản thúc tại gia) ở Tây Kinh. Triệu Tiết chỉ bị kết tội không lập tức dẹp giặc, giáng làm Trực Long Đồ các, tri Quế Châu.

(còn tiếp)

Minh Bảo

Văn hoá Lịch sử


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Xuân Canh Tí 2020: Cùng nhìn lại những mùa xuân đẹp nhất của dân tộc. Kỳ 1