Xem tranh vẽ tìm hiểu văn hóa trà - Thời Đường nấu trà, uống trà như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ cổ xưa, Trà có nhiều tên gọi, trong “Trà kinh” của Lục Vũ viết: “Nhất viết Trà, nhị viết Giả, tam viết Thiết, tứ viết Minh, ngũ viết Suyễn.” Trà dùng làm thuốc, để uống, trợ giúp tu hành, cũng thêm hứng thú trong yến tiệc.

Thủy mặc, tranh vẽ cùng trà vận, trà ý là sự kết hợp hoàn mỹ tạo nên bức tranh về Trà, thư thái xem bức tranh Trà, có thể thấy các bước phát triển của văn hóa trà phương Đông, thấy được sự tao nhã du nhàn của văn nhân cho đến bậc Đế vương. Từ tranh Trà, có thể nhìn thấy lịch sử một thời thịnh thế của Trà, cũng thấy chỗ độc đáo: tranh Trà chính là sử Trà, đó là những nét ghi chép chân thực về văn hóa Trà, làm chúng ta nhận thức được dòng chảy xa xưa của văn hóa Trà.

Dòng chảy xa xưa của văn hóa Trà

Từ cổ xưa, Trà có nhiều tên gọi, trong “Trà kinh” của Lục Vũ viết: “Nhất viết Trà, nhị viết Giả, tam viết Thiết, tứ viết Minh, ngũ viết Suyễn.” (5 tên gọi của trà thời xưa) Trà dùng làm thuốc, để uống, trợ giúp tu hành, cũng thêm hứng thú trong yến tiệc.

Văn hóa trà Á Đông có lịch sử lâu đời. (Ảnh: Pixabay)

Tôn Hạo, vị hoàng đế thứ 4 của Đông Ngô thời Tam Quốc thích cử hành yến tiệc, để lại ghi chép “Lấy Trà thay rượu”, Trong “Tam Quốc chí - Ngô thư” viết rằng Tôn Hạo khi mở yến tiệc là kéo dài cả ngày, uống rượu là uống đến 7 thăng, trong quần thần có vị tên Vi Diệu tửu lượng thấp, chỉ uống được 2 thăng, thế là Tôn Hạo ngầm đưa Trà thay cho rượu, có thể thấy người xưa đã biết uống Trà từ thời Tam quốc, nhưng không thấy có ghi chép chi tiết về cách uống Trà.

Văn hóa Trà trong tranh Trà thời nhà Đường

Nấu Trà

Cách làm trà, uống trà từ thời Đường, Tống, Minh đều có lưu lại các mốc lịch sử quan trọng. Trong “Trà Kinh” Lục Vũ đề xướng nấu trà, nấu trà đã trở thành phương thức uống trà chủ yếu thời Đường. Trong bức tranh “Tiêu Dực trám Lan Đình đồ” của họa gia Diêm Lập thời Đường, có cảnh người nấu trà, đây được coi là bức tranh sớm nhất về văn hóa trà của dân tộc Trung Hoa, đồng thời cũng thấy được sự trân quý của văn hóa trà thời Đường trong dòng văn hiến trường cửu của dân tộc.

Bức tranh “Tiêu Dực trám Lan Đình đồ” của họa gia Diêm Lập thời Đường. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Bức tranh này nằm trong bộ “Lan Đình tập tự” nên được nhiều người biết. Bức thư pháp truyền thế bảo vật “Lan Đình tập tự” của Vương Hi Chi truyền đến cháu đời thứ 7 là tăng nhân Trí Vĩnh, khi ông gần trăm tuổi về già thì mật truyền lại cho đệ tử Biện Tài, lúc này là thời Đường Thái Tông tại vị, Thái Tông rất muốn có bức thư pháp này, nhưng ra giá cao thế nào cũng không đổi được. Quan Ngự Sử là Tiêu Dực giả làm thư sinh kết giao với Biện Tài, sau này tại chùa Vĩnh Hân dùng xảo trí mà lấy được bức “Lan Đình tập tự” trong tay của hòa thượng Biện Tài. Bức tranh miêu tả Tiêu Dực gặp Biện Tài hòa thượng, chủ khách hội đàm tâm đầu ý hợp. Trong cảnh có thể hiện chân thực văn hóa Trà thời Đường.

Chúng ta có thể thấy cách nấu trà đãi khách thời Đường trong tranh. Lúc đó, cách dùng trà không giản tiện như cách pha trà hiện nay, tối thiểu cũng cần chuẩn bị nước, lò đun, hơ bánh trà trên lửa, cần tốn thời gian, trà đun xong cần uống nóng. Chúng ta thấy bên trái bức tranh là một cụ già đang nấu trà trong chõ nhỏ, tay cầm đũa trúc, bên dưới có lò đun trông như hình vạc ba chân (gọi là Phong lư). Một người hầu trẻ đang chuẩn bị hai bát trà cho chủ, khách. Mỗi bên có một cái giá, trên bày các đồ dùng nấu trà, các đồ được giới thiệu trong “Trà Kinh” được làm bằng thuần gỗ, thuần trúc, dài ba xích, rộng hai xích, cao sáu xích. Còn có một hộp bọc lụa hồng, dùng đựng mạt trà, bên cạnh là bộ nghiền trà, trong có trong có trục lăn, bên ngoài có hộp đựng mạt trà hình chữ nhật. Lục Vũ cho rằng bộ nghiền trà tốt nhất là làm từ gỗ cây cam.

Một phần bức tranh “Tiêu Dực trám Lan Đình đồ”: một cụ già đang nấu trà trong chõ nhỏ, tay cầm đũa trúc, bên dưới có lò đun trông như hình vạc ba chân (gọi là Phong lư). Một người hầu trẻ đang chuẩn bị hai bát trà cho chủ, khách. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Trước khi nấu trà, lấy bánh trà đã được hơ qua lửa, đem nghiền thành mạt, lại dùng lụa thưa sàng lấy mạt. Nấu trà chú trọng độ sôi của nước cùng thời điểm cho trà vào ấm đun. Khi nước sôi sủi tăm như mắt cá là nước bắt đầu sôi, lúc này cho một chút muối điều vị, đợi nước sôi như suối nguồn phun, bọt nước như chuỗi ngọc châu nổi lên, thì dùng gáo bầu múc ra để cạnh, dùng đũa trúc nhanh tay tạo xoáy trong ấm đun, rồi trút nhẹ mạt trà vào tâm xoáy, động tác nhanh như ngựa phi nước đại, khi bọt trà nổi lên thì đổ nước nóng trong gáo bầu vào, nước ngừng sôi, sau đó chờ trà ngấm, chiết xuất tinh hoa. Trước khi sôi lần ba, rót trà chia ra bát, chú trọng chia đều “hoa trà”. Bọt nổi trên mặt được gọi là “Hoa trà”, bọt dày gọi là Bột, bọt mỏng là Mạt, bọt nhẹ gọi Hoa. Lúc uống trà, trước tiên là thưởng thức Bột, Mạt, Hoa trên bát trà nóng. Chúng ta hãy liên tưởng đến Cà-phê Latte art ( dùng bọt cà-phê tạo hình hoa văn trên mặt) ngày nay, mới thấy rằng hàng nghìn năm trước, tiền nhân uống trà đã có tính thẩm mỹ cao như vậy.

Tính mỹ học của trà cũng dung nhập vào thơ, Nguyên Chẩn tặng Bạch Cư Dị “Nhất tự chí thất tự thi trà” (Bài thơ trà một đến bảy chữ) có miêu tả: “Cối nghiền trạm khắc bạch ngọc, lụa hồng sa. Ấm đun màu vàng nhụy , bát trà nổi bọt hoa”.

Lục Vũ có nghi chép tập tục làm trà của người xưa “hoặc dùng hành, gừng, táo, vỏ quýt, thù du, bạc hà, nấu sôi”, nhưng Lục Vũ không thích tập tục này, ông cho là sôi ba lần là quá nhừ, nấu trà loại bọt thì nước trà không đẹp, trà không đúng vị, uống cứ như là nước kênh mương vậy.

Thời nhà Đường, không chỉ văn nhân nhã sĩ uống trà, mà các Thiền tăng cũng trọng trà, lấy trà để trợ giúp đả tọa tu Thiền (Trừ ngủ gật), còn xếp vào hàng dược liệu. Trong “Phong thị vắn kiến ký” có ghi lại: “Có vị Đại sư hàng ma ở chùa Linh Nham núi Thái Sơn, nổi danh Thiền giáo, tu Thiền hết mực cần cù không ngủ, cũng không ăn tối, chỉ dựa vào uống trà.” Sau này người đến học Thiền thường học theo mà mang trà và dụng cụ nấu trà, nơi đâu cũng thấy nấu trà, dần dần trở thành phong tục. Về sau Thiền tông còn lưu lại Trà Lễ trong các Thiền tự.

Gặp nhau uống trà - Lễ hội trà - nhạc

Trà có thể trở thành lý do để gặp mặt, đến để uống trà, thưởng thức trà! Tranh vẽ thời Đường “Cung nhạc đồ” thể hiện cảnh sinh hoạt giải trí của các phi tần trong cung.

Trong tranh, các phi tần tụ hội tấu nhạc, uống trà, trà hội kết hợp nhạc hội, triển hiện sự linh thông giữa nhạc và trà. Trên bàn dài, mỗi người đều có một bát trà, chính giữa bàn có một âu lớn đựng trà, một phi tần đang cầm muỗng cán dài múc trà vào bát. Trong bức họa này không thể hiện dụng cụ nấu trà, đây có lẽ là một phương thức uống trà từ đầu thời Đường, gọi là “Am trà”. Trong “Trà Kinh” có ghi: “Trà để trong bình, lấy nước sôi rót vào, gọi là am trà”, lấy nước nóng, rót vào hũ đựng trà, để ngấm sau rót ra dùng.

Người thời Đường không dùng ấm trà, mà dùng bát, cũng gọi là âu trà. Trong “Trà kinh” còn có bình đựng nước nóng, bát đựng trà cùng lọ nhỏ đựng muối, và các vật dụng bằng sứ khác, nhưng không thấy có ấm trà, đồ dùng chủ đạo là bát trà.

Bức tranh "Cung nhạc đồ" thời Đường: Trà hội và Nhạc hội. (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Loại bát trà nào được ưa chuộng nhất thời Đường? Trà Thần Lục Vũ tán tụng về bát trà sứ xanh: “Sứ như ngọc, như băng”. Trong “Trà kinh” viết: “Bát Việt Châu là tốt nhất. Như ngọc như băng” (Chiết Giang Thiệu Hưng, thời Tùy Đường gọi là Việt Châu, là nơi có lò nung sứ nổi tiếng), các lò chủ yếu phân bố theo dải Từ Khê. Dùng đồ sứ Việt Châu pha trà cho màu sắc đẹp, được Lục Vũ tán thưởng: “Việt sứ thanh nhi trà sắc lục” (sứ xanh Việt Châu làm trà thêm xanh lục).

Nhà thơ thời Đường Bì Nhật Hưu đam mê uống trà, ông mô tả bát trà: “Tròn tựa hồn trăng rơi xuống, nhẹ như vân phách bay lên” chứa đựng sự linh thông tiên giới. Trong mắt của thi nhân Lục Cửu Mông (ông cũng là người trồng trà), bát uống trà quang hoa vận nhã, có đủ tư chất khuê ngọc, lại thêm màu sương khói, còn quý hơn cả ngọc. Từ những cổ vật “Thanh sứ tẩy” ( loại sứ có màu xanh độc đáo) được nung bằng lò gốm Việt Châu còn lưu lại từ thời Ngũ đại, có thể thấy các bát trà, màu sắc, cách thức là giống hệt trong tranh “Cung lạc đồ”. Theo ghi chép trong văn hiến, sản phẩm bát “Thanh sứ tẩy” được làm đến tận cuối thời Đường, chứa đựng những bí quyết về sắc màu và nung luyện.

Văn nhân trà hội

Trà là thức uống không thể thiếu trong các yến hội, là người bạn tinh thần, trà yến lấy trà làm chủ đạo. Từ thời Đường, Tống đến nay, các hội của văn nhân đều dùng trà hội. Chúng ta hãy xem bức tranh “Đường nhân văn hội đồ” (Tác phẩm khuyết danh).

Trong tranh, tùng trúc soi bóng nước, văn nhân đang trong hội. Trong vườn đặt một chiếc bàn rộng, trên bàn có nhiều thức ăn và quả ngọt. Chủ khách ngồi quanh bàn ăn uống, đứng nói chuyện dưới gốc cây, người đẹp, cảnh đẹp, người hầu bưng trà phục vụ.

Phía trước bàn lớn, có đặt bàn nhỏ, bộ đồ trà, các người hầu đang bận rộn chuẩn bị trà.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Xem tranh vẽ tìm hiểu văn hóa trà - Thời Đường nấu trà, uống trà như thế nào?