Vương Dương Minh gánh vác trọng trách, trợ giúp trăm họ, cảm động Trời xanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tâm chí thành thì Trời Đất cũng cảm động. Đại thần triều Minh Vương Dương Minh (1472-1529) chính là người có lòng chí thành cảm động Trời Đất như thế...

Cả cuộc đời Dương Vương Minh đã để lại rất nhiều truyền kỳ. Tuy không phải võ tướng nhưng lại nhiều lần dẫn quân đi dẹp phản loạn. Tuy không phải là người xuất gia nhưng vẫn tu hành có thành tựu; làm quan có lòng khoan dung và tiết tháo, vì dân cầu gió, cầu mưa, dùng máu mình cầu tiêu trừ tai họa, dốc sức cứu giúp người dân trong thiên hạ.

Có khả năng biết trước sự việc nhưng cũng không chấp vào tiểu thuật

Vương Dương Minh đã từng tu hành trong sơn động "Dương Minh" cách nhà ở Dư Diêu hơn 20 dặm, và kết giao thân mật với mấy đạo hữu như Vương Tư Dư, Hứa Chương, Vương Hổ.

Năm Hồng Trị thứ 15 (năm 1502), Vương Dương Minh cáo bệnh hồi hương, dựng nhà ở trong động Dương Minh tĩnh tu một thời gian dài. Ông có khả năng biết trước sự việc. Một hôm nhóm bốn người bạn trong đó có Vương Tư Dư đến thăm ông. Họ vừa bước ra cổng Ngũ Vân, vẫn chưa đến động Dương Minh thì Vương Dương Minh đã sai người hầu đến nghênh đón, đồng thời nói với người hầu những sự việc xảy ra với họ trên đường.

Người hầu chờ ở giữa đường, đợi rất lâu mới thấy bốn người nhóm Vương Tư Dư, đồng thời thuật lại cho họ những việc Dương Minh tiên sinh nói, kết quả đều trùng khớp. Trong sách "Vương Dương Minh niên phổ" có ghi chép: "Mọi người ngạc nhiên cho rằng Dương Minh đắc Đạo".

Sau này Vương Dương Minh lĩnh ngộ được, ông nói: "Việc này tiêu tốn tinh thần, không phải là Đạo". Người tu hành có thành tựu chân chính không chấp trước vào tiểu năng tiểu thuật, dù có công năng biết trước sự việc thì cũng không đại biểu cho việc có thể đắc Đạo viên mãn. Sau đó không lâu, Vương Dương Minh liền vứt bỏ tiểu năng tiểu thuật này, không mất thời gian làm những việc như vậy nữa.

Người tu hành có thành tựu chân chính không chấp trước vào tiểu năng tiểu thuật, dù có công năng biết trước sự việc thì cũng không đại biểu cho việc có thể đắc Đạo viên mãn.
Người tu hành có thành tựu chân chính không chấp trước vào tiểu năng tiểu thuật, dù có công năng biết trước sự việc thì cũng không đại biểu cho việc có thể đắc Đạo viên mãn. (Ảnh: Shutterstock).

Thời kỳ Minh Vũ Tông, Vương Dương Minh làm quan trong triều, tuy bị gian thần là Lưu Cẩn hãm hại, nhưng cuối cùng cũng không nguy hiểm, bị nạn lại được may mắn. Sau này Vương Dương Minh khuông phù xã tắc, mấy lần bình định quân phản loạn giúp nước, cầu mưa, cầu gió cho dân, đã hiển hiện ra mặt vượt hơn người của ông.

Dùng máu mình cầu tiêu trừ tai họa, cầu mưa cho dân

Tháng 3 năm Chính Đức thứ 5 (năm 1510), triều đình bổ nhiệm Vương Dương Minh làm tri huyện Lư Lăng. Trước khi ông nhậm chức thì huyện Lư Lăng "ngục điệp đầy nhà", nha môn tồn tích rất nhiều án oan, án giả, án sai. Sau khi Vương Dương Minh đến nhậm chức, lần lượt thẩm tra thụ lý, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi đã xử lý sạch những hồ sơ các vụ án.

Một lần trong thành xảy ra hỏa hoạn, gió lớn thổi khiến ngọn lửa càng cháy dữ dội, Khi ngọn lửa đang hoành hành, Vương Dương Minh đích thân cầu khấn, "Cầu gió đổi chiều, lấy máu mình cầu tiêu trừ tai họa". Ông dùng máu của mình tế cầu Thượng Thiên, ngọn lửa lớn lập tức tắt. Sau đó Vương Dương Minh quy hoạch lại bố cục huyện thành, để giữa những ngôi nhà có đường đi, có tác dụng ngăn chặn ngọn lửa cháy lan và có lối thoát hiểm. Ông ban bố rõ kỷ cương, nghiêm cấm quan lại lạm thu vơ vét, bóc lột bách tính. Để tạo thuận lợi cho khách tứ phương, ông lại sai người xây dựng các trạm dịch và quán trọ. Ông thực thi nền chính trị nhân đức, được bách tính yêu kính.

Năm Chính Đức thứ 12 (năm 1517), Binh bộ thượng thư Vương Quỳnh đã tiến cử Vương Dương Minh thăng làm Hữu thiêm Đô ngự sử của Đô sát viện, tuần phủ các nơi như Nam Cán, Đinh Chương (Giang Tây và phía Nam Phúc Kiến ngày nay), tiễu trừ giặc cướp địa phương. Vương Dương Minh sau khi đến Giang Tây đã phát chẩn cứu tế bách tính, chiêu hồi vỗ về người dân ly lạc, đồng thời dán hịch bố cáo bách tính rằng: "Cầu mong được thông tỏ dân tình, nguyện lắng nghe trách lỗi".

Giặc cướp địa phương nhiều năm ngang ngược trắng trợn cướp đoạt thuyền buôn, quấy nhiễu bách tính. Vương Dương Minh bình định phản loạn ở Cán Châu, dẫn quân đồn trú ở huyện thành Thượng Hàng, Phúc Kiến. Theo sách "Thời vũ ký" thuật lại thì Vương Dương Minh thấy tình hình hạn hán ở Thượng Hàng rất nghiêm trọng, thế là ông chủ trì nghi thức cầu mưa ở nha môn, sau đó trời trút một trận mưa lớn một ngày một đêm. Nhưng người dân cho rằng nước mưa vẫn chưa đủ tiêu trừ hạn hán. Đến tháng 4, Vương Dương Minh dẫn quân chiến thắng trở về, trời mưa lớn liên tục 3 ngày, bách tính vui mừng ra ruộng cày. Vương Dương Minh leo lên thành lầu thấy tình hình bách tính vui mừng phấn khởi thì cũng cảm thấy rất vui lòng. Quan lại địa phương thỉnh cầu ông đặt tên cho sảnh đường nơi ông làm việc là "Thời vũ đường", đồng thời họ nói: "Bách tính khổ bởi loạn lạc giặc cướp đã rất lâu rồi, lại bị hạn hán nghiêm trọng. Bách tính sắp phải tha hương lưu lạc, khó duy trì được kế sinh nhai. Hôm nay đúng dịp khải hoàn trở về, Thượng Thiên lại giáng cơn mưa lớn kịp thời, đúng là như người ta nói "Vương sư nhược thời vũ" (Thầy Vương như cơn mưa đúng lúc), hôm nay mới được nghiệm chứng, xin hãy ghi chép lại sự kiện này". Trước sự thỉnh cầu của quan lại, Vương Dương Minh đã ghi chép lại việc này.

Vương Dương Minh leo lên thành lầu thấy tình hình bách tính vui mừng phấn khởi thì cũng cảm thấy rất vui lòng.
Vương Dương Minh leo lên thành lầu thấy tình hình bách tính vui mừng phấn khởi thì cũng cảm thấy rất vui lòng. (Ảnh: Pexels).

Vương Dương Minh khiêm tốn nói: "Bách tính chỉ hy vọng cày cấy, hy vọng có mưa để trồng hoa màu. Tôi chỉ hy vọng Thượng Thiên bảo hộ người dân trong thiên hạ. Tôi chỉ hy vọng Hoàng thượng ban rõ phép tắc kỷ cương, thiên hạ thái bình. Tôi chỉ hy vọng tướng sĩ xả thân quên mình báo đáp quốc gia, tiễu trừ ác phỉ nguy hại bách tính. Tôi chỉ hy vọng quan lại địa phương dốc sức trừ ác bảo hộ bách tính, khiến người dân thu hoạch mùa màng tốt. Tôi có đức gì mà dám nhận công của Thượng Thiên".

Một lòng khuông phù xã tắc, cầu được gió bắc

Năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519), Ninh Vương Chu Thần Hào phản loạn, tấn công Nam Khang và Cửu Giang. Kế hoạch ban đầu của ông ta là tấn công hạ được Nam Kinh, sau đó dẫn quân tiến đánh Bắc Kinh. Ông ta dẫn đại quân 10 vạn người đánh thắng liền mấy trận, vì vậy muốn thừa cơ truy kích, tiến quân thẳng xuống phía Đông.

Nhận được tin tức, Vương Dương Minh vội vàng đáp thuyền đi Cát An để sắp xếp việc quân sự và kiềm chế Ninh Vương, kéo dài thời gian, tìm thời cơ đột phá. Do gió nam thổi mạnh, thuyền của ông không thể đi được. Ngay khi đó, Ninh Vương sai quân truy kích, thẳng đường đuổi gấp.

Đúng lúc nguy cấp này, Vương Dương Minh thắp hương cầu Trời rằng: "Hoàng Thiên nếu thương xót sinh linh, để Vương Dương Minh khuông phù xã tắc, xin ban gió ngược lại". Chỉ một lát sau, gió nam dừng, trời nổi cơn gió bắc thổi vù vù. Thuyền xuôi gió giong buồm khởi hành. Thượng Thiên đã hóa giải nguy nạn cho ông, đồng thời khiến ông có rất nhiều thời gian để bình định Ninh Vương phản loạn.

Cuồng phong không ngừng, môn nhân cầu được gió tây

Thuyền không đi được, lẽ nào thầy muốn lưu lại vì binh sĩ và người dân ở đây? Người thân và đệ tử ở Dư Diêu đều đang đợi chờ thầy
Thuyền không đi được, lẽ nào thầy muốn lưu lại vì binh sĩ và người dân ở đây? Người thân và đệ tử ở Dư Diêu đều đang đợi chờ thầy. (Ảnh: Shutterstock).

Sinh thời Vương Dương Minh đã để lại rất nhiều truyền kỳ. Sau khi ông mất cũng để lại một truyền kỳ.

Vương Dương Minh đem theo thân bệnh đi Quảng Tây dẹp loạn, không may qua đời. Trước khi lâm chung, khi thuyền đi đến Thanh Long Phố, Vương Dương Minh gọi môn nhân là Chu Tích đến và nói: "Ta sắp đi rồi".

Chu Tích khóc lóc hỏi ông: "Thầy có di ngôn gì không?"

Vương Dương Minh nói: "Tâm này quang minh, còn phải nói gì nữa?"

Nói rồi nhắm mắt ra đi.

Môn nhân của ông để linh cữu ở trạm dịch Nam Dã, đợi mấy ngày sau khởi hành. Họ muốn đưa linh cữu Vương Dương Minh về quê nhà Dư Diêu của ông. Binh sĩ và người dân xa gần đau buồn khôn xiết, tiếng khóc vang động đất trời, giống như mất đi cha mẹ vậy. Khi môn nhân hộ tống linh cữu đến Nam Xương, liên tiếp mấy ngày liền trời nổi gió bắc rất mạnh, thuyền khách không thể đi được.

Môn nhân Triệu Uyên thắp hương trước linh cữu, sau đó bái và nói: "Thuyền không đi được, lẽ nào thầy muốn lưu lại vì binh sĩ và người dân ở đây? Người thân và đệ tử ở Dư Diêu đều đang đợi chờ thầy".

Có lẽ Vương Dương Minh ở trên Trời linh thiêng, Triệu Uyên nói vừa dứt lời thì gió bắc bỗng nhiên chuyển thành gió tây.

Vương Dương Minh khuông phù xã tắc, cầu mưa cầu gió cho dân, dùng máu mình để cầu tiêu trừ tai họa, bảo hộ bách tính. Cuộc đời ông đã để lại rất nhiều truyền kỳ. Đằng sau những truyền kỳ, vừa có sứ mệnh ông tại thế làm quan, dẹp loạn vỗ yên bách tính, phải chăng cũng lại nhờ có Thượng Thiên ở cõi vô hình rủ lòng thương xót bảo hộ bách tính lê dân.

Trung Hòa (biên dịch)

Tác giả: Tống Bảo Lam
T
heo epochtimes.com

Tài liệu tham khảo:
- Vương Dương Minh niên phổ
- Vương Dương Minh tiên sinh toàn tập
- Thời vũ ký
- Vương Dương Minh tĩnh nạn lục



BÀI CHỌN LỌC

Vương Dương Minh gánh vác trọng trách, trợ giúp trăm họ, cảm động Trời xanh