Vũ Huấn mở trường học: Phần cuối - Vũ Huấn qua đời, hậu thế sùng kính và tưởng niệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo di chúc của Vũ Huấn, thi hài ông được an táng ở phía Đông của trường nghĩa thục Sùng Hiền, thị trấn Liễu Lâm, huyện Đường Ấp. Người dân cả ba huyện đó đều tự động đến tham gia tang lễ của ông, số người tới dự lên đến hơn vạn người. Suốt dọc đường là biển người đông đúc, tiếng khóc của các thầy giáo và học sinh vang động cả trời cao, người dân cũng rưng rức nhỏ lệ.

Xem lại Phần 1, Phần 2, Phần 3 Kỳ 1, Phần 3 Kỳ 2, Phần 4 Kỳ 1

1. Vũ Huấn mỉm cười ra đi, quan dân vạn người đưa tang

Ngày 23 tháng 4 năm 1896, Vũ Huấn bệnh qua đời ở Trường tư thục ngõ Ngự Sử, hưởng dương 59 tuổi. "Thanh sử" có ghi chép rằng: "Vũ Huấn bệnh nguy kịch, nghe tiếng các học sinh đọc sách, ông mở mắt ra mỉm cười". Ông mỉm cười rồi ra đi, bởi vì ông nghe thấy tiếng đọc sách của lũ trẻ, đó là điều mà cả đời ông vui thích nhất. Đời này ông đã không uổng phí, ông chịu khổ xin ăn, xây trường nghĩa học, để những đứa trẻ nghèo khó không có cơ hội đi học có thể thực hiện được nguyện vọng học tập. Ông thấy mình không hổ thẹn với lòng, cả đời đã không làm một việc gì trái với lương tâm.

Xưa các cụ già 70, 80, lúc lâm chung thường nói với con cháu rằng: "Trong cuộc đời này, cha đã làm một việc trái lương tâm, vô cùng hối hận. Cha đã luôn dốc sức bù đắp, nhưng vẫn còn xa mới bù đắp đủ. Sau khi cha chết, các con phải giúp cha tiếp tục làm bù cho tốt".

Thế nên người mà cả cuộc đời không làm việc gì sai trái, tội lỗi, đến lúc lâm chung có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình như Vũ Huấn thì quả là hiếm có, quả là xuất sắc, đáng để hậu nhân chúng ta ngưỡng mộ.

người mà cả cuộc đời không làm việc gì sai trái, tội lỗi, đến lúc lâm chung có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình như Vũ Huấn thì quả là hiếm có, quả là xuất sắc
người mà cả cuộc đời không làm việc gì sai trái, tội lỗi, đến lúc lâm chung có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình như Vũ Huấn thì quả là hiếm có, quả là xuất sắc. (Ảnh qua hkmdb.com)

Đào Hành Tri là một nhà giáo dục bình dân thời Dân Quốc đã nói một câu nổi tiếng rằng: "Bưng một trái tim đến, không đem một ngọn cỏ đi". Đó chính là nói Vũ Huấn cả đời không truy cầu vật chất, cũng là nói con người đến với thế gian với hai bàn tay trắng, rồi cũng với hai bàn tay trắng rời thế gian. Danh lợi tình thù, con người có muốn đem theo cũng không thể đem được.

Cuộc đời 59 năm của Vũ Huấn không được coi là thọ, nhưng ông đã kiến lập ra rất nhiều điều tốt đẹp. Ngày đưa tang ông, quan lại, sĩ phu của 3 huyện Đường Ấp, Quán Đào, Lâm Thanh và tất cả những người trong quan phủ đều đến tiễn đưa. Theo di chúc của Vũ Huấn, thi hài ông được an táng ở phía Đông của trường nghĩa thục Sùng Hiền, thị trấn Liễu Lâm, huyện Đường Ấp. Người dân cả ba huyện đó đều tự động đến tham gia tang lễ của ông, số người tới dự lên đến hơn vạn người. Suốt dọc đường là biển người đông đúc, tiếng khóc của các thầy giáo và học sinh vang động cả trời cao, người dân cũng rưng rức nhỏ lệ.

Có người nói: "Ai nói là Vũ Huấn không có con cái?". Một người chết mà có nhiều người thế này tự động đến tiễn đưa, xúc động cõi lòng hàng ngàn hàng vạn người, chẳng phải ông có nhiều con cái thế này sao. Bao nhiêu đứa trẻ nghèo khó, nhờ ông mà đã thực hiện được ước mơ đến trường, họ đều coi ông như cha.

Người xưa nói "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (có 3 điều bất hiếu, vô hậu là lớn nhất). Khi người chết đi, tinh thần có được người đời sau thừa kế không, mỹ đức có được người đời sau lưu truyền không, có thì chính là "hữu hậu", không có tức là "vô hậu". Đối với bậc làm con mà nói, đó mới là chân Hiếu. Quan lại và người dân tự phát tiễn đưa tang lễ một người ăn mày, từ quan phủ đến bách tính đều tưởng nhớ ông, đó chẳng phải là ông đã làm rạng rỡ tổ tông đó sao.

Khi người chết đi, tinh thần có được người đời sau thừa kế không, mỹ đức có được người đời sau lưu truyền không, có thì chính là "hữu hậu", không có tức là "vô hậu".
Khi người chết đi, tinh thần có được người đời sau thừa kế không, mỹ đức có được người đời sau lưu truyền không, có thì chính là "hữu hậu", không có tức là "vô hậu". (Ảnh qua bastillepost.com)

2. Vũ Huấn có vị thế cao, ảnh hưởng rộng lớn

10 năm sau, triều đình nhà Thanh giao phó cho Quốc sử quán lập truyện về sự nghiệp và công trạng của Vũ Huấn. Đến thời Dân Quốc, chính quyền Bắc Dương đưa sự tích của Vũ Huấn và "Liệt truyện" trong "Thanh sử cảo", mở ra con đường tiên phong để chính sử viết về người ăn mày có một không hai trong lịch sử Trung Hoa này.

Chính sử thường viết về vương tôn quan tướng, đại thần, những nhân vật lớn của quốc gia. Quan lại nhỏ khó mà được lập truyện. Vậy mà một người ăn xin, với thân phận hèn kém đã chính thức đi vào chính sử, với trường hợp của Vũ Huấn, toàn thế giới không có người thứ hai.

Nhà giáo dục bình dân Đào Hành Tri nói: "Vũ Huấn tuy đã mất nhưng tinh thần của ông còn sống mãi muôn ngàn năm sau. Nếu chúng ta ai ai cũng có tinh thần Vũ Huấn thì đâu có sợ quốc gia không tiến bộ?".

Quốc gia xây mộ, xây đền, dựng bia cho Vũ Huấn, sự nghiệp và công trạng của ông được người đời kính ngưỡng, rất nhiều danh nhân đề từ, rất nhiều nơi trên toàn quốc xuất hiện các trường học lấy tên Vũ Huấn. Sau này còn làm phim "Vũ Huấn truyện" nữa.

3. Hậu thế sùng kính và tưởng niệm Vũ Huấn

Sau khi Vũ Huấn qua đời, chính quyền các thời kỳ và nhân dân đều tưởng niệm ông. Năm 1903, nha môn Tuần phủ Sơn Đông tu sửa lăng mộ và xây đền cho Vũ Huấn, mọi người đều muốn xây đền lập bia kỷ niệm. Xưa chỉ có vương công đại thần có công lớn mới được xây đền.

Thời kỳ Dân Quốc, Giám đốc Sở giáo dục Sơn Đông là Hà Tư Nguyên đã giải ngân trùng tu đền Vũ Huấn, còn dựng tượng ông bằng bạch ngọc. Như thế, triều Đại Thanh và Trung Hoa Dân Quốc đều xây đền dựng tượng kỷ niệm ông.

Năm 1932, Chủ tịch Sơn Đông là Hàn Phục Củ xây dựng "Nhà kỷ niệm Vũ Huấn", còn có hai "Sảnh kỷ niệm Vũ Công".

Tượng Vũ Huấn ở quê nhà.
Tượng Vũ Huấn ở quê nhà. (Ảnh qua minghui.org)

Năm 1934, trường Tiểu học Vũ Huấn huyện Lâm Thanh kỷ niệm 97 năm ngày sinh Vũ Huấn, các quan chức cao cấp thuộc chính phủ, quân đội, nhà giáo dục, nghệ sĩ, gồm: Tưởng Giới Thạch, Phùng Ngọc Tường, Lý Tông Nhân, Trương Học Lương, Dương Hổ Thành, Thái Nguyên Bồi và các nhân sĩ tên tuổi trong xã hội tấp nập dùng các hình thức đề từ, thơ ca, tản văn, truyện ký để ca ngợi Vũ Huấn. Tưởng Giới Thạch đích thân viết "Vũ Huấn tiên sinh truyện tán", trong đó có đoạn: "Dùng sức hành khất mà sáng nghiệp thành đức đạt tài. Dùng thân vô học mà để lại ân trạch cho người cho đời. Hỡi ôi tiên sinh, độc nhất vô tiền khoáng hậu, nhân đức, thành tín, nghĩa hiệp, xứng danh kiên trì gian khổ trác việt". Vu Hữu Nhiệm đề từ rằng: "Nhân luân sư biểu" (Bậc thầy của luân thường đạo lý).

Tại sao Vũ Huấn lại có ảnh hướng lớn như vậy? Tại sao có nhiều người sùng bái ông như thế? Bởi vì xã hội đang cần tinh thần chí công vô tư của Vũ Huấn như thế. Bất kỳ một xã hội tốt đẹp nào cũng sẽ tôn kính ông, hoan nghênh ông, long trọng tưởng niệm ông. Những năm 30, 40 của thế kỷ trước, Vũ Huấn được sùng kính vô cùng trên mảnh đất Trung Hoa, vị thế của ông càng ngày càng cao. Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, sự tích của Vũ Huấn được đưa vào sách giáo khoa, thế nên bất kỳ người nào, chỉ cần đi học là đều biết đến ông.

Trước năm 1949, giáo trình lịch sử có một câu hỏi rằng: "Người mà trò sùng bái nhất trong lịch sử là ai?" Trong hơn 40.000 học sinh thì tuyệt đại đa số viết đáp án là Vũ Huấn. Toàn quốc có hơn 30 trường học Vũ Huấn. Tướng quân Phùng Ngọc Tường chỉ trong 3 năm từ 1932 đến 1935 đã xây dựng 15 trường tiểu học Vũ Huấn. Ngoài ra còn có Nhà xuất bản Vũ Huấn, phố Vũ Huấn, ngõ Vũ Huấn. Huyện Đường Ấp còn đổi tên là huyện Vũ Huấn. Thị trấn Liễu Lâm cũng đổi tên là thị trấn Vũ Huấn, khắp nơi mọi người đều kỷ niệm ông.

Thị trấn Liễu Lâm cũng đổi tên là thị trấn Vũ Huấn, khắp nơi mọi người đều kỷ niệm ông. 
Thị trấn Liễu Lâm cũng đổi tên là thị trấn Vũ Huấn, khắp nơi mọi người đều kỷ niệm ông. (Ảnh qua kknews.cc)

Danh lục tỉnh Sơn Đông còn gọi ông là Vũ Thánh nhân. Trong lịch sử, người được gọi là Thánh nhân vô cùng ít. Khổng Tử có học vấn sâu rộng, san thuật lục kinh, truyền lại bộ phận đạo lý làm người của văn hóa truyền thống Trung Hoa, được người đời sau gọi là Thánh nhân. Nhưng Vũ Huấn là người không biết chữ lại được gọi là Thánh nhân, sánh ngang với Khổng Tử, quả là khiến người ta kinh ngạc. Người ta ai có văn hóa cao hơn ông? Văn hóa chân chính là gì? Văn hóa không phải là tri thức, học vấn, mà là thiện lương, là sự tôn trọng và trân quý đối với sinh mệnh, đó mới là văn hóa chân chính. Dùng tiêu chuẩn này đánh giá thì người hiện đại có bao nhiêu người có văn hóa? Giáo dục thành nghề nghiệp, trường học thành nơi kiếm tiền, đều không thể gọi là có văn hóa được.

Văn hóa là phù hợp với Đạo. Người xưa đi học không chỉ là đọc sách, họ còn biết bắt mạch kê đơn chữa bệnh, việc gì cũng có thể nói ra một số đạo lý, bởi vì họ học sách của Thánh hiền, là sách giảng về đạo lý, họ cũng tuân theo đạo lý đó mà hành xử, làm một người hạnh phúc. Thế nên chúng ta muốn có hạnh phúc thì cần học tập Thánh hiền, làm một người hạnh phúc, cần buông bỏ tư lợi và tình cảm cá nhân, học theo tinh thần Vũ Huấn thì sự nghiệp nhất định thành công, cuộc đời hạnh phúc, tương lai tốt đẹp.

Trước khi bộ phim "Vũ Huấn truyện" bị phê phán năm 1951, thì thái độ của các tầng lớp dân chúng, chính quyền các thời đại đều giống nhau, bất kể là triều đình đế chế Mãn Thanh hay thời Trung Hoa Dân Quốc do dân bầu cử, thậm chí ngụy chính quyền của Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh cũng đều ca ngợi và sùng kính Vũ Huấn. Hơn nữa sau này Vũ Huấn còn được toàn thế giới tôn kính, được đưa vào từ điển giáo dục thế giới, vì ông không biết chữ nên được gọi là "Nhà giáo dục không lời", và "Nhà giáo dục dân nghèo".

4. Vũ Huấn bị phê phán

Bộ phim "Vũ Huấn truyện" được dựng phim trước năm 1949, sau này, để làm cho hợp với tinh thần cách mạng của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người ta đã dựng thêm phần đuôi "cách mạng", cuối năm 1950 công diễn trên toàn quốc, được mọi người phổ biến khen ngợi, buổi chiếu phim nào cũng đầy ắp khán giả tới xem. Tính riêng các báo ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, chỉ trong vài tháng đã đăng hơn 40 bài báo ca ngợi.

Năm 1951, phim "Vũ Huấn truyện" được chiếu tại Hoài Nhân Đường ở Trung Nam Hải, hơn 100 lãnh đạo trung ương gồm có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và những lãnh đạo khác đã xem, đều nói bộ phim này vô cùng hay. Rất nhiều danh nhân trong giới văn nghệ, giới trí thức, giới giáo dục và xã hội đã viết bài ca tụng bộ phim này. Tuy nhiên, việc này lại không được Mao Trạch Đông đồng ý, ông ta không vui, sau đó gió đổi chiều, ông ta viết liền 2 bài văn phê phán, chụp cho Vũ Huấn cái mũ lớn. Vũ Huấn bỗng trở thành "nô tài của giai cấp thống trị, kẻ đối đầu của khởi nghĩa nông dân, đồng phạm của đế quốc xâm lược Trung Quốc"; trở thành "đại lưu manh, chủ nợ lớn và đại địa chủ".

việc này lại không được Mao Trạch Đông đồng ý, ông ta không vui, sau đó gió đổi chiều, ông ta viết liền 2 bài văn phê phán, chụp cho Vũ Huấn cái mũ lớn.
Việc này lại không được Mao Trạch Đông đồng ý, ông ta không vui, sau đó gió đổi chiều, ông ta viết liền 2 bài văn phê phán, chụp cho Vũ Huấn cái mũ lớn. (Ảnh qua gzt.com)

Quả là "râu ông nọ cắm cằm bà kia", thiện ác, tốt xấu, đúng sai điên đảo cả. Thế là sau đó bắt đầu xuất hiện các danh nhân không có cốt cách, không có ý chí, không có tinh thần duy hộ đạo lý, họ lần lượt liên tiếp xuất hiện viết bài phê phán, kiểm điểm Vũ Huấn. Một số danh nhân văn hóa nghệ thuật không có tiêu chuẩn đúng sai như Quách Mạt Nhược, Điền Hán, Hạ Diễn... vốn trước đây viết bài ca tụng Vũ Huấn thì giờ đây đổi giọng chuyển sang kiểm điểm và phê phán ông. Phong trào phê phán Vũ Huấn lan ra khắp nơi, rồi nhanh chóng đẩy lên thành phê phán văn hóa truyền thống.

Thánh nhân Vũ Huấn được các triều đại, chính quyền từ nhà Thanh, quân phiệt, Dân Quốc, Ngụy chính quyền cho đến thời kỳ đầu của chính quyền cộng sản Trung Quốc đều ca tụng, sùng kính, chỉ duy nhất một người tự cho là "lãnh tụ vĩ đại" Mao Trạch Đông là lật ngược lại, đẹp xấu, thiện ác điên đảo. Sau khi Mao Trạch Đông phê phán Vũ Huấn, chính quyền trung ương thành lập tổ điều tra do Giang Thanh làm tổ trưởng đến Sơn Đông điều tra về nhân vật lịch sử Vũ Huấn. Một cụ già tên là Lý Hán Bang đã ngoài 80, đã từng làm lính dưới trướng tuần phủ Sơn Đông là Trương Diệu, nghe nói Bắc Kinh cho người đến điều tra Vũ Huấn, ông liền nói: "Vũ Thánh nhân là người tốt. Cả đời ông chịu khổ cực, gom góp tiền xây trường nghĩa học cho trẻ em gia đình nghèo khổ, ông là người cực tốt".

Cán bộ địa phương vội ghé tai cụ nói nhỏ: "Vũ Huấn bị phê phán rồi, nói năng phải chú ý".

Sau này tổ điều tra trung ương lại hỏi cụ Lý, cụ già liền nói: "Cái gì? Nghe không rõ, các người nói gì? Tôi tai điếc, không nghe thấy".

Cụ không thể trái lương tâm nói xấu Vũ Huấn được, ông ấy có gì không tốt chứ?

Đến thời Đại cách mạng Văn hóa thì càng tệ, Vũ Huấn chịu đại nạn lên đến cực độ. Mùa hè năm 1966, bọn Hồng vệ binh của huyện Quán tỉnh Sơn Đông mang theo búa, xà-beng hò hét khẩu hiệu: "Phá tứ cựu, lập tứ tân" (phá 4 cái cũ, tạo lập 4 cái mới), rồi đập vỡ mộ ông, họ moi xương cốt của ông lên, sau đó dùng búa đập nát vụn, rồi phóng lửa đốt cùng với quan tài. Tượng Vũ Huấn bằng bạch ngọc, tấm biển "Nghĩa học chính" cũng bị phá hủy.

Mùa hè năm 1966, bọn Hồng vệ binh của huyện Quán tỉnh Sơn Đông mang theo búa, xà-beng hò hét khẩu hiệu: "Phá tứ cựu, lập tứ tân" (phá 4 cái cũ, tạo lập 4 cái mới), rồi đập vỡ mộ ông.
Mùa hè năm 1966, bọn Hồng vệ binh của huyện Quán tỉnh Sơn Đông mang theo búa, xà-beng hò hét khẩu hiệu: "Phá tứ cựu, lập tứ tân" (phá 4 cái cũ, tạo lập 4 cái mới), rồi đập vỡ mộ ông. (Ảnh qua: bannedbook.org)

Tại sao với tổ tiên vĩ đại, ưu tú của dân tộc mà Hồng vệ binh lại thù hận đến như thế? Cũng vì hành vi biến dị và tàn độc đó mà một tấm gương đặc biệt trong giới giáo dục, người mà bất kỳ người nào, thời đại nào cũng đều sùng kính và học theo, thì nay đã không còn mấy người được biết đến nữa. Ngày nay các hiệu trưởng, các thầy cô giáo ở Trung Quốc, ngay cả cái tên của Vũ Huấn còn không biết thì nói gì đến việc kế thừa và hoằng dương tinh thần của ông.

Đối với Vũ Huấn mà nói, ông chính là: "Bưng một trái tim đến, không đem một ngọn cỏ đi", ông không muốn mọi người phải ghi nhớ ông, sùng kính ông, chỉ lặng lẽ giữ nỗi khổ cực cho riêng mình và để cho mọi người được lợi ích. Vậy mà mọi người lại không nhớ đến một vị Thánh nhân không tư lợi như vậy thì có trái với lương tâm không? Chính là không có lương tâm vậy.

(Hết)

Thanh Hà

Theo Đồng Hân



BÀI CHỌN LỌC

Vũ Huấn mở trường học: Phần cuối - Vũ Huấn qua đời, hậu thế sùng kính và tưởng niệm