Vũ Huấn mở trường học: Phần 2 - Tuổi trẻ khổ đau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đời người vốn sinh ra đã là khổ, lớn lên càng gặp nhiều khổ nạn. Các Thánh hiền xưa nói: "Trời muốn giao trọng trách cho người nào, thì trước tiên ắt khiến người đó khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt". Trong Tây Du Ký, Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, trải qua 81 nạn rồi mới thành Phật. Những ma nạn này, những thống khổ này là để rèn luyện con người, thành tựu con người...

Xem Phần 1

7 tuổi: Chú bé ăn xin thiện lương

Vũ Huấn tên thuở nhỏ là Vũ Thất. Khi Vũ Huấn lên 7 thì cha chết, gia cảnh vốn đã nghèo, cơ bản không có tài sản gì cả, thế là cậu theo mẹ đi xin ăn. Cậu bé Vũ Thất tuy xin ăn nhưng rất thiện lương, rất hiếu thuận. Hễ có thứ gì ngon miệng lại sạch sẽ là cậu không bao giờ ăn mà nhất định đem về nhà cho mẹ.

Người xưa nói: "Muốn thành sự nghiệp thì trước tiên hãy thành nhân". Vũ Thất tuy xin ăn nhưng cũng thể hiện ra cảnh giới làm người, những thứ cậu xin được mà hơi ngon một chút là đem về cho mẹ chứ không dành cho bản thân, đó là đứa bé vô cùng thiện lương.

Những thứ cậu xin được mà hơi ngon một chút là đem về cho mẹ chứ không dành cho bản thân, đó là đứa bé vô cùng thiện lương.
Những thứ cậu xin được mà hơi ngon một chút là đem về cho mẹ chứ không dành cho bản thân, đó là đứa bé vô cùng thiện lương. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

15 tuổi: Lao công cực khổ

Đến tuổi 15, Vũ Huấn đến nhà ông chủ Trương - là dượng (chồng người dì) làm lao công. Người dượng này không coi cậu là họ hàng, mà hoàn toàn coi Vũ Huấn như trâu ngựa, phàm là những việc khổ nhất mệt nhất đều giao cho cậu làm. Mặc dù như vậy nhưng Vũ Huấn rất trung thành, đôn hậu, làm việc cần cù chịu khó, dẫu bị đánh chửi thế nào cậu cũng nhẫn chịu được, dẫu việc nặng nhọc thế nào cậu cũng đều nghiêm túc làm tốt. Ông chủ Trương ức hiếp cậu ngày càng thậm tệ, làm việc mấy năm trời nhưng cuối cùng không trả cậu một xu. Mọi người đều cho rằng cậu là một đứa ngốc, và đối xử với cậu như đối xử với thằng ngốc, trêu chọc cậu, nhưng cậu vẫn lặng lẽ nhẫn chịu sự cực nhọc và khổ nhục này.

17 tuổi: Làm công chịu đủ ức hiếp tủi nhục

Năm 17 tuổi, Vũ Huấn đến nhà cử nhân họ Lý. Thời xưa thi đỗ cử nhân rồi mới được tư cách dự thi tiến sĩ, đỗ tiến sĩ thì được triều đình bổ nhiệm làm quan ở tỉnh hoặc huyện ngoài, để tránh quan viên bị hủ bại do có các mối quan hệ thân tình ở địa phương. Vì vậy ở các địa phương, cử nhân là người có học vấn cao nhất, được mọi người rất kính trọng, thậm chí còn được tặng nhà cửa, vật dụng, tài sản nữa. Vì vậy trong con mắt của người dân ở làng quê thì cử nhân là người rất xuất sắc, rất đáng tôn kính.

Vũ Huấn làm công lâu dài cho nhà cử nhân Lý, cũng chịu đủ ức hiếp. Hơn nữa do không biết chữ nên cậu bị lừa bịp nhiều lần. Có lần, chị gái của Vũ Huấn viết thư cho cậu, và nhờ người đưa thư cầm theo mấy xâu tiền gửi cho Vũ Huấn. Cử nhân Lý đem thư đưa cho cậu nhưng lại lấy tiền làm của riêng. Bởi vì cậu không biết chữ, sau này nhờ người đọc thư, cậu tìm cử nhân đòi tiền, thì bị mắng chửi thậm tệ, ông ta không thừa nhận lấy tiền của cậu.

Có lần khi cho lợn ăn, cậu vô ý đánh đổ thức ăn của lợn, bị ông chủ đánh cho một trận no đòn, thương tích khắp thân thể.

Một năm khác vào ngày Giao thừa, Vũ Huấn được chủ nhân giao cho công việc dán câu đối, do cậu không biết chữ nên đã dán đảo ngược hai vế đối. Cử nhân Lý tức giận lắm liền đánh cậu một trận nên thân, và không cho ăn cơm tối. Bữa ăn tất niên ngon lành nhất, không khí vui vẻ đầm ấm nhất nhưng cậu lại không được ăn, còn không được ngủ, bị phạt đứng ngoài sân cả đêm.

Một năm, mẹ Vũ Huấn bị trọng bệnh, cậu muốn tạm ứng chút tiền chi tiêu. Làm công đã được 3 năm rồi, tiền công là 1800 xâu tiền, đại thể đã tạm ứng 4 lần là 300 xâu, còn lại hơn 1500 xâu, nhưng cử nhân Lý lại đem tờ giấy trả tiền ra nói là đã chi trả hết rồi. Câu muốn nói lý lẽ, nhưng không thể nào nói được. Kể từ đó Vũ Huấn càng thêm thấm thía nỗi thống khổ của việc không biết chữ.

Vũ Huấn vô cùng khát khao được đi học. Khi còn rất nhỏ, thấy những đứa trẻ khác được đến trường đọc sách, cậu nói với mẹ rằng muốn đi học, mẹ cậu nói: "Con nhà ăn xin sao đi học nổi".

Một lần, cậu bé Vũ Thất bất giác đến trường học, quỳ trước thầy và nói: "Thưa thầy, con muốn đọc sách".

Thầy đồ với con mắt thế lực, nhìn quần áo lam lũ của Vũ Thất liền biết đây là cậu bé ăn xin, bèn mắng rằng: "Đứa ăn mày ở đâu, đến đây để ăn cắp đồ à? Cút!".

Sau lần chịu nỗi nhục này, Vũ Thất không dám đi gặp thầy đồ nữa.

Sau lần chịu nỗi nhục này, Vũ Thất không dám đi gặp thầy đồ nữa.
Sau lần chịu nỗi nhục này, Vũ Thất không dám đi gặp thầy đồ nữa. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

21 tuổi: Lựa chọn vĩ đại, bước ngoặt cuộc đời

Lần cuối cùng Vũ Huấn chịu tủi nhục khá lớn. Bởi vì làm công đã 3 năm mà không đòi được chút tiền nào, muốn nói lý lẽ nhưng không biết nói ra sao. Người ta còn nói cậu điêu ngoa, vòi tiền của người ta, bởi vì giấy trả tiền đã có rồi, tiền công đã trả hết rồi. Cậu không biết chữ, cũng chẳng biết giấy viết gì. Như thế, cậu bị đuổi ra khỏi nhà cử nhân Lý với hai bàn tay trắng. Vừa tủi nhục, vừa đói rét, cậu vào một ngôi miếu cũ, rồi ngủ mê mệt 3 ngày trời, lúc đó cũng có lòng muốn chết rồi. Sau đó cậu ngẫm nghĩ: "Mình chịu tội khổ cực thế này chỉ vì không biết chữ. Mình nhất định phải làm cho tất cả những đứa trẻ nghèo khổ không được đi học đều được đến trường".

Suy nghĩ này của cậu quả là vĩ đại, cậu chịu tội khổ, nhưng điều cậu mong muốn là không để những người nghèo khổ khác phải chịu tội khổ như cậu, đó chính là tấm lòng của bậc Thánh hiền.

Đời người vốn sinh ra là khổ, và gặp rất nhiều khổ nạn trong cuộc sống. Các Thánh hiền xưa nói: "Trời muốn giao trọng trách cho người nào, thì trước tiên ắt khiến người đó khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt". Trong Tây Du Ký, Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, trải qua 81 nạn rồi mới thành Phật. Những ma nạn này, những thống khổ này là để rèn luyện con người, thành tựu con người. Người có tấm lòng càng bao dung càng rộng lớn thì càng có thể làm được sự nghiệp lớn mà người thường không làm nổi.

Lại nói, thuở xưa có Liêm Pha - là một vị danh tướng của nước Triệu, đã từng lập rất nhiều công lao to lớn. Liêm Pha rất không phục, bất bình khi Lận Tương Như được phong tước cao hơn mình và công khai thách thức Tương Như. Chính vì vậy mà Lận Tương Như thường xuyên tránh mặt Liêm Pha, thậm chí ngay cả trong những buổi thiết triều.

Tùy tùng của Lận Tương Như cho rằng ông nhu nhược và muốn rời bỏ ông. Lận Tương Như biết chuyện bèn nói với họ: “Ta nghĩ rằng nước Tần hùng mạnh nhưng lại không đem binh đánh nước Triệu vì văn thần có ta, võ tướng có Liêm Pha. Nếu như hai hổ tranh đấu tất sẽ có một con bị thương, Tần quốc biết được sẽ nhân cơ hội này mà mang quân đến xâm lược. Quốc gia mất, nếu so với lẽ được mất của cá nhân ta thì còn quan trọng hơn nhiều, do đó ta không nhẫn không được”.

Liêm Pha khi nghe được chuyện này thì vô cùng xấu hổ, nên tự cầm theo roi đến quỳ tạ tội trước Lận Tương Như. Hai người sau đó trở thành bạn tri âm tri kỷ, cùng nhau giúp vua nước Triệu giữ vững giang sơn xã tắc.

Trở lại với Vũ Huấn, bị người ta ức hiếp, chịu bao nhiêu tội khổ, oan ức, ông không tìm cách, nghĩ mưu kế phản kháng, đấu lại với họ, trái lại ông nghĩ:

"Mình nghèo thế này, muốn đi học cũng không đi học nổi, làm thế nào đây? Mình nhất định phải làm cho những trẻ em nghèo đều có thể được đến trường, bất kể thế nào đi nữa, dẫu phải làm trâu ngựa đi chăng nữa, mình cũng phải làm cho trẻ em nghèo được đi học"...

Vũ Huấn bản thân không được đi học, mặc dù khát khao được học hành từ nhỏ. Ông sẵn sàng làm trâu ngựa, không phải vì để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình, mà là để biến những giấc mơ đến trường của hàng trăm hàng ngàn trẻ em nghèo khổ như ông thành hiện thực. Vũ Huấn thật xuất sắc, quá phi thường, phi thường chỉ bởi một niệm khởi lên: Dựng trường nghĩa học.

Năm 1859, Vũ Huấn 21 tuổi, ông bắt đầu làm hành khất để tích lũy tiền, không mưu cầu danh, cũng không mưu cầu lợi, chỉ có một chí hướng to lớn là làm trường nghĩa học. Ông bắt đầu bước lên con đường sinh mệnh hoàn toàn mới, con đường mà ông đi sẽ gặp đầy ức hiếp, khổ cực, tủi nhục. Cuối cùng nó đã biến ông trở thành người vô tư vô ngã. Tuy trải qua rất nhiều khổ nạn, nhưng ông lại sống rất vui vẻ, hạnh phúc, đồng thời đem hạnh phúc trao cho rất nhiều người.

(Còn tiếp)

Thanh Hà

Theo Đồng Hân



BÀI CHỌN LỌC

Vũ Huấn mở trường học: Phần 2 - Tuổi trẻ khổ đau