Vì sao từ xưa tới nay người tài thì nhiều mà người thành công lại ít

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tự cổ chí kim, nuôi dưỡng con cái thành tài, “vọng tử thành long" luôn là nỗi niềm khao khát của mỗi bậc làm cha làm mẹ...

Tuy vậy, nhìn lại chiều dài lịch sử, không khó để bắt gặp những người tài giỏi xuất chúng nhưng lại chẳng có được thành công, vậy nguyên nhân đó là gì? Chúng ta hãy cùng nhau xem lại cuộc đời của hai bậc kỳ tài ngay thủa thiếu thời nhưng lại có kết cục bi thảm được kể ra sau đây:

Lữ Bố

Nói đến nhân tài chúng ta không thể không nhắc đến Lữ Bố, một đại tướng kỳ tài trong thiên hạ thời Tam Quốc phân tranh. Để nói về tài năng của nhân vật lừng danh này, người trong thiên hạ có câu: “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố" (Người có Lữ Bố, ngựa có Xích Thố).

Đối với những ai yêu thích Tam Quốc hẳn không lạ gì trận chiến Hổ Lao Quan. Hoa Hùng khi ấy là một mãnh tướng của Đổng Trác đem quân đánh với 18 lộ chư hầu Quan Đông do Viên Thiệu làm minh chủ vào năm 190. Đây cũng là trận chiến tạo lên tên tuổi của Quan Vũ cũng như làm nên điển cố: “Tam Anh đấu Lữ Bố" lừng danh thiên hạ.

Sau khi các mãnh tướng của 18 lộ chư hầu ra đơn thủ độc đấu với Hoa Hùng đều bị Hoa Hùng đoạt mạng trong vòng chưa đầy một hiệp, Quan Vũ khi ấy mới chỉ là một Mã cung thủ nhưng xin ra ứng chiến. Điều bất ngờ là chưa đầy 3 đao, Quan Vũ đã đoạt mạng Hoa Hùng, uy trấn thiên hạ.

Sau khi Quan Vũ chém Hoa Hùng, quân Đổng Trác thua chạy dài. Đổng Trác đích thân dẫn 15 vạn quân tiến ra bảo vệ Hổ Lao quan, Lữ Bố lĩnh 3 vạn quân ra trước quan ải làm tiền quân còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan.

Một hôm Lữ Bố đem 5000 quân thiết kỵ đánh tan quân tiền bộ của Vương Khuông, sau đó lại liên tiếp đánh bại các danh tướng của quân liên minh như Phương Duyệt, Mục Thuận, Vũ An Quốc… cuối cùng Lữ Bố lại kéo quân đến thách đánh các tướng 18 lộ chư hầu, các tướng chư hầu ai nấy đều khiếp sợ trước sự kiêu dũng của Lữ Bố.

Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp thì thua chạy. Lã Bố thúc ngựa xích thố chạy nhanh như bay, đuổi theo gần kịp thì nghe Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!”. Lữ Bố thấy thế tức bỏ Công Tôn Toản quay ra đánh nhau với Trương Phi.

Trương Phi hăng hái cố đánh Lữ Bố, hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp không phân thắng bại. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao tới cùng đánh. Hai bên đánh nhau được ba mươi hiệp nữa nhưng Trương, Quan vẫn không hạ được Lữ Bố. Lưu Bị bấy giờ thấy vậy cũng cầm song kiếm thúc ngựa chạy vào đánh giúp. Sau một hồi bị ba huynh đệ Lưu, Quan, Trương vây đánh, Lữ Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích, Bị tránh được, Lữ Bố lợi dụng cơ hội đó mở góc vây của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã 8 xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lữ Bố chạy về trên cửa Hổ Lao, ba người theo sau đuổi mãi. Đây chính là điển cố Tam anh chiến Lữ Bố nổi tiếng thiên hạ.

Bức tranh "Tam anh chiến Lữ Bố" được vẽ từ điển cố nổi tiếng thiên hạ.
Bức tranh "Tam anh chiến Lữ Bố" được vẽ từ điển cố nổi tiếng thiên hạ. (Ảnh: Wikipedia).

Mặc dù là một võ tướng sức mạnh vạn người khó tránh nhưng Lữ Bố có tâm địa phản trắc. Ban đầu thứ sử Tinh châu là Đinh Nguyên lĩnh chức Kị đô úy, đóng ở Hà Nội bèn bổ nhiệm Lã Bố làm chủ bạ, luôn coi Lữ Bố là người thân tín. Tuy nhiên sau này lại bị Đổng Trác lấy ngựa Xích Thố mua chuộc nên Lữ Bố đã tạo phản, đoạt mạng Đinh Nguyên. Chưa hết, sau khi về đầu quân cho Đổng Trác, Lữ Bố được Đổng Trác nhận làm nghĩa tử hết mực quý trọng nhưng lại bị Vương Doãn dùng kế mỹ nhân để Lữ Bố tư tình với thiếp của Đổng Trác là Điêu Thuyền. Lữ Bố lại một kích đoạt mạng Đổng Trác để đầu quân cho Vương Doãn. Và cũng kể từ đó, cuộc đời của Lữ Bố luôn không ngừng phiêu bạt, cuối cùng đành phải chết thảm dưới tay Tào Tháo, thân bại danh liệt, uổng phí một đời dũng tướng.

Trần Ích Tắc

Trần Ích Tắc (1254 – 1329) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông nhà Trần nước Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Quốc Vương.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có mô tả như sau:

“Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng (Trần Thái Tông), thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu… gồm 20 người, đều được dùng cho đời… Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật…”

Tuy nhiên, năm 1285, khi 50 vạn quân Nguyên Mông thế mạnh như chẻ tre tiến vào xâm lược và đánh bại nhiều đạo quân của Đại Việt, kinh thành Thăng Long bị thất thủ. Vua tôi Đại Việt phải rời kinh đô. Nhiều quý tộc khác thuộc nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng... và đặc biệt là Trần Ích Tắc đã mang cả gia quyến, cùng một số người khác trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc.

Trước thế lớn mạnh vô song của quân Nguyên thời bấy giờ, Trần Ích Tắc cho rằng nước Đại Việt không cách nào chống đỡ nổi. Để được làm vua nước Nam, ông ta đã bán mình cho giặc,...
Trước thế lớn mạnh vô song của quân Nguyên thời bấy giờ, Trần Ích Tắc cho rằng nước Đại Việt không cách nào chống đỡ nổi. Để được làm vua nước Nam, ông ta đã bán mình cho giặc,... (Ảnh: Shutterstock).

Có lẽ Trần Ích Tắc cho rằng, quân Nguyên mạnh thế quét khắp châu Á, một nửa châu Âu, chắc chắn Đại Việt sớm muộn cũng thua trận, vua tôi nhà Trần đều sẽ thành tù binh cả. Việc ông ta sớm ra hàng là một “nước cờ khôn ngoan”, bởi khi đó ông ta sẽ là người duy nhất có thể ngồi lên ngôi báu. Ông càng tin vào điều đó khi vừa hàng giặc đã được tướng giặc hứa sẽ tâu với hoàng đế nhà Nguyên cho làm An Nam quốc vương. Nhưng cổ nhân có câu: “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”, Trần Ích Tắc hoàn toàn không thể nào ngờ nổi chỉ mấy tháng sau khi ông ta hàng giặc, đại quân Nguyên Mông đã bị đánh tan tác, Thoát Hoan phải tháo chạy về nước. Trần Ích Tắc trở thành kẻ “bán nước cầu vinh”. Mặc dù sau này được làm quan cho nhà Nguyên, ông vẫn thường viết nhiều bài thơ mô tả lòng da diết nhớ quê hương đất nước:

Bao năm xa nước khói mây mờ,
Mình gởi nhung yên tạm viếng nhà.
Lớp lớp lâu đài trơ bóng nguyệt,
Hàng hàng châu thúy cách phương xa…

(Trở Về Nhà – Trần Ích Tắc)

Để rồi cuối cùng người đời không ai còn nhớ đến ông như một tài năng xuất chúng, tinh thông kim cổ nữa mà chỉ còn nhắc đến một Trần Ích Tắc tham lam bán nước cầu vinh.

Tư Mã Quang là một nhà sử học lỗi lạc bậc nhất thời Bắc Tống căn cứ theo quan hệ giữa đức với tài chia con người ra làm 4 loại: Một là người có cả đức lẫn tài toàn vẹn thì đó là bậc thánh nhân; Hai là người mà đức tài đều kém thì đó là người ngu dốt; Ba là, người có đức trên tài thì đó là người quân tử; Bốn là người mà có tài hơn đức thì đó là kẻ tiểu nhân. Về cách dùng người, ông cũng nói: “Tốt nhất là lựa chọn thánh nhân, sau đó là quân tử, nếu như đều chẳng có, thì thà chọn người ngu dốt còn hơn chọn tiểu nhân. Bởi vì có tài mà vô đức là loại người nguy hiểm nhất, so với loại người không tài không đức thì còn tồi tệ hơn.”

Có câu: “Đường không sợ xa, chỉ sợ nhầm", đường xa đi rồi ắt sẽ đến, đường nhầm đi mãi cũng bằng không. Và đường đời của chúng ta cũng lại như thế, làm người có câu: “Cách cư xử tạo nên nhân cách người đàn ông”, nhân cách tạo lên số phận, tài năng chỉ là phương tiện. Làm người muốn thành công, trước tiên phải thành nhân, muốn có tài trước tiên phải có đức. Đức phúc đủ nhiều tiền tài không cầu cũng tự có, địa vị không mong ắt cũng tự về.

Cổ Phong



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao từ xưa tới nay người tài thì nhiều mà người thành công lại ít