Vì sao Phật Đà sau khi chuyển thế, bỗng nhiên trầm mặc ít nói? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: "Họa từ miệng mà ra, một lời không thận trọng, chiêu mời vô lượng khổ". Vậy nên chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, phải cẩn thận về lời nói. Khẩu nghiệp như núi, thật là đáng sợ! trong mười nghiệp ác, khẩu ác nghiệp chiếm đến 4 loại. Đức Phật từng nói: "Người tạo khẩu nghiệp, sau này phải chịu thảm khổ cắt lưỡi dưới Địa Ngục." Do vậy, vì khẩu nghiệp có thể không thận trọng sao?

Có bài thơ rằng: "Lời nói chính là Nhân tội lỗi dẫn đến khổ Quả, nên ngậm miệng như câm, như người gỗ. Ác độc là mầm tai hoạ, hiểu được những điều này thì những thứ chẳng lành sẽ rời xa thân ta".

Hiểu rõ cội nguồn kiếp trước, Thái tử lặng im như tượng

Đức thế tôn Thích Ca Mâu Ni, khi tu hành đạo Bồ Đề trong quá khứ, đã từng là Thái tử Mộ Phách của Bà Na Nại Quốc, Ấn Độ. Thái tử tướng mạo đoan chính, thế gian ít thấy. Khi sinh ra đã có công năng túc mệnh thông (thấy rõ các kiếp sống trong quá khứ, tương lai), đối với những sự tình trong vô số kiếp của mình, nào thiện ác, thọ yểu, tốt xấu, đều thấy rõ.

Do vậy, Thái tử rất sợ ác báo, nên rất mực ít nói. Năm Thái tử 13 tuổi, bỗng nhiên Thái tử ngậm miệng không nói năng, như điếc, như mù, như câm, trông giống tượng gỗ, người đất.

Quốc vương chỉ có một mình Thái tử, lại được quốc dân kính mến, không lâu nữa sẽ kế tục ngôi vị, nhưng Thái tử vẫn cứ điềm đạm chân chất, tựa như chẳng để ý đói rét, không khác gì cây khô. Tuy có tai có mắt, nhưng chẳng nghe chẳng nhìn; tuy nghe nói là có trí huệ, nhưng nhìn giống người không có não bộ; trông tựa kẻ mù, người điếc, chẳng biết phương hướng; như một kẻ ngu si, khác hẳn người thường. Quốc vương thấy vậy, hết sức ưu sầu, lo rằng các nước lân bang cười nhạo, coi thường, nên cho gọi các Bà La Môn đến.

Quốc vương ngộ nhận: con là mầm họa, nguy quốc diệt tông

Quốc vương hỏi: "Đứa trẻ này vì sao không nói được?”

Các người Bà la Môn đáp: "Thái tử tuy bên ngoài tướng mạo đoan chính, nhưng có lẽ nội tâm có chứa thứ xấu xa, muốn hại phụ mẫu, nguy hại quốc gia, hủy tông diệt tộc, hậu quả nghiêm trọng này không lâu nữa sẽ thành hiện thực, Đại vương không sinh được thêm con trai, chính do ác tử này ảnh hưởng. Đại vương nên đem chôn sống, như vậy mới có thể bảo quốc tồn tông, lại sinh thêm quý tử. Bằng không, Đại vương và quốc gia sẽ rất nguy hiểm!”

Quốc vương nghe lời sàm tấu, cho là sự việc là thực. Nên trong lòng sầu khổ, đứng ngồi không yên, không gần nữ sắc, chẳng thèm đồ ngon, âm nhạc không màng. Sau đó quốc vương triệu tập nguyên lão đại thần cùng bàn bạc. Có một lão thần chủ trương mang Thái tử bỏ vào rừng sâu, có vị bảo quẳng xuống sông, cuối cùng một vị đại thần nói: "Đào một cái hầm sâu, đem Thái tử vào đó, để Thái tử chết dần. Bên cạnh làm một gian phòng cho 5 nô lệ canh chừng, cấp lương thực cho họ".

Quốc vương đồng ý với chủ trương của vị này.

Thái tử thấy Quốc vương bị ngu muội mê hoặc, lòng thấy thương xót. Mẫu hậu tuy yêu thương con, cũng chỉ biết than thầm: "Con ta mệnh bạc, nên mới gặp tai họa này!”.

Bà khóc mãi không thôi, nhưng chẳng có cách gì cứu vãn, đành mang y phục của Thái tử, châu báu, vòng ngọc, cho vào rương mang cho Thái tử. Ngoài ra, còn lựa chọn 5 cung nhân thiện lương, dặn dò họ chăm sóc chu đáo cho Thái tử.

Mộ Phách suy ngẫm, khôi phục ngôn từ, giảng giải cho thế nhân.

Quốc vương cho xe mang Thái tử ra ngoài thành, nơi hoang dã. Các nô lệ đào hầm, chưa hoàn thành, Thái tử Mộ Phách ngồi trên xe, trầm tư suy ngẫm: "Phụ vương và Mẫu hậu đều cho ta là kẻ ngốc lại câm, ta sở dĩ không nói năng, là để thoát ly thế tục, độc tự an thân, xa rời khổ não, điều dưỡng tâm niệm. Nay lại bị đám người cuồng vọng xuyên tạc hãm hại, sẽ mất đi sinh mệnh, lại làm cho người khác bị tội nghiệp, nếu ta không chính lại việc này, sẽ làm nguy hại tới nhiều người.”

Nghĩ tới đây, Thái tử liền mang vòng ngọc, châu báu rời đi. Các nô lệ đang đào hầm không hề hay biết.

Thái tử tới bên sông, tắm gội tịnh thân, xức hương thơm, mặc y phục, đeo vòng ngọc, quay lại chỗ nô lệ đang đào hầm, hỏi: "Các vị đào hầm làm gì vậy?”

Họ đáp: "Quốc vương có một Thái tử, tên gọi Mộ Phách, vừa câm, vừa điếc, vừa ngốc nghếch, đã 13 tuổi vẫn chưa biết nói năng. Chúng tôi đào hầm để nhốt cậu ấy vào đây.”

Thái tử nói: "Ta chính là Mộ Phách đây.”

Các nô lệ hoảng sợ, không tin, chạy tới bên xe nhìn, thì không thấy người đâu. Họ quay lại , cẩn thận quan sát Thái tử, cảm thấy cậu nói chuyện không như người thường, thế gian hiếm gặp; chúng sinh qua lại bên đường cũng thấy chấn động, nhẹ chân dừng bước, người đang ngồi cũng bất giác đứng lên, chim bay thú chạy cũng tụ tập cả lại, quỳ xuống trước Thái tử, nghe Thái tử nói chuyện.

Thái tử lại nói: "Các vị hãy nhìn chân tay ta, tướng mạo ta, sao có thể bị mê hoặc bởi những lời dối trá mà tin rằng, ta vẻ ngoài đoan chính, trong chứa toàn xấu xa, muốn hại phụ mẫu, nguy quốc diệt tông, do vậy mà muốn chôn sống ta?!"

Thái tử nói lời, thấu tình đạt lý, mọi người sợ hãi, dập đầu hành lễ, khẩn cầu tha tội.

Thái tử nói: "Ta nay đã bị vứt bỏ, không tiện quay về."

Các nô lệ vội vàng chạy về cấp báo Quốc vương. Quốc vương nghe tin, vừa thương vừa mừng, lập tức cùng Vương hậu mang xe nghênh đón.

照片为国立故宫展示的佛陀雕像。

Bức tượng Phật Đà tại Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Ảnh: Yi-Hsin Lu/ Visiontimes)

Thái tử sợ "Khẩu nghiệp tội”, ngậm miệng không nói

Quốc vương chưa tới nơi, Thái tử tự niệm: "Hôm nay đã thoát khỏi ràng buộc của vương cung, cũng là dịp từ đây nhất tâm học Đạo.”

Lúc sau, Quốc vương cùng mẫu hậu hậu tới nơi, từ xa nhìn thấy Thái tử ngay ngắn tĩnh tọa dưới gốc cây. Mộ Phách thấy phụ mẫu đích thân đến, vội đứng dậy cung kính hành lễ. Quốc vương và Mẫu hậu thấy Thái tử cử chỉ an hòa, lời nói văn nhã, bất giác lòng vui khó thốt, hoan hỉ vô cùng. Quốc vương nghe âm thanh khi Thái tử nói, thần uy chấn động Thiên Địa, không ai sánh được, rất đỗi vui mừng, kéo tay Mộ Phách, muốn đưa cậu hồi cung, thống trị quốc gia, còn mình thì thoái vị.

Mộ Phách lùi tránh vài bước chân, chắp tay nói: "Không thể. Con sợ khổ nơi Địa Ngục, thực sự rất nhiều! Đời trước con đã từng là Quốc vương, tên gọi Thuận Niệm, dùng chính pháp trị lý quốc gia, nêu cao gương thiện. Tại vị 25 năm, không dùng đến đòn roi, không rèn đao kiếm, lao ngục cũng không, đại thi nhân ái, nhân đức mọi nơi, cứu bần tế khốn, không hề keo kiệt. Tuy có nhiều hạnh Thiện như vậy, con vẫn phạm một số tội, kết quả bị đọa nhập Địa Ngục, chịu khổ hơn 6 vạn năm, bị nước bỏng dầu sôi, lóc da xẻ thịt, tàn khốc cực hình, không thể chịu đựng, muốn sống không được, cầu chết cũng không xong. Khi con đang chịu khổ, thì cha mẹ đang sống trong hoan lạc, quyền thế phú quý, sao biết được con đang chịu thống khổ cực hình nơi Địa Ngục?! sao có thể gánh bớt cho con chút khổ nơi đây?!”

Mộ Phách nói tiếp: "Con phải chịu tội đó, là do khi trước làm Quốc vương, thống trị các tiểu quốc, tự thân quá ư nhân từ, pháp lệnh không nghiêm. Nên bị quốc vương tiểu quốc coi thường. Bọn họ thương nghị nói, đại vương hiện nay nhân từ yếu nhược, uy đức không đủ để trị lý đại quốc, vậy chúng ta công đánh, phế trừ vương vị. Thế là họ xuất binh đến đánh. Lúc này, Quốc vương đem vàng bạc, tài vật cho họ, lại còn dùng cao quan lộc hậu vỗ về, nên họ tự rút lui. Không lâu sau, các tiểu quốc lại đến đánh, mà không chỉ một lần. Quần thần nói với Đại vương: ‘Mấy nước nhỏ này ngu muội, không thể giảng đạo lý, thường làm phản, xâm phạm nước ta, dân chúng lo sợ, phòng bị không bằng đánh đuổi chúng, thì mới tiêu trừ được hậu họa.’ Quốc vương nói: ‘là phụ mẫu của dân, chủ yếu dựa vào nhân từ mà cảm hóa. Bọn họ như con trẻ, cần thương xót kẻ vô tri, dần dần khuyên bảo, không đành ra tay.’ Đại vương thương vật tiếc mạng, vĩnh viễn không dùng vũ lực thảo phạt.

Nhưng văn võ bách quan không nhẫn chịu được sự khinh nhờn của tiểu quốc, nên cứ xuất binh đánh, tàn sát dân chúng các nước nhỏ. Đại vương tuôn lệ như mưa, để tang dân chúng tử vong như con của mình, vô cùng thương xót. Các quốc vương tiểu quốc trông thấy Đại vương từ tâm như vậy, bèn tới hàng phục. Thế là, Đại vương mở tiệc lớn, phòng bếp chuẩn bị trước cho Đại vương xem, cần thịt nhiều bò dê lục súc, để làm món. Đại vương tâm tuy từ bi, nhưng để làm tiệc lớn nên đành chấp thuận.

Chính vì điều này mà tạo tội nghiệp, chịu thống khổ nơi Địa Ngục.”

Nhắc đến quá khứ, Mộ Phách nói tiếp: "Mỗi lần con nhớ tới việc này, trong tâm còn run rẩy, toát mồ hôi lạnh, hồi ức về kiếp sống trước, những điều đã nếm trải, như thiện ác, an nguy, thành bại…rất sợ phải gặp lại.

Vậy nên, con kiếp này muốn trầm mặc không nói, tránh bị bẩn dơ, rời xa cõi trần lao khổ, vĩnh biệt thế tục, không bị khổ nạn. Nhưng con vừa suy nghĩ lại, nếu cứ tiếp tục không nói, để phụ vương chôn sống, e phụ vương sau này lại bị tai ương, do tội nghiệp này mà bị đả nhập Địa Ngục, không biết ngày nào ra. Con không cam để phụ vương tạo nghiệp, nên mới nói. Con đã trụ vững một niệm: Không làm Quốc vương, sự đời nhân thế trôi như mộng, vui ít buồn nhiều, phiền não đa đoan. Do vậy, bậc có trí huệ cho rằng, những thứ như quốc gia, tài vật, yêu ghét đều là đồ dẫn tới khổ mệt, các chủng dục niệm đều là lao khổ cõi trần. Nếu con làm Quốc vương, rất dễ kiêu mạn phóng túng, tham cầu khoái lạc, sách nhiễu nhân dân, trở thành cái họa cho quốc gia. Nay con muốn xả bỏ những thứ này, quay về nơi nguồn cội, giải cứu những chúng sinh chưa đắc độ. Nhân sinh như bèo nổi, mây trôi, không có gì mà dựa. Chỉ có không tham phú quý, chẳng tiếc tài vật, vứt bỏ vinh hoa nơi thế tục, lòng hướng đại Đạo, thoát khỏi trần ai.”

Phụ vương nghe xong, nói: "Con là người có trí huệ, không thể như vậy mà rời xa cha mẹ được.”

Mộ Phách nói: "Thiên hạ đâu có thứ gì là phụ tử, lúc trước chẳng phải là cạnh tranh, đem vứt con đi, làm cốt nhục phân ly, nay lại khổ sở đưa con về cung, toàn là phiền não, việc này sai rồi!”

Phụ vương thấy con ý chí kiên định, lòng ôm thất vọng, không biết trả lời sao, bèn nói: "Cứ theo lời con, kiếp trước khi làm Quốc vương, làm toàn điều thiện, chỉ có mắc chút lỗi nhỏ, mà phải chịu tội báo thống khổ nơi Địa Ngục. Nay ta trị lý quốc sự, không hành chính pháp, chẳng chút thiện nhỏ, lại có tội ác, có phải là càng nguy hiểm, tội báo khó thoát không?”

Thế là, Quốc vương cho Thái tử đi học Đạo. Thái tử vứt bỏ Quốc gia, Vương vị, không màng thế sự, một lòng chuyên cần, học Đạo tu đức, công đức tích lũy tăng hàng ngày.

Vậy nên có thơ rằng:

Họa ra từ miệng, nghiệp như núi
Một lời bất cẩn, chịu khổ đau
Kêu cứu ai nghe, chết không nổi
Tim run mật vỡ, sợ bồi hoàn

Thái Bình
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Phật Đà sau khi chuyển thế, bỗng nhiên trầm mặc ít nói? [Radio]