Vì sao nói 'vô thương bất gian' khiến các thương nhân vô cùng hổ thẹn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do đạo đức suy đồi và nhân tâm không còn thuần phác, mưu cầu và theo đuổi danh lợi đã trở thành mục tiêu chính của đời người, dưới nền tảng của xã hội này, nhiều thương gia cũng vì sự thúc đẩy của món lợi khổng lồ mà hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường, họ cũng tìm mọi cách để khai thác các kẽ hở của pháp luật nhằm trốn thuế, lậu thuế.

Ngày nay, khi nói đến thương nhân, người ta thường đánh giá là "vô thương bất gian" và "vô gian bất thương", và các thương nhân dường như đều là người gian trá, không gian trá thì không làm thương nhân được. Rất nhiều người cho rằng đây là hiện tượng có từ thời xa xưa, thực ra đây không phải là hiện tượng tồn tại từ xa xưa, đó chỉ là ấn tượng dần dần sản sinh ra sau khi “cải cách và mở cửa". Thực tế, khi đánh giá thương nhân, trước tiên chúng ta phải biết rằng: “Vô thương bất tiêm” (không thương nhân nào mà không ‘có ngọn’) và “Vô tiêm bất thương” (Không ‘có ngọn’ thì không làm được thương nhân), đó mới là đúng. Còn nói đến thương nhân nhân thành đạt trong lịch sử thì không thể bỏ qua ba nhân vật là Tử Cống, Bạch Khuê và Kiều Trí Dung

Do đạo đức suy đồi và nhân tâm không còn thuần phác, mưu cầu và theo đuổi danh lợi đã trở thành mục tiêu chính của đời người, dưới nền tảng của xã hội này, nhiều thương gia cũng vì sự thúc đẩy của món lợi khổng lồ mà hàng giả, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường, họ cũng tìm mọi cách để khai thác các kẽ hở của pháp luật nhằm trốn thuế, lậu thuế.

Người dân hết lần này tới lần khác trở thành nạn nhân của những thương gia có lòng dạ đen tối, đã vô cùng tức giận. Sau đó, việc truyền thông và các nhà văn cố ý dẫn dắt sai lệch khiến người dân dần chấp nhận cách nói “vô thương bất gian” và “vô gian bất thương”, và không hề hiểu về hàm nghĩa chân thực của “vô thương bất tiêm” và “vô tiêm bất thương” cổ đại. Lâu dần, thậm chí người ta còn cho rằng các thương nhân từ xưa vốn đã như thế.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ ‘tiêm’ (尖) và ‘gian’(奸) trong ‘vô thương bất tiêm’ và ‘vô tiêm bất thương’ là từ đồng âm (âm tiếng Hoa đều đọc là jian) nhưng lại có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người xưa bán lương thực dùng vật chứa như cái đấu và thăng để ước lượng. Cái đấu là vật hình phễu, cái thăng là vật hình trụ. Cho nên, có cách nói ‘thăng đấu tiểu dân”.

Khi cân gạo, người bán sẽ dùng loại như thước gỗ để san phẳng số gạo nhô lên trong thăng đẩu, nói chung là vừa đủ phẳng là được, không hơn, không kém. Nếu không có gì để san, người bán sẽ dùng lòng bàn tay để san. Một số lái buôn tốt bụng, hơi cong mu bàn tay lên thì gạo trong vật đựng sẽ nhô cao hơn (có ngọn), và phần gạo nhiều hơn một chút để người mua có lợi hơn một chút. Đây chính là hàm nghĩa của "vô tiêm bất thương" và “vô thương bất tiêm”.

Gạo, Thực Phẩm, Ăn Được, Ăn, Dinh Dưỡng, Trắng
Một số lái buôn tốt bụng, hơi cong mu bàn tay lên thì gạo trong vật đựng sẽ nhô cao hơn (có ngọn), và phần gạo nhiều hơn một chút để người mua có lợi hơn một chút. (Ảnh: Pixabay)

Nói rộng ra là đến tiệm vải mua vải, "đủ thước thêm 3 tấc", đong dầu đong rượu đều có chút cho thêm, đều là thể hiện của ‘vô thương bất tiêm”. Và thương nhân hay đong cho người mua ‘có ngọn’ chắc chắn là một thương nhân tốt, phúc hậu, thành tín. Hành vi đem lợi cho khách “vô thương bất tiêm” là quy tắc vàng mà các thương gia thời xưa tuân thủ trong kinh doanh, và đó cũng là bí quyết thành công của họ. Mặc dù, trong thời cổ đại, có những thương nhân bất hợp pháp, nhưng họ không phải là xu thế chủ đạo. Trong suốt các triều đại, đã có rất nhiều thương nhân trung thực, đáng tin cậy và tốt bụng.

Tử Cống, người sáng lập Nho thương, kinh doanh thể hiện rõ học thuyết của Khổng Tử

Tử Cống là một trong 72 đệ tử nổi tiếng nhất của Khổng Tử và là ông tổ của Nho Thương Trung Quốc. Ông là người độ lượng, thẳng thắn, nhân hậu, rất thích làm việc thiện. Ông theo học với Khổng Tử năm 25 tuổi và hiểu biết rất sâu sắc về tư tưởng Nho gia cốt lõi “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Khổng Tử.

Sau khi học xong, Tử Cống từng làm quan và sau đó chuyển sang làm kinh doanh. Khổng Tử cho rằng “lợi giả, nghĩa chi hợp dã”, tức là “lợi” được Nho giáo nhấn mạnh là sự thống nhất cao độ của lợi ích bản thân, lợi ích nhóm và xã hội. Tử Cống sử dụng tư tưởng Nho gia để chỉ đạo bản thân trong các hoạt động thương nghiệp, không bao giờ vì lợi bản thân làm tổn hại người khác, và kiên trì giữ vững "nhân, lễ nghĩa, trí, tín" trong kinh doanh. Kết quả là công việc kinh doanh của Tử Cống đã gặt hái được nhiều thành công.

Về phương diện kinh doanh cụ thể, Tử Cống có một tài năng phi thường. Ông biết cách luôn đạt được lợi nhuận qua sự thay đổi và điều kiện cung cầu thị trường khác nhau, vì vậy Khổng Tử nhận xét rằng ông là người giỏi dự đoán thị trường và dự báo khá chính xác. Lập luận kinh doanh của ông là: Nếu bạn có ngọc bích đẹp trong tủ, bạn nên đợi giá tốt rồi bán, chứ không nên cất giữ nó mãi mãi. Ông cũng cho rằng giá cả hàng hóa phụ thuộc vào mối quan hệ giữa cung và cầu, và đưa ra lý luận “hàng hóa khan hiếm là quý giá”.

Sau khi thu được lợi nhuận khổng lồ, Tử Cống còn giúp đỡ người dân một cách rộng rãi, hiện thực hóa lý tưởng giúp đời của Nho gia, đồng thời tuyên dương tư tưởng Nho gia. Vì tài năng đặc biệt trong kinh doanh, nên sau này ông được gọi là thủy tổ Nho Thương Trung Quốc.

Thương Thánh Bạch Khuê tầm nhìn kinh doanh cao, coi trọng thuật nhân nghĩa, đắc được nhân tâm

Vào thời Chiến Quốc, xuất hiện một doanh nhân lớn tên là Bạch Khuê. Ông từng là thừa tướng của nước Ngụy, và thể hiện tài năng trị thủy của mình để giải trừ lũ lụt sông Hoàng Hà ở kinh đô nước Ngụy. Sau đó, ông từ bỏ chính trị và dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh, lập được rất nhiều thành tựu.

Hướng kinh doanh của Bạch Khuê chủ yếu dựa vào buôn bán nông sản, nguyên liệu và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nông thôn số lượng lớn. Trong "Sử ký - Hóa thực liệt truyện” cho biết, Bạch Khuê thích quan sát những thay đổi về giá cả, mùa màng được mất của nông sản và sản phẩm phụ, và ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nếu năm đó có một vụ mùa bội thu và năm sắp tới dự đoán hạn hán nghiêm trọng, thì năm ông đó sẽ thu mua một lượng lớn ngũ cốc. Khi hàng hóa dư thừa và bán giá thấp thì ông thu mua, khi hàng hóa không đủ cầu thì ông bán chúng. "Mua khi rẻ, tuy mua đắt cũng đã rẻ; mua khi đắt, dù mua rẻ cũng đã đắt".

Ảnh: Miền công cộng

Về nguyên tắc kinh doanh, ông Bạch Khuê theo đuổi tôn chỉ “người ta bỏ mình lấy, người khác lấy mình cho”. Có nghĩa là, khi mùa thu hoạch hoặc năm thu hoạch được mùa nông dân bán một lượng lớn ngũ cốc, nên mua ngũ cốc vào đúng thời điểm, sau đó bán những thứ cần thiết của cuộc sống như lụa và đồ sơn mài cho nông dân có kinh tế khá dư dả; và khi trái mùa, giáp vụ kịp thời bán lương thực, đồng thời thu mua những nguyên liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ khó bán.

"Cho" mà Bạch Khuê nói là mang lại lợi ích cho mọi người. Khi một số mặt hàng không bán được, Bạch Khuê mua với giá cao hơn những người khác, khi thị trường thiếu thực phẩm, ông lại bán với giá thấp hơn những người khác. Phương thức kinh doanh của Bạch Khuê không những thu được lợi nhuận khổng lồ, mà còn điều tiết một cách khách quan cung cầu, giá cả hàng hóa, đồng thời bảo vệ lợi ích của nông dân, người làm thủ công và người tiêu dùng nói chung ở một mức độ nhất định. Vì vậy Bạch Khuê gọi đây là "thuật nhân nghĩa".

Bạch Khuê tin rằng là một nhà kinh doanh cần có bốn phẩm chất "thông minh, nhân từ, dũng cảm và sức mạnh". Ông từng nói: “Tôi kinh doanh để làm giàu, giống như Y Doãn và Lã Thượng hoạch định chiến lược và Tôn Tử, Ngô Khởi dụng binh chiến đấu, Thương Ưởng mở rộng cải cách. Vì vậy, nếu trí tuệ của một người không đủ để thích ứng với những thay đổi và dũng khí không đủ để quyết đoán, nhân từ và đức độ không đủ để đưa ra lựa chọn đúng đắn, không đủ mạnh mẽ để thủ vững, dù họ có muốn học hỏi kỹ năng kinh doanh của tôi để làm giàu, nhưng rốt cuộc tôi sẽ không dạy cho họ được”.

Chính vì Bách Khuê có tầm nhìn và phẩm chất như vậy, nên khi kinh doanh, lúc nào ông cũng luôn nghĩ cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao danh tiếng sản phẩm và lợi nhuận của mình. Ví dụ, ông đã cung cấp cho nông dân những hạt giống tốt, không chỉ giúp nông dân tăng sản lượng, mà còn mang lại lợi nhuận và được lòng người dân.

Hành động của Bạch Khuê đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nhân thời bấy giờ và sau này, họ lấy ông làm tấm gương và coi trọng “thuật nhân nghĩa” trong kinh doanh. Vì vậy, người đời gọi Bạch Khuê là “Doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc” hay “Ông tổ doanh nhân Trung Quốc”. Vào năm Cảnh Đức thứ tư, Hoàng đế Tống Chân Tông phong ông là "Thương Thánh", và từ đó dân gian xây miếu cho ông và lập Thần vị để thờ cúng ông.

Ảnh: Miền công cộng

Nhà kinh doanh lớn thời nhà Thanh - Kiều Trí Dung, hễ là tiền trái lương tâm sẽ không kiếm

Các thương nhân vào cuối triều đại nhà Thanh nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt trong đó có ông Kiều Trí Dung là nổi danh nhất. Kiều Trí Dung sinh vào năm Gia Khánh thứ 23 của triều đại nhà Thanh (1818) và mất vào năm Quang Tự thứ 33 (1907). Thuở nhỏ ông thích đọc sách, sau này đỗ tú tài, có tham vọng theo đuổi sự nghiệp học hành. Nhưng số mệnh khó có thể thay đổi, vì lần lượt cả cha và anh trai lần lượt qua đời, ông phải từ bỏ đạo Nho mà đi làm ăn, dấn thân vào con đường kinh doanh.

Dưới sự sắp đặt mưu lược kiệt xuất, túc trí đa mưu của Kiều Trí Dung, công việc kinh doanh của nhà họ Kiều trải rộng khắp các cảng thương mại lớn của đất nước và các bến tàu thủy bộ, và việc kinh doanh phát đạt. Nổi tiếng nhất trong số đó là cửa hàng hối đoái Đại Đức Thông, Đại Đức Hằng. Kiều Trí Dung cũng trở thành một ông trùm kinh doanh vào thời điểm đó.

Thành công của Kiều Trí Dung là ở chỗ ông rất coi trọng “đạo đức” và triết lý kinh doanh của ông là “nhất tín, nhì nghĩa, ba lợi”. Trong các bài diễn thuyết thường ngày của mình, Kiều Trí Dung cũng nhiều lần nhấn mạnh chân lý "mọi người bỏ tôi lấy, tiêu thụ rộng ít lãi, giữ uy tín và không giả dối". Tức là phải lấy lòng khách hàng bằng chữ tín, không lừa gạt người khác bằng quyền lực, càng không được đặt chữ “lợi” lên hàng đầu, kiếm tiền trái lương tâm. Chính vì điều này mà cửa hàng hối đoái của ông Kiều có thể chiếm được lòng tin của người dân và chính phủ trong tình hình xã hội rối ren và rủi ro tín dụng lớn.

Là một người giàu có, Kiều Trí Dung cũng là một thương nhân sẵn sàng làm việc thiện và giúp đỡ người nghèo. Ông không chỉ góp tiền, góp sức giúp đỡ đồng bào trong năm thiên tai mà còn nỗ lực hết mình để giúp đỡ bất cứ ai lúc bình thường gặp khó khăn. Người ta nói rằng gia đình họ Kiều khai lương phát cháo, và cháo phải đặc. Đặc tới mức độ nào? Đặc tới mức dùng khăn bọc vào lại mở ra hạt gạo không bị tan ra; đặc đến mức đổ ra bát, chọc đũa vào đũa không đổ.

Ngoài ra, để giúp đỡ dân làng, gia đình ông Kiều đều buộc ba con trâu ở cửa vào mùa làm ruộng, nhà nào cần đất canh tác thì mang đi và trả lại vào buổi tối. Chính vì những việc làm tốt của gia đình ông Kiều, trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa", những người dân thường không cam lòng ném gạch vào trong khuôn viên gia đình ông vì không ai muốn mang tiếng "vong ân bội nghĩa". Đây cũng là lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy khu dinh thự họ Kiều vẫn còn nguyên vẹn.

Trên thực tế, những tài năng kinh doanh thực sự nhân từ và đề cao “nghĩa lớn hơn lợi” có thể tồn tại lâu dài. Câu chuyện như vậy trong lịch sử Trung Hoa hàng ngàn năm thực sự kể không xuể, cũng đáng cho hậu nhân noi theo học tập. Tin rằng không ít người làm kinh doanh, sau khi đọc những câu chuyện như vậy sẽ trầm tư suy nghĩ, thậm chí cảm thấy xấu hổ vì những hành động phi pháp để thu lợi mà mình đã từng làm!

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói 'vô thương bất gian' khiến các thương nhân vô cùng hổ thẹn?