Vì sao nói 'Tây Du Ký' có thể điều chỉnh thân thể người, điều hòa âm dương?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có học giả cho rằng, thi từ trong "Tây Du Ký" còn có tác dụng điều chỉnh thân thể người, cân bằng âm dương! Chúng ta hãy cùng xem một chút, bài thơ nào mà bạn thích nhất?

Ngay từ chương mở đầu của kiệt tác "Tây Du Ký", Ngô Thừa Ân đã mang theo khí thái hùng hồn, có thể nói về chuyện trên trời, bàn chuyện nhân gian dưới đất, sống động lưu loát, giống như tận mắt nhìn thấy, tự mình chiêm nghiệm, hạ bút thành văn. Tác phẩm này kể về một câu chuyện tu luyện sinh động, giữa các chương hồi khác biệt còn xen kẽ rất nhiều thi từ rực rỡ. Thi từ tinh tế đối nhau hoàn chỉnh, đọc lên rất vần điệu trôi chảy.

Có học giả cho rằng, thi từ trong "Tây Du Ký" còn có tác dụng điều hòa thân thể người, cân bằng âm dương! Chúng ta hãy cùng xem một chút, bài thơ nào mà bạn thích nhất?

1. Hồi thứ nhất

Đua chen danh lợi dập dồn
Thức khuya dậy sớm chẳng còn tự do
Mong tuấn mã khi cưỡi lừa.
Làm quan tể tướng, lại mơ vương hầu.
Mệt nhoài cơm áo tranh nhau.
Chẳng lo quỷ sứ bắt chầu Diêm vương.
Mải mê vun đắp cháu con.
Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm!

(Trích bản dịch của nhóm dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)

Nguyên văn:

“Tranh danh đoạt lợi kỷ thời hưu?
Tảo khởi trì miên bất tự do!
Kỵ trước lư la tư tuấn mã,
Quan cư tể tướng vọng vương hầu.
Chỉ sầu y thực đam lao lục,
Hà phạ Diêm Quân tựu thủ câu?
Kế tử ấm tôn đồ phú quý,
Cánh vô nhất cá khẩn hồi đầu!”

Mỹ Hầu Vương vì muốn tầm tiên học đạo, đi vào Nam Thiệm Bộ Châu. Ngô Thừa Ân thông qua tầm mắt của Hầu Vương, ghi chép lại tâm tình cũng như cuộc sống của chúng sinh nơi Nam Thiệm Bộ Châu, như đã mô tả ở trên.

Bài thơ này chỉ vẻn vẹn mấy câu, đã khắc họa chân dung của chúng sinh trong nhân gian muôn màu. Từ ngàn năm nay, bài thơ này đã chọc thẳng vào "mặt nạ" của nhân thế, người người đều biết danh lợi, phú quý không thể mang theo đi, nhưng vẫn không cam tâm buông bỏ, chính như lời tác giả nói: "Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm?"

Bài thơ này trùng hợp với ý nghĩa của bài "Hảo liễu ca" trong "Hồng Lâu Mộng":

"Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Sao bả công danh vẫn cứ say!
Xưa nay tướng soái nơi nào nhỉ?
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho Thần Tiên hay.
Hám vàng hám bạc một tâm đầy!
Suốt ngày tính toan mong tích cóp,
Lúc đầy nhắm mắt nằm xuôi tay"
(Tham khảo bản dịch của Nhóm Vũ Bội Hoàng - thivien.net)

Ảnh: Miền công cộng

2. Hồi thứ nhất

"Người mà bất tín, thì không biết có thể làm nên việc gì"

Nguyên văn: Nhân chi bất tín, bất chi kỳ khả dã.

Ngộ Không sau khi được sinh ra, cùng một bầy khỉ vô ưu vô lự chơi đùa ở Hoa Quả Sơn.

Bầy khỉ này chơi mệt nhoài, muốn đi đến khe núi tắm rửa. Bầy khỉ muốn tìm hiểu dò xét xem nước ở khe núi bắt nguồn từ đâu. Thế là, cả bầy reo hò, đực cái dắt nhau, anh em ríu rít chạy cả lại, men theo bờ suối bò lên núi. Đến đầu nguồn, chỉ thấy một thác nước trắng xóa: "Thác trong cuồn cuộn đêm ngày, Xa trông nom tựa rèm mây lưng trời".

Có con khỉ đề nghị, ai có thể chui vào tìm ra đầu nguồn mà mình mẩy không xây xát, tất cả sẽ tôn làm vua. Ngộ Không sau khi nghe xong, lập tức bay vào, lại an toàn bay ra, cũng nói một câu: "Người mà bất tín, thì không biết có thể làm nên việc gì".

Câu nói này xuất từ "Luận Ngữ - Vi chính". Nguyên văn là câu nói của Khổng Tử: "Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kỳ hà dĩ hành chi tai?". Ý rằng: Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm nên việc gì. Cũng như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ nối giữa càng xe và ách xe, làm sao dùng để đi đây?

Bầy khỉ rất tín nghĩa, cùng nhau bái khỉ đá làm đại vương, gọi nó là "Mỹ Hầu Vương".

3. Hồi thứ 2

"Trên đời không có việc khó, chỉ sợ người có tâm"

Nguyên văn: Thế thượng vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân.

Ngộ Không hướng Bồ Đề Tổ sư học Đạo, đạt được giác ngộ, cũng học được 72 phép thần thông biến hóa. Hầu Vương do Trời Đất tạo ra, rất có linh tính, rất nhanh học xong khẩu quyết biến hóa.

Không lâu sau, Hầu Vương lại được Tổ sư dạy đằng vân giá vũ. Từ xưa đến nay, Thần Tiên đều có thể "cưỡi mây", "sớm chơi Bắc Hải, chiều ở Thương Ngô". Ngộ Không không hiểu đó là ý tứ gì. Tổ sư nói cho hắn biết, đó chính là trong vòng một ngày liền có thể đi khắp bốn biển, mới được tính là "cưỡi mây". Khi Ngộ Không nói khó, tổ sư lại nói: "Trên đời không có việc khó, chỉ sợ người có tâm".

Khi Ngộ Không khẩn cầu, Tổ sư dạy cho hắn thuật khống chế Cân Đẩu Vân, thân thể lắc một cái, nhảy bật lên, một cái bổ nhào đã cách xa vạn dặm. Việc này đặt nền tảng cho Ngộ Không hàng ma diệt yêu sau này.

Ảnh: Miền công cộng

4. Hồi thứ 7

Phú quý công danh,
Số duyên đã định
Chính đại quang minh
Lọc lừa nên tránh
Phúc quả dành cho người lương thiện,
Hành vi cuồng vọng Trời tha đâu,
Nhãn tiền chưa gặp, gặp mai sau,
Hỏi Đông quân vì sao,
Mà nay nhiều tai ách?
Chỉ tại kiêu căng khinh trời đất,
Dưới trên bất kể loạn cương thường
(Bản dịch của nhóm dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)

Nguyên văn:

Phú quý công danh,
Tiền duyên phân định,
Vi nhân thiết mạc khi tâm.
Chính đại quang minh,
Trung lương thiện quả di thâm.
Ta ta cuồng vọng thiên gia khiển,
Nhãn tiền bất ngộ đãi thì lâm.
Vấn đông quân nhân thậm,
Như kim họa hại tương xâm.
Chỉ vị tâm cao đồ võng cực,
Bất phân thượng hạ loạn quy châm.

Đây là bài thơ mở đầu Hồi thứ 7 của "Tây Du Ký", dùng thi từ cô động để tổng kết, mang đến cái nhìn sâu sắc về quá khứ và nhân quả của Ngộ Không. Ngộ Không đại náo Thiên Cung, bài thơ giải thích là bởi vì cái tâm "cuồng vọng", "kiêu căng", không biết phân biệt rõ ràng trên dưới, làm loạn trận tự giữa trời đất, cho nên bị Trời trừng phạt, bị Như Lai nhốt dưới Ngũ Hành Sơn.

"Đông Quân" trong bài thơ, là chỉ Thái Dương Thần trong truyền thuyết thần thoại. Trong bài thơ "Cửu Ca - Đông Quân" của Khuất Nguyên, ca ngợi chính Thần Đông Quân, tụng tán Thái Dương Thần uy nghiêm, thần võ, tôn quý.

"Võng cực" là chỉ không có biên giới, vô bờ bến, dùng để mô tả cái tâm cuồng vọng nghịch thiên phản đạo, không có giới hạn của Ngộ Không.

5. Hồi thứ 8

Lòng người sinh một niệm
Trời Đất biết rõ ràng
Thiện ác mà không báo
Càn khôn ắt vị tư

Nguyên văn

"Nhân tâm sinh nhất niệm,
Thiên địa tận giai tri.
Thiện ác nhược vô báo,
Càn khôn tất hữu tư"

Trong câu chuyện Tây Du, Như Lai nói, Nam Thiệm Bộ Châu là nơi miệng lưỡi hung ác, là biển dữ thị phi, con người tham dâm vui mừng trước tai họa người khác, giết chóc nhiều tranh đấu nhiều. Để khuyên con người hành thiện, cần phải truyền chân kinh cho họ. Thế là Bồ Tát phụng mệnh Pháp chỉ của Như Lai đi Đông Thổ, tìm một người đi thỉnh kinh.

Ngày xưa, Ngộ Không bởi vì đại náo thiên cung mà phải chịu trừng phạt bị đè dưới núi 500 năm. Bồ Tát gặp được Ngộ Không ở Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không hi vọng Bồ Tát cứu mình thoát ra ngoài.

Bồ Tát nói: "Nghiệp chướng nhà ngươi còn nặng lắm. Chỉ sợ cứu cho nhà ngươi ra, nhà ngươi lại gây họa, thành ra lại làm một điều ác".

Đại Thánh nói: "Tôi biết hối lỗi rồi. Mong Bồ tát mở lòng từ bi, mở đường đi, tôi xin dốc lòng tu hành".

Bồ Tát nghe xong thì lấy làm mừng cho Ngộ Không.

Tiểu thuyết đã sử dụng bài thơ này để tụng tán Ngộ Không quyết tâm sửa sai hướng thiện, lòng sinh một niệm tu luyện, chấn động thiên địa chúng Thần. Về sau Ngộ Không bảo vệ Đường Tăng đi thỉnh kinh, thiên địa chúng Thần đã tận lực tương trợ Ngộ Không hàng yêu trừ ma.

Ảnh: Miền công cộng

6. Hồi thứ 8

“Nói ra một lời thiện thì ngoài nghìn dặm cũng cảm ứng theo. Nói ra một lời ác, thì ngoài nghìn dặm cũng chống lại”

Nguyên văn: Xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý chi ngoại ứng chi; xuất kỳ ngôn bất thiện, tắc thiên lý chi ngoại vi chi.

Bồ Tát nghe thấy Ngộ Không nói mình sẽ cam nguyện tu hành, trong lòng có chút vui mừng, thế là dẫn thuật câu nói này. Những lời này là có nguồn gốc từ "Chu Dịch - Hệ từ thượng".

Khổng Tử nói: "Tử viết: 'quân tử cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn, thiện tắc thiên lý chi ngoại ứng chi, huống kỳ nhĩ giả hồ, cư kỳ thất, xuất kỳ ngôn bất thiện, tắc thiên lý chi ngoại vi chi, huống kỳ nhĩ giả hồ'". Ý rằng, quân tử ở trong phòng, miệng nói lời thiện, người ở ngoài ngàn dặm cũng đều sẽ cảm ứng được cái thiện này, huống chi là ở chỗ gần đây này! Quân tử ở trong phòng, miệng nói lời bất thiện, người ở ngoài ngàn dặm đều sẽ cảm ứng được cái tâm bất thiện, đều sẽ bài xích hắn, huống chi là ở chỗ gần đây này!

7. Hồi thứ 11

"Người đời chớ có dối lừa nhau
Sáng suốt quỷ Thần giấu dễ đâu
Lành dữ cuối cùng đều báo ứng
Rành rành chẳng trước ắt là sau".
(Bản dịch của nhóm dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)

Nguyên văn:

"Nhân sinh khước mạc bả tâm khi,
Thần quỷ chiêu chương phóng quá thùy?
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chích tranh lai tảo dữ lai trì".

Đường Thái Tông du hành xuống Địa Phủ, trước lúc hoàn dương, Thôi Phán quan dẫn Thái Tông xuyên qua mười tám tầng Địa Ngục xa xôi hẻo lánh. Thôi Phán quan nói rằng, người tại dương gian làm ác, ví như bất trung bất hiếu, chà đạp ngũ cốc, ngấm ngầm lừa gạt, gian trộm lừa dối, dâm tà..., sau khi chết sẽ rơi vào mười tám tầng Địa Ngục, căn cứ tội nghiệt lớn nhỏ, chịu nhận hình phạt tương ứng. Thôi Phán quan nói xong xuôi, ngâm vịnh bài thơ này, khuyên con người hành việc, chớ có mất hết lương tri.

Lý Tuệ
Theo Đỗ Nhược - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói 'Tây Du Ký' có thể điều chỉnh thân thể người, điều hòa âm dương?