Vì sao danh tướng thời Đông Hán - Đặng Vũ xem tướng cho 13 con trai đều ứng nghiệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đặng Vũ xem khí biết người, đánh giá khí độ, xem xét tài trí đoán biết phẩm hạnh của con người là có thể phân biệt được đâu là vàng ngọc đâu là sỏi đá. Xem tướng có thể nhìn ra vận mệnh tương lai của một người, cũng có nghĩa là đời người là có quỹ đạo vận mệnh...

Danh tướng thời Đông Hán - Đặng Vũ, tên chữ là Trọng Hoa (2 - 58), phò tá Hán Quang Đế kiến lập triều Đông Hán. Năm Vĩnh Bình thứ 3 đời Đông Hán (năm 60), ở lầu Nam Quan Vân Đài, Hán Minh Đế lệnh cho họa sĩ vẽ chân dung 28 danh tướng, gọi là Vân Đài Nhị Thập Bát Tướng. Sách Hậu Hán Thư của Phạm Diệp đã viết truyện về 28 danh tướng này, họ là những danh tướng không phải tông thất, cũng không phải ngoại thích nhưng đã lập được chiến công nổi bật nhất trong quá trình phò tá Hán Quang Đế lập nên nhà Đông Hán. Trong số đó, Thái phó Cao mật hầu Đặng Vũ là người đứng đầu.

Đặng Vũ là người tận trung tận hiếu, có nhiều kỳ mưu quyết định chiến thắng, có thể dùng võ uy hiếp đối phương, giỏi phép dụng binh, trảm tướng phá quân, thiên hạ vô địch, uy danh lừng lẫy khiến quân thù khiếp sợ vỡ mật.

Hậu Hán thư - Đặng Khấu liệt truyện có ghi chép rằng: "Hán Quang Đế nói: Tướng quân Đặng Vũ cùng ông tính mưu kế trong trướng, quyết thắng ngoài ngàn dặm".

Đặng Vũ không chỉ là danh tướng phò tá Hán Quang Đế giành được thiên hạ, theo ghi chép trong sách Thủy Kính Thần tướng của Hữu Kế Đạo Nhân đời Thanh thì bản lĩnh nhìn khí, xem tướng của ông không kém Đường Cử và Hứa Phụ (Đường Cử: người nước Lương thời Chiến Quốc, nổi tiếng giỏi tướng thuật. Hứa Phụ: Nữ thầy tướng những năm đầu thời Đông Hán, bà tinh thông tướng thuật, đã xem tướng cho rất nhiều vương công quý tộc, vô cùng linh nghiệm. Bà đã tiên tri Lưu Bang xưng đế, sau này quả nhiên trở thành hiện thực, vì vậy được Hán Cao Tổ phong làm Minh Thư Hầu). Xem khí là một phương pháp chiêm tinh cổ đại, xem khí mây mà biết được dấu hiệu hung cát của việc nhân gian.

Năm Kiến Vũ thứ 13, thiên hạ bình định, các công thần đều được gia phong lãnh địa. Đặng Vũ được phong là Cao Mật Hầu, thực ấp có 4 huyện là Cao Mật, Xương An, Di An và Thuần Vu.

Người sáng lập triều đại Đông Hán Đặng Vũ.
Người sáng lập triều đại Đông Hán Đặng Vũ. (Ảnh: Nguồn mở)

Xa rời quyền bính, chỉnh đốn gia phong...

Sau khi phò tá Hán Quang Đế bình định thiên hạ, Đặng Vũ thường có tâm nguyện tránh xa danh tiếng và quyền lực. Ông dồn tâm sức vào chỉnh đốn gia phong, giáo dục con cháu. Đặng Vũ có 13 người con trai, và ông muốn để mỗi người đều nắm được một môn kỹ nghệ. Thông qua "xem khí", Đặng Vũ có thể biết được vận mệnh của con người. Ông quan sát trí lực từng người con, cân nhắc đánh giá khí lượng và quan sát phẩm hạnh của các con, sau đó lựa chọn từng nghề cho mỗi người: người đọc sách, người làm nông, người buôn bán... ai nấy đều có sở trường. Ngoài ra ông còn dạy bảo, nhắc nhở các con tu tâm dưỡng tính. Dưới đây là vài mẩu chuyện mà dân gian còn truyền tụng:

Đặng Vũ thấy 3 người con Đặng Chấn, Đặng Tập, Đặng Trân có dị tượng và khí lực lớn, thể hiện sự tôn nghiêm đoan chính, cung cẩn bình hòa, trầm tĩnh ổn định, quang minh lỗi lạc, nếu làm tướng có thể trở thành người đại tài, thế là ông đích thân dạy bảo 3 người con học thư pháp và lễ nhạc.

Người con thứ tư là Đặng Ngu, tuy vẻ ngoài tuấn tú, tướng mạo đẹp, ăn nói khéo léo khiến người người ái mộ, nhưng lại là người phù phiếm, chỉ cần có một chút tài năng là muốn hiển lộ ra, có một chút kỹ nghệ liền muốn khoe khoang. Đặng Vũ bèn kiên nhẫn dạy con thay đổi thói xấu, làm trong sạch bản thân, không phù phiếm hư giả... ông lại khuyên con cần có được chân tài thực học thì mới có thể giữ được lộc, thọ lâu dài.

Con trai thứ 6 là Đặng Huấn có khí độ hiên ngang, trí tuệ, tri thức phong phú, giống như nội tâm có chứa dòng suối nguồn, hơn nữa lại là người biết khiêm tốn tiếp thu ý kiến, khoan dung, phù hợp với phép tắc của các bậc cổ Thánh tiên hiền cổ đại. Ông cho rằng, Đặng Huấn nhất định sẽ trở thành bề tôi hiền lương có thể giúp vua trị thế.

Người con trai út là Đặng Hồng mắt lớn mày rộng, vốn là tướng đại quý. Nhưng tâm tính cậu thích tính toán kế sách, trong tướng mạo tươi cười hiển lộ vẻ đàn bà, thuộc về loại người thân phận hiển hách nhưng bên trong có tâm kế, xấu thì gian trá, kết giao bạn bè thì vẫn còn được, nhưng nếu làm quan, e rằng sẽ làm hạn bản thân.

Ông có một người con luôn thích làm tổn hại người khác, làm điều xằng bậy. Ông đã giúp người con này thay đổi, trừ bỏ khuyết điểm, dạy cậu học kinh doanh thương mại. Người con này nói: "Con là con cháu của công hầu, sao có thể làm nghề hèn mọn như thương nhân được?".

Đặng Vũ nói: "Tuy nói kẻ sĩ đọc sách cao quý, làm thủ công thương mại là thấp kém, nhưng người có phẩm đức thì dẫu ở nơi thấp kém cũng hiển lộ cao quý".

Đặng Vũ "xem khí" cho các con sau này có ứng nghiệm không?

Năm Vĩnh Bình thứ nhất đời Hán Minh Đế (năm 58), Đặng Vũ qua đời ở tuổi 57. Hán Minh Đế lấy đất phong của Đặng Vũ chia làm 3 nước chư hầu: phong người con cả Đặng Chấn làm Cao Mật Hầu, Đặng Tập làm Xương An Hầu, Đặng Trân làm Di An Hầu. Lời Đặng Vũ nói 3 người con này có thể trở thành bậc đại tài đã ứng nghiệm. Người con thứ 4 - Đặng Ngu được phong quan, nhưng chưa kịp đi nhậm chức thì đã chết. Đặng Vũ năm xưa thấy người con này phù phiếm, không thể giữ lộc, thọ lâu dài được, cũng đã ứng nghiệm.

Người con thứ 6 là Đặng Huấn vào thời đầu khi Minh Đế đăng cơ, đã được bổ nhiệm làm Lang trung. Đặng Huấn thích thi ân cho người, lễ hiền đãi sĩ, các chí sĩ đại phu đại đa số đều quy về làm môn hạ của ông. Những năm Vĩnh Bình (năm 58 - 75), triều đình khơi thông sông Hô Đà, Thạc Cữu, kế hoạch là đào sông Tào Hà làm con đường giao thông giữa 2 vùng Đô Lự và Dương Trường Thương để vận chuyển lương thực. Kết quả là khi thi công, các quan lại và người dân ở Thái Nguyên khổ vì lao dịch, liên tục nhiều năm không hoàn thành công trình. Tuyến đường Tào Hà trải qua 389 nơi cửa núi chật hẹp hiểm yếu, số người bị chết đuối khi thi công nhiều không đếm xuể.

Năm Kiến Sơ thứ 3 đời Chương Đế nhà Đông Hán, triều đình bổ nhiệm Đặng Huấn giám sát công trình này. Sau khi khảo sát tính toán, Đặng Huấn biết việc này khó thành, bèn đem tình hình báo cáo với hoàng thượng. Hán Chương Đế nghe theo lời kiến nghị của ông, lệnh dừng công trình, chuyển sang dùng xe lừa vận chuyển, mỗi năm đã tiết kiệm chi phí hàng ức vạn tiền, đã bảo toàn và cứu sống hàng ngàn người dân phục dịch. Khi Đông Hán chinh phạt người Khương, Đặng Huấn đảm chức Hộ Khương Hiệu úy, ông đã dùng ân tín, ân đức hóa giải cuộc phân tranh giữa người Hán và người Khương. Sau này có mấy người con cháu của ông làm phò mã, con gái Đặng Tuy vào cung trở thành Hòa Hi Hoàng hậu của Hán Hòa Đế, được phong làm quốc mẫu.

Bức tranh Hòa Hi Đặng Hoàng hậu du Tiêu Bỉnh Trinh đời Thanh vẽ, bà chính là cháu gái nội của Thái phó Đặng Vũ.
Bức tranh Hòa Hi Đặng Hoàng hậu du Tiêu Bỉnh Trinh đời Thanh vẽ, bà chính là cháu gái nội của Thái phó Đặng Vũ. (Ảnh: Nguồn mở)

Mùa đông năm Vĩnh Nguyên thứ 4, Đặng Huấn vì bệnh nên đã chết khi đang tại nhiệm ở tuổi 53. Quan lại bách tính và người Khương, người Hồ đều kính yêu ông, mỗi ngày từ sáng đến tối có hàng nghìn người khóc thương. Năm Nguyên Hưng thứ nhất, vì Đặng Huấn là cha của Hoàng hậu nên Hòa Đế đã sai quan Yết giả đến trước mộ Đặng Huấn truy phong cho ông thụy hiệu là Bình Thọ Kính Hầu. Hoàng hậu đích thân khóc tế, văn võ bá quan tập trung đông đảo. Đặng Huấn quả đúng là bề tôi hiền lương trị thế, đã được người cha là Đặng Vũ tiên đoán trước rất chuẩn xác.

Con trai út của Đặng Vũ là Đặng Hồng thích mưu lược. Những năm Vĩnh Bình, ông được phong làm tiểu hầu. Ông đã từng được dẫn đến triều đình thương nghị việc biên phòng. Hoàng đế cho rằng ông rất có năng lực, nên bổ nhiệm ông làm Tướng binh Trưởng sử, dẫn 5 tiểu đoàn đóng quân giữ Nhạn Môn. Thời Hán Chương Đế, Đặng Hồng được bổ nhiệm làm Độ Liêu Tướng quân. Những năm Vĩnh Nguyên, Đặng Hồng cùng đại tướng quân Bảo Hiến cùng xuất quân đánh Hung Nô, có công, được ban thưởng và bổ nhiệm làm Xa kỵ Tướng quân. Tuy nhiên, khi ông xuất quân truy kích quân phản loạn Hồ Phùng Hầu thì do phạm tội dừng quân không tiến nên bị tống giam vào ngục. Năm xưa Đặng Vũ nói: nếu Đặng Hồng làm quan thì e rằng bản thân sẽ bị tổn hại, quả thực là ứng nghiệm. Sau này Đặng Hồng bị chết trong tù.

Có thể thấy Đặng Vũ xem khí biết người, đánh giá khí độ, xem xét tài trí nhận định phẩm hạnh của con người là có thể phân biệt được đâu là vàng ngọc đâu là sỏi đá. Xem tướng có thể nhìn ra vận mệnh tương lai của một người, cũng có nghĩa là đời người là có quỹ đạo vận mệnh. Những người như đại sư tướng thuật Đường Cử, Hứa Phụ và Đặng Vũ... trong các tư liệu lịch sử đều có ghi chép. Qua đó cũng cho thấy, con đường duy nhất để có thể thay đổi vận mệnh chính là từ tu luyện tâm tính, nâng cao đạo đức.

Tường Hòa

Theo Thái Nguyên - epochtimes.

Tài liệu tham khảo:

- Hậu Hán Thư

- Thủy Kính Thần tướng



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao danh tướng thời Đông Hán - Đặng Vũ xem tướng cho 13 con trai đều ứng nghiệm?