Vì sao cần gìn giữ chữ chính thể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chữ Hán Thần truyền là Thần vật, giản hóa chữ Hán đã đi ngược lại ý Thần, cũng phá hủy sức mạnh thần kỳ vốn có của chữ Hán. Vậy nên, văn hóa phù hợp Thiên đạo, có thể khiến vũ trụ sinh sôi không ngừng, bao gồm đạo đức, luân lý, phương cách sống, mới là văn hóa chân chính theo nghĩa truyền thống.

Bài viết trước thảo luận về chữ Hán là do Thần truyền cho con người, nguồn gốc chữ Hán do Thương Hiệt tạo ra, đến cận đại thì chữ Hán ở Trung Quốc đã bị đơn giản hóa. Sau khi đơn giản hóa, mọi người không thể đọc hiểu được các sách cổ nguyên gốc. Có một câu chuyện cười như thế này, Trung Quốc có một bài thơ nổi tiếng, kể về một câu chuyện cổ trong Tết Nguyên Tiêu:

“Khứ niên nguyên dạ thì
Hoa thị đăng như trú
Nguyệt thướng liễu tiêu đầu
Nhân ước hoàng hôn hậu

Kim niên nguyên dạ thì
Nguyệt dữ đăng y cựu
Bất kiến khứ niên nhân
Lệ thấp xuân sam tụ.”

“Sinh tra tử. Nguyên tịch” - Âu Dương Tu - Thời Tống

Dịch nghĩa:

Năm ngoái, đêm rằm, tháng giêng
Chợ hoa đèn sáng như ban ngày
Mặt trăng nhô lên ngọn cây liễu
Người hẹn sau lúc hoàng hôn

Năm nay đêm rằm tháng giêng
Trăng với đèn vẫn như cũ
Chẳng gặp người năm ngoái
Nước mắt đẫm tay áo xuân

Trong một chương trình nọ, người dẫn chương trình nổi tiếng Đổng Khanh đã ngâm lại bài thơ này:

“Khứ niên nguyên dạ thì
Hoa thị đăng như thư”

Chương trình vừa phát ra đã bị bình luận sôi nổi: Hoa thị đăng như thư, sao lại là thư nhỉ?

chữ giản thể biến dị
Người dẫn chương trình nổi tiếng Đổng Khanh. (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Bởi vì chữ Thư (書) chính thể và chữ Trú (晝) chính thể rất tương tự nhau, người ta đọc chữ giản thể trong một thời gian dài sẽ thật sự khó mà phân biệt được.

Mặc dù sự kiện này đã qua nhiều năm rồi, nhưng vẫn bị mọi người phê bình mãi không thôi, nói là không hiểu chữ chính thể, và thật đáng lo ngại cho sự kế thừa của văn hóa truyền thống. Cũng từ đây mà người ta mới nhận ra rằng: Mặc dù chữ chính thể viết khá nhiều nét, nhưng nó vẫn có quy tắc nhất định, nếu hiểu được quy tắc của nó, sẽ càng có thể hiểu rõ hơn: Đằng sau tất cả chữ Hán đều ẩn chứa nội hàm và trật tự.

Như vậy phía sau trật tự và quy tắc ấy có nội hàm gì?

Trong văn hóa truyền thống, phương cách cấu tạo và sử dụng chữ Hán được phân thành 6 loại, phân biệt ra: Tượng hình, Chỉ sự, Hình thanh, Hội ý, Chuyển chú, Giả tá. Bốn loại đầu chủ yếu là phương pháp cấu tạo chữ Hán và hai loại sau chỉ phương pháp sử dụng chữ Hán.

Tượng hình - Chữ Tượng hình là vẽ lại theo hình dạng của vật thể. Ví như Sơn (núi), Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng) v.v.

Chỉ sự - Chữ Chỉ sự, dùng ký hiệu trừu tượng để biểu thị ra tên gọi của quan niệm, động tác v.v. khiến con người nhìn vào có thể hiểu được ý nghĩa. Ví như: Nhất, Nhị, Tam, Hung (ác), Nhận (lưỡi đao) v.v.

Hội ý - Chữ Hội ý, còn gọi là Tượng ý, hai hay nhiều chữ riêng biệt hợp lại với nhau thành một chữ mới, biểu đạt một ý nghĩa mới. Ví như: Chữ Minh (鳴) gồm chữ Khẩu (口) và chữ Điểu (鳥) tạo thành, hình tượng chỉ tiếng kêu của chim. Lại nói chữ Tửu (酒) gồm chữ Dậu (酉) là dụng cụ ủ rượu và chất lỏng là chữ Thủy (水) hợp lại biểu đạt ra chữ Tửu(酒).

Hình thanh - Chữ Hình thanh, thường do hai bộ phận tổ thành: hình bàng và thanh bàng. “Hình bàng” biểu thị ý nghĩa hoặc phạm trù của một từ, “thanh bàng” biểu thị âm thanh của từ. Chẳng hạn như những từ liên quan đến cây, đều lấy hình ảnh chữ Mộc (木) trong đó, rồi thêm các âm đọc khác nhau sẽ tạo thành một chữ khác, ví như chữ Mai (梅), chữ Phong (楓), chữ Tài (材), chữ Dữu (柚), chữ Tê (棲) v.v..

Trong “Thuyết Văn Giải Nghĩa” viết rằng:

Chữ Thần (神) thì sẽ khiến người ta trào dâng lên một loại cảm giác sùng kính và chìm đắm trong từ bi, cũng ở trong “bất tri bất giác” mà tự ước thúc bản thân, ít sinh tà niệm.

chữ chính thể
Chữ Thần (神) thì sẽ khiến người ta trào dâng lên một loại cảm giác sùng kính và chìm đắm trong từ bi. (Ảnh NTD Việt Nam tổng hợp)

Chữ Lễ (禮) khởi nguồn từ việc tế tự, tế Trời, tế Đất, tế Thần. Là một nghi lễ tế tự của cổ nhân, vừa là kính Thần cầu phúc tiêu tai, nhưng mục đích căn bản của nó là để báo đáp.

Chữ Kỳ (示) thường liên quan đến thành kính đại Đạo và tuân thủ quy luật.

Chữ Kỳ (祈) chỉ việc hướng tới Thần minh mà thỉnh cầu.

Chữ Phúc (福) chỉ ra rằng cần trọng đạo quý đức, được Thiên đạo bảo hộ mới có phúc.

Chữ Chúc (祝) lại là lời ca ngợi vị chủ tế tuyên giảng về việc trọng đạo quý đức.

Nhờ cùng một bộ thủ (hay còn gọi là thiên bàng) mà người ta biết được những chữ này đều có mối liên hệ tương quan với nhau.

Hai loại còn lại nói về phương pháp sử dụng chữ, một loại là Chuyển chú, và loại kia là Giả tá.

Chữ Chuyển chú là trước khi thống nhất chữ, dùng từ có ý nghĩa tương đồng mà hình thể khác nhau để giải thích và câu thông với nhau. Ví như chữ Dậu (酉) và chữ Tửu (酒), chữ Bắc (北) và chữ Bối (背), chữ Khảo (考) và chữ Lão (老).

Chữ Giả tá là mượn thanh của từ này để biểu đạt đồng âm mà khác nghĩa. Ví như chữ Lai (來) nguyên nghĩa là từ chữ Mạch (麥), về sau mượn chữ Lai (來) biểu thị chữ Lai Khứ (來去). Hoặc chữ Ô (烏) trong chữ Ô Nha (烏鴉) con quạ, và chữ Ô (烏) trong chữ Ô Hô (烏呼) v.v..

chữ hán giản thể phá hoại văn hoá truyền thống
Chân dung Hứa Thận. (Ảnh miền công cộng)

Cho nên cách thức dùng 6 loại chữ này:Tượng hình, Chỉ sự, Hình thanh, Hội ý, Chuyển chú, Giả tá, đã được ghi chép chi tiết trong “Thuyết Văn Giải Tự” được viết bởi Hứa Thận thời Đông Hán, nó cũng được gọi là Lục Thư. Tên gọi Lục Thư này đã được đề cập sớm nhất trong sách “Chu Lễ - Địa Quan”:

“Bảo thị chưởng gián vương ác,
Nhi dưỡng quốc tử dĩ đạo,
Nãi giáo chi lục nghệ:
Nhất viết ngũ lễ (Lễ nghĩa)
Nhị viết lục nhạc ( Âm nhạc)
Tam viết ngũ xạ (Bắn cung)
Tứ viết ngũ ngự (Cưỡi ngựa)
Ngũ viết lục thư (Thư pháp)
Lục viết cửu số (Toán học).”

Chữ Hán vốn có một bộ phương pháp cấu tạo của nó, tuy nhiên từ sau năm 1956, tại Trung Quốc, nơi bắt nguồn của chữ Hán, chính quyền ĐCSTQ đã đơn giản hóa chữ Hán, không chỉ đơn giản hóa những thể chữ này cho người dân Đại Lục học theo, mà còn mở rộng tuyên truyền sang Hồng Kông. Đài phát thanh truyền hình Hồng Kông đã từng bị yêu cầu sử dụng chữ giản thể để làm phụ đề, dẫn đến sự phản kháng trong quần chúng. Một số người dân Hồng Kông gọi những chữ giản thể này là chữ khiếm khuyết, cũng chính là chữ không hoàn chỉnh, nó không chỉ không thể biểu đạt được bất kỳ ý nghĩa nào, mà còn làm sai lệch nguyên nghĩa của chữ Hán. Ví như những Học giả văn chương thường chỉ ra sự bóp méo ý nghĩa của những chữ này:

Ái vô tâm - chữ Ái 愛(爱)không có chữ Tâm 心: Yêu mà không bằng trái tim.

Thân bất kiến - chữ Thân 親(亲)không có chữ Kiến 見: Người thân mà không được gặp nhau.

Sản bất sinh - chữ Sản 產(产) không có chữ Sinh 生: Phụ sản không sinh.

Xưởng trống không - trong chữ Xưởng 厰(厂)là trống không: Nhà xưởng chỉ còn cái vỏ trống rỗng.

Nhi vô đầu - chữ Nhi 兒 (儿) không có bộ Cữu (臼) ở trên: Trẻ con không có đầu (không biết suy nghĩ độc lập).

Đạo vô Đạo - chữ Đạo (lãnh đạo) 導(导)không có chữ Đạo (đạo đức, con đường) 道: Những người lãnh đạo lại là kẻ vô Đạo.

Hương vô lang - chữ Hương 鄉(乡) không có chữ Lang 郎: Trong làng không có trai tráng.

Môn vô môn - chữ Môn 門 (门) không có then cửa bên trong, Soan 閂: Cửa không có then đóng mở thì có cửa cũng như không.

Cũng có rất nhiều nhân sĩ trí thức muốn khôi phục văn hóa truyền thống Trung Quốc, khôi phục lại chữ chính thể, như Hồng Kông có một Thư pháp gia nổi tiếng tên Hoa Qua, ông được mời viết chữ trong nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng tại Hồng Kông, ví như phim “Diệp Vấn tiền truyện”, “Thiếu Lâm Tự”, “Hồn ma mỹ nữ” v.v. Ông dành cả cuộc đời để viết thư pháp, ông nói rằng viết thư pháp nhất định phải dùng chữ chính thể để viết. Khi đề cập đến chữ giản thể, ông nói: Nếu có một ngày chỉ có thể viết chữ giản thể thì tôi thà xếp bút nghiên, không viết nữa. Từ đó cũng có thể thấy được sự kiên định của ông đối với chữ Hán truyền thống là như thế nào.

Viết chữ giản thể
Nếu có một ngày chỉ có thể viết chữ giản thể thì tôi thà xếp bút nghiên, không viết nữa. (Ảnh: Shutterstock)

Còn có Học giả văn hóa Quý Tiện Lâm cũng từng nghiêm túc nhắc nhở nhiều lần rằng người trẻ nhất định phải đọc hiểu chữ chính thể. Học giả văn hóa Nam Hoài Cẩn cũng cho rằng, văn hóa truyền thống hàng mấy nghìn năm qua đều dùng chữ chính thể, tuy nhiên sau khi đơn giản hóa chữ Hán thì người ta không còn nhận biết chữ chính thể là gì nữa, từ đó không thể liễu giải được ý nghĩa của văn hóa truyền thống Thần truyền.

Mai Bảo Cửu, nghệ sĩ biểu diễn Kinh kịch nổi tiếng Bắc Kinh, trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc năm 2009 đã từng đề nghị khôi phục chữ chính thể, nói rằng văn hóa truyền thống không thể mất đi. Đến năm 2016, ông lại đề xuất một lần nữa, rằng những người trẻ nên luyện viết thư pháp và học chữ chính thể.

Phan Khánh Lâm, một thành viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã từng du học Nhật Bản vào năm 1985 và ở lại Nhật công tác hơn 10 năm. Đến năm 2009, ông đã đề xuất trong kỳ họp “Lưỡng Hội”, kiến nghị dành ra 10 năm để bỏ dần chữ Hán giản thể, khôi phục lại chữ chính thể. Ngoài ra, còn có nhiều nhân sĩ khác, ngay cả đạo diễn nổi tiếng Phùng Tiểu Cương cũng từng đề nghị “Khôi phục chữ chính thể, kế thừa văn hóa truyền thống”.

Mấy nghìn năm qua, hàng tỷ người đã dành cho chữ Hán rất nhiều tình cảm: Qua nhiều thế hệ sử dụng, chữ Hán đã khắc sâu, gắn kết, cô đọng thông tin phong phú, ẩn chứa năng lượng cường đại, làm cho nó trở thành một dạng trường tồn tại. Mỗi một chữ Hán đều thấm đẫm đủ loại cảm giác, ý niệm, cảm xúc, lực cảm thụ và lực tưởng tượng, còn có nhân tính, Thần tính và thi tính đặc biệt của dân tộc. Chữ Hán Thần truyền là Thần vật, giản hóa chữ Hán đã đi ngược lại ý Thần, cũng phá hủy sức mạnh thần kỳ vốn có của chữ Hán. Vậy nên, văn hóa phù hợp Thiên đạo, có thể khiến vũ trụ sinh sôi không ngừng, bao gồm đạo đức, luân lý, phương cách sống, mới là văn hóa chân chính theo nghĩa truyền thống.

Cao Nguyên

Theo The Epoch times



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao cần gìn giữ chữ chính thể