Vì sao bức tượng Đại Phật này có thể bình yên vô sự trong Đại Cách mạng Văn hóa? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trải qua kiếp nạn trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, bức tượng Đại Phật và Ung Hòa cung vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không bị Hồng vệ binh phá hủy.

Trong chính điện của Ung Hòa cung ở Bắc Kinh, có một bức tượng Phật Di Lặc cao lớn. Tượng Phật cao 18 mét, oai hùng uy vũ, trang nghiêm thần thánh, được tạc trong những năm Càn Long triều Thanh. Trải qua hạo kiếp của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, bức tượng Đại Phật và Ung Hòa cung vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không bị Hồng vệ binh phá hủy. Đi tìm nguyên nhân, còn có một trải nghiệm khiến mọi người phải suy ngẫm sâu xa.

Tránh thoát kiếp nạn Cách mạng Văn hóa có thiên cơ

Tiền thân của Ung Hòa cung - ngôi chùa hoàng gia nổi tiếng ở Bắc Kinh, là quan phòng thái giám triều Minh. Vào đầu thời nhà Thanh, nơi đây được sử dụng làm nhà của phủ nội vụ. Sau khi được tái thiết vào năm Khang Hy thứ 33, nó được ban cho hoàng tử thứ tư - cũng chính là Hoàng đế tương lai Ung Chính làm dinh phủ, được đặt tên là "Bối Lặc phủ".

Vào năm Khang Hy thứ 48, hoàng đế thứ tư tiến phong làm Thân vương, một lần nữa cải biến thành phủ Ung Thân vương. Ngày nay, bố cục kiến trúc của Ung Hòa cung vẫn giữ nguyên quy tắc của phủ Thân vương năm xưa. Sau khi Ung Chính kế thừa hoàng vị, ông đã đổi phủ Ung Thân vương thành "Ung Hòa cung" - là hành cung của mình. Đây cũng là nơi sinh của con trai Ung Chính, Hoàng đế Càn Long.

Vào năm Càn Long thứ 9 (năm 1744), theo đề nghị của Phật sống Chương Gia, Hoàng đế Càn Long đã quyết định chính thức chuyển Ung Hòa cung thành chùa Phật giáo của hoàng gia. Do đó, Ung Hòa cung đã trở thành ngôi chùa có quy cách cao quý nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Chủ thể kiến trúc của Ung Hòa cung vẫn được bảo tồn hoàn hảo như lúc ban đầu, phân bố cân đối trên một trục trung tâm theo hướng bắc nam, bố cục chỉnh thể kiến trúc lên cao dần. Vạn Phúc Các là tòa đại điện nằm ở vị trí cuối cùng của Ung Hòa cung, cũng là một ngôi lầu các cao lớn và rộng nhất. Nơi đây lưu giữ một bức tượng Phật Di Lặc cao lớn bằng gỗ đàn hương trắng, là báu vật trấn giữ thành Bắc Kinh.

Vì vậy, Vạn Phúc Các còn được gọi là Lầu Đại Phật, cao 25 ​​mét, mái cong 3 lớp, toàn bộ đều là kết cấu gỗ. Tương truyền, năm đó sau khi hoàn thành tượng Phật Di Lặc, người ta dùng đến 1.100 m gấm vàng làm áo khoác cho tượng Phật.

Toàn bộ bức tượng Phật Di Lặc hiện lên thế đứng uy nghi sừng sững trên tòa bảo tọa được tạc từ đá cẩm thạch trắng. Đầu của tượng Phật cao thẳng đến tầng áp mái trên cùng. Mặc dù đồ sộ như vậy nhưng từng đường nét của bức tượng đều rất uyển chuyển, thanh thoát, không một chút cảm giác vụng về.

Toàn bộ bức tượng Phật Di Lặc hiện lên thế đứng uy nghi sừng sững trên tòa bảo tọa được tạc từ đá cẩm thạch trắng. (Ảnh: flickr)
Toàn bộ bức tượng Phật Di Lặc hiện lên thế đứng uy nghi sừng sững trên tòa bảo tọa được tạc từ đá cẩm thạch trắng. (Ảnh: flickr)

Đầu bức tượng Phật đội mũ ngũ sắc Tây Tạng với trang trí phức tạp, thân thể ung dung hoa quý, toàn thân thiếp vàng, trang sức bằng ngọc, có thể miêu tả là trang nghiêm phi thường. Nét mặt và thần thái lại càng trang nghiêm, mắt hơi rủ xuống, môi Phật mím chặt, càng lộ vẻ vừa từ bi vừa uy nghiêm.

Tay Phật làm thủ ấn, biểu thị trong tương lai Phật Di Lặc sẽ giáng sinh xuống nhân gian, chuyển đại Pháp Luân, phổ độ chúng sinh. Theo dân gian, thủ ấn này được gọi là cách thức "đỡ trời lấp đất".

Điều đáng chú ý là phía trước tượng Phật khổng lồ còn có thêm tượng Phật Như Lai nhỏ. Bức tượng Phật nhỏ được cúng dường phía trước bức Đại Phật này, ám chỉ rằng vị Phật Di Lặc cứu độ chúng sinh trong tương lai là một vị Đại Phật cao lớn hơn.

Trở thành mục tiêu "phá tứ cựu" của Cách mạng Văn hóa

Theo lời kể của một vị Lạt Ma lớn tuổi trong chùa, năm đó khi dựng tượng Phật Di Lặc, để cho bức tượng Phật đứng thẳng không bị đổ ngã, hai bên và phía sau tượng Phật đã được xây dựng các hành lang lễ đài cao hai tầng. Độ rộng của hành lang vừa vặn có thể cho phép một người đi qua. Giữa hành lang và tượng Phật được nối bằng dây sắt để đỡ lấy tượng Phật.

Trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, có ba hồng vệ binh được cử đến để đập phá bức tượng Đại Phật. Người thứ nhất trèo lên hành lang và giơ rìu lên để chặt đứt dây sắt. Tuy nhiên, chiếc rìu rơi xuống, không chạm vào dây sắt mà lại chém vào đùi của chính người này. Người thứ hai cầm rìu tới toan chặt phá, nhưng chém từng nhát rìu đều bị trượt, sau đó lăn ra ngất xỉu tại chỗ. Người thứ ba thấy vậy sợ quá không đứng dậy được. Người ta nói rằng, về sau cả ba người này không một ai sống sót.

Hồng vệ binh đập phá tượng Phật trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)
Hồng vệ binh đập phá tượng Phật trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)

Từ đó về sau, không có ai dám động đến bức tượng Đại Phật này nữa, và Ung Hòa cung cứ như vậy bình yên vô sự được bảo tồn cho đến ngày nay.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, rất nhiều người đều tín Phật thông Đạo, khi đó người tu luyện cũng rất được tôn kính. Người xưa có câu rằng "Thà khuấy động nước nghìn sông, còn hơn quấy nhiễu tâm người tu đạo", "đả tăng mạ đạo, tất có ác báo".

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi thành lập đến nay đã đề xướng "thuyết tiến hóa" và "vô thần luận", phủ định "chủ nghĩa hữu thần". Đặc biệt trong thời kỳ “phá tứ cựu” của Đại Cách mạng Văn hóa lại càng kịch liệt. Vô số người bị chụp lên chiếc mũ "mê tín" mà bị đánh gục, bỏ tù, và giết hại. Hơn nữa, di họa của nó vẫn tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay, khiến rất nhiều người Trung Quốc khi đề cập đến hai chữ “mê tín” thì sợ hãi tránh xa.

Thảm kịch do ba Hồng vệ binh kia tự chuốc lấy, một lần nữa nhắc nhở chúng ta đạo lý rằng: "thà rằng tin là có, còn hơn không tin". Suy nghĩ kỹ một chút, nếu như một người tin tưởng có Thần tồn tại, kính Thần hướng thiện, thì họ sẽ không có tổn thất gì. Còn nếu như không tín Thần, một khi làm những việc khinh nhờn Thần linh và gây hại người tu luyện, thì sẽ bị Thiên lý trừng phạt, cuối cùng người bị hại chỉ có thể là chính mình.

Trung Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao bức tượng Đại Phật này có thể bình yên vô sự trong Đại Cách mạng Văn hóa? [Radio]