Văn sử (P-2): Xưa, chuẩn bị 50 năm vì 1 trận động đất; nay, ôn dịch trước mắt ta đã chuẩn bị những gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đau xót trước cảnh nước lụt, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, họ bỗng thấy hai mảnh vỏ biến ngay thành hai chiếc thuyền. Thế rồi, mặc gió mặc mưa, họ chèo đi mọi nơi cố sức vớt những người bị nạn...

Trong kho tàng văn hoá nhân loại từ cổ chí kim đã lưu lại rất nhiều những câu chuyện, điển cố, sử tác trứ danh về các thảm họa thiên tai, lưu lại những bài học vô cùng quý giá. Tại sao thiên họa xảy đến? Nó đến với mục đích gì? Và làm sao để con người có thể tránh khỏi đại nạn? Chúng ta hãy cùng lần theo dòng lịch sử nghiên cứu một số câu chuyện sau:

2. Hồng Kông

Tượng Sư tử đá ở Hồng Kông là một trong những biểu tượng nổi tiếng của người dân nơi đây. Tương truyền có một câu chuyện về nó như sau:

Xưa kia, Bồ tát Địa Tạng xuống trần gian, vào một làng nọ và thấy rằng con người hầu như không còn tin theo Thần Phật nữa. Nhưng với lòng từ bi vô hạn, Bồ tát muốn cứu độ những người cuối cùng mà vẫn còn giữ gìn đức tin chân chính.

Ngài hoá thành một ông lão ăn xin, lang thang trong làng từ nhà nọ đến nhà kia xin cơm. Nhưng không ai cho ông lão gì cả. Trong nhà người ta cũng không còn thờ Phật nữa. Mãi khi đến một ngôi nhà cuối làng, ông cụ thấy một bà lão đang thắp hương cúng Phật. Bà lão thấy ông cụ tập tễnh đi đến xin ăn, đắn đo một lúc rồi bà nói: “Tôi chỉ còn một bát cơm này thôi. Xin biếu cụ một nửa. Còn một nửa để cúng Phật”.

Ông cụ ăn mày bảo bà: “Nữ thí chủ quả là nhân đức. Hãy xem bức tượng sư tử đá to lớn ở đình làng kia. Đến ngày mắt sư tử chuyển sang màu đỏ, thì hãy rời làng lên núi ngay vì sẽ có nạn lụt.” Dứt lời, Bồ Tát liền hoá phép và biến mất.

Đến ngày mắt sư tử chuyển sang màu đỏ, thì hãy rời làng lên núi ngay...
"Đến ngày mắt sư tử chuyển sang màu đỏ, thì hãy rời làng lên núi ngay..." (Ảnh: Shutterstock)

Người đàn bà phúc hậu bèn đem câu chuyện gặp Bồ Tát kể cho dân làng nghe, nhưng không ai tin cả. Có những kẻ còn mỉa mai và thậm chí xua đuổi bà: “Làm gì có chuyện tượng sư tử đỏ mắt! Mê tín! Mê tín!” Người đàn bà dẫu có nói thế nào, người ta cũng không nghe.

Thấy hàng ngày bà đều đến coi mắt tượng sư tử, mấy kẻ vô lại trong làng bèn rủ nhau, một đêm nọ, lấy son chu sa (màu đỏ) bôi vào mắt tượng. Hôm sau, bà lão đến xem tượng sư tử, và quả nhiên thấy mắt sư tử đã sang màu đỏ, bèn đi khắp làng thúc giục: “Mọi người hãy mau lên! Sắp có nạn lụt rồi, hãy mau lên núi! Mau lên núi!” Mọi người bèn phá lên cười chế nhạo. Cuối cùng bà lão lên núi một mình. Trận bão lũ nhanh chóng ập đến, nhấn chìm ngôi làng trong biển nước.

Từ đó về sau người dân Hồng Kông thường cho rằng tượng sư tử đá mà đỏ mắt thì ắt có điềm chẳng lành xảy ra. Quay về mốc thời gian những năm gần đây, 2 giờ chiều ngày 22 tháng 12 năm 2013 ngay trước khi năm 2014 đến, sư tử đá bỗng đỏ mắt, hai lần hiện ra tổng cộng 30 phút mới mất.

Người dân ở đó miêu tả lại rằng: “Bấy giờ trời quang mây tạnh, nhìn thấy vô cùng rõ ràng, tôi cực kỳ kinh ngạc: ‘Vì sao mắt sư tử lại đỏ thế này?’ Nhìn kỹ lần nữa, tôi thấy mắt sư tử càng ngày càng đỏ, đầu sư tử cũng rất sống động, dường như đang lắc lư”.

Một tiểu thương bán hương dạo rất kích động và nói: “Lúc mắt sư tử đỏ thì đầu sư tử hình tròn, giống y như thật, tựa như vẽ rồng điểm mắt vậy. Mà sau khi mắt sư tử biến mất thì đầu sư tử lại hiện nguyên dạng ban đầu, trông như hình vuông”.

Một người tận mắt chứng kiến khác là nữ nhân viên bảo vệ nói rằng nhà cô bình thường cúng bái Quan Âm, đã sớm nghe các cụ già căn dặn, khi mắt sư tử đỏ là báo hiệu sư tử đang tức giận, “Đây là điềm báo chẳng lành, Hồng Kông có tai họa đến nơi rồi”.

một biểu tượng tinh thần của Hồng Kông đột nhiên xuất hiện kỳ quan sư tử đỏ mắt
Một biểu tượng tinh thần của Hồng Kông đột nhiên xuất hiện kỳ quan sư tử đỏ mắt. (Ảnh: epochtimes.com)

Trước khi Hồng Kông được Anh trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho Hồng Kông. Tuy nhiên vào ngày 21 tháng 9 năm 2014 quốc hội Trung Quốc khẳng định người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu đặc khu trưởng vào năm 2017 theo danh sách ứng cử viên phải được ủy ban bầu cử chấp thuận. Tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bầu cử tự do. Sự kiện đó được quốc tế gọi là “phong trào ô dù", người dân Hồng Kông biểu tình bị cảnh sát sử dụng vũ lực để trấn áp, tuy nhiên họ vẫn kiên trì niềm tin của mình vì mong muốn Hồng Kông được “quyền dân chủ thực thụ”. Tờ Slate magazine nhận định họ là "những người biểu tình lịch sự nhất thế giới". Báo này còn cho rằng: “đây không phải chỉ là những người chỉ có lý tưởng, họ là những người hoạt động chính trị hiểu biết mà hiểu được cách tranh đấu bất bạo động mang đến thắng lợi”.

Xâu chuỗi các sự kiện tại Hồng Kông từ xưa tới nay: tượng sư tử đá đỏ mắt, phong trào ô dù và hiện tại là phong trào dù vàng (phản đối luật dẫn độ), tất cả đều không phải ngẫu nhiên. Lịch sử xưa kia đã lưu lại được bài học sâu sắc cho hậu nhân, hiện tại nó đã đoái hiện. Người dân nơi đây đã chuẩn bị được những gì cho những đại nạn của dân tộc mình? Đứng trước đại nạn “dịch bệnh Vũ Hán" và “các dự luật" thì người dân nơi “hòn ngọc châu Á" đã sẵn mang trong mình niềm tin và sự kiên định, hơn cả là quyền con người… Nếu không xuất hiện những sự kiện trên thì người dân Hồng Kông cũng như bà lão cúng Phật kia, rất thiện lương và nhân hậu, tất cả đều đó đã trở thành “hành trang" to lớn nhất của mỗi người dân nơi đây.

Người dân Hồng Kông biểu tình năm 2014
Người dân Hồng Kông biểu tình năm 2014 (Ảnh: ANTHONY WALLACE/AFP qua Getty Images)

3. Việt Nam

Câu chuyện cổ tích “Hồ Ba Bể” có lẽ đã không còn xa lạ gì với những người con đất Việt, đây là một câu chuyện thấm đẫm tình thương đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho con người.

Chuyện kể rằng xưa kia ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền quay về tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng để xin ăn. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà có mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão hủi này đến nhà nào xin ăn đều phều phào mấy tiếng “đói lắm các ông các bà ơi”, nhưng bà lão đi đến đâu cũng đều bị xua đuổi. Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà góa này không những không kinh tởm mà còn kêu bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão bị cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm, đầu gác lên giường đuôi thò xuống đất. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói:

Bà góa này không những không kinh tởm mà còn kêu bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ.
Bà góa kêu bà lão vào nhà rồi cho ăn uống no đủ. (Ảnh qua tinhhoa.net)

Tôi thật sự không phải là người, tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ hai mẹ con nhà cô. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành, đó là một trận đại hồng thủy. Tôi cho hai mẹ con nhà cô gói tro này, hãy rải quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn này. Còn có hai mảnh vỏ trấu này sẽ biến thành hai chiếc thuyền giúp hai mẹ con. Nói xong, bà lão liền biến mất. Hai mẹ con liền vội chia nhau báo cho dân làng nhưng ai nấy đều không tin.

Ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước từ đâu cuồn cuộn chảy đến làm ngập cả một vùng rộng lớn, riêng nhà của bà góa và cậu con trai lương thiện đã được rải tro nên hễ nước dâng đến đâu là mảnh đất liền dâng cao hơn đến đấy. Hai mẹ con bà góa không chịu được cảnh dân làng chết trước mắt mình nên liền đem hai mảnh vỏ trấu thả xuống nước, lập tức biến thành hai chiếc thuyền giúp hai mẹ con cứu vớt dân làng.

Riêng nhà bà hoá nước dâng đến đâu là mảnh đất liền dâng cao hơn đến đấy
Riêng nhà bà goá nước dâng đến đâu là mảnh đất liền dâng cao hơn đến đấy. (Ảnh qua tinhhoa.net)

Cả làng bị nước tràn ngập thì hoá thành ba cái hồ rộng lớn người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, người địa phương gọi đó là Hòn Bà Góa, đồng thời những người còn sống đã lập đèn thờ có tên An Mạ (nơi an nghỉ của dân làng).

Xưa kia vì để tránh nạn nước nhấn chìm, những người thiện lương đều được trời xanh điểm hoá, thức tỉnh và cứu giúp. Tuy nhiên những người chỉ “ngày ngày đi lễ chùa cúng bài, ra khỏi cửa chùa lại đầy thói hư tật xấu" sẽ không được bảo hộ. Thần Phật nhìn rất rõ tâm con người, trong tâm mang thiện lành, mới được trời xanh cứu giúp. Giống như hai mẹ con goá phụ nọ, tâm chân thành đối đãi nhân hậu, cuối cùng được giao long giao cho “tro và trấu" làm vật chuẩn bị sống sót qua nạn lụt. Trước thời điểm dịch virus Vũ Hán hoành hành ngang dọc, chúng ta nên chuẩn bị hành trang những gì? Kỳ thực chỉ cần:

“Tích trữ thóc gạo vừa ăn
Tâm lo thiện lành mới là đáng khen!
Ông trời tất không phạt oan
Ai kia nhân hậu sẽ qua kiếp này!”

II. Tây phương

Ở Phương tây trận Đại hồng thuỷ được mô tả trong nhiều nền văn hoá khác nhau, tuy nhiên không thể không kể đến câu chuyện về con tàu Noah (Nô-ê) cứu giúp muôn loài bước sang thời kỳ mới.

Tích cổ kể lại rằng: Đức Chúa Trời nhận ra loài người càng sinh sôi nhiều thì họ càng phạm tội đến nỗi không thể cứu chữa. Ngài hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thấy ông Nô-ê là người công chính nên không nỡ loại trừ cả ông. Đức Chúa Trời phán truyền cho ông Nô-ê: "Ngươi sẽ làm tàu thế này: chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên".

Ngài hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy.
Ngài hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy. (Ảnh: Shutterstock)

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng hướng dẫn ông Nô-ê cách thức để sinh tồn và bảo tồn giống động thực vật trong tàu: "Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái. Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng".

Sau trận đại hồng thuỷ kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất thì Nô-ê thả một con chim bồ câu bay ra khỏi tàu xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con chim bồ câu không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó bay về lại tàu. Bảy ngày sau, con bồ câu được thả ra lần nữa, và lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. Ông Nô-ê biết là nước đã giảm xuống, mặt đất đã hòa bình vì Đức Chúa Trời đã thôi cơn thịnh nộ. Về sau chim bồ câu ngậm cành ô liu được coi như biểu tượng của sự hoà bình.

nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi.
Chim bồ câu bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. (Ảnh: Shutterstock)

Vì là một người chính trực, còn lưu lại những điều tốt đẹp trong tâm nên cả gia đình Nô-ê đã được báo trước, hơn nữa còn cứu giúp được muôn loài. Thượng đế đã ban cho ông hành trang là “chiếc tàu lớn chứ đủ đồ lương thực" sống sót qua kiếp nạn. Những điển cố xuyên suốt từ Đông sang Tây, xuất hiện ở mọi nơi, mỗi từng quốc gia và dân tộc. Trước khi đại nạn hay thảm họa xảy đến đều có sự cảnh tỉnh cho con người, Thần Phật vẫn đang dõi nhìn và bảo hộ người lương thiện. Không chỉ là tích trữ đồ ăn, hãy tích trữ sự lương thiện, bao dung và nhân hậu, đó mới là hạt trấu, gói tro, và con thuyền tốt nhất dành cho mỗi người chúng ta…

Anh Kỳ

Nguồn tham khảo:

  • Wikipedia
  • Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
  • Epochtime.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Văn sử (P-2): Xưa, chuẩn bị 50 năm vì 1 trận động đất; nay, ôn dịch trước mắt ta đã chuẩn bị những gì?