Vận mệnh do Thiên định: Đường quan lộ của các tể tướng nhà Đường đều được thầy tướng số nói trúng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa có câu: “Trong mệnh mà có thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh không có thì đừng cưỡng cầu”. Từ thời khắc một người được sinh ra, phú quý, nghèo hèn, phúc lộc và trường thọ thảy đều đã định sẵn. Trừ khi tu luyện hoặc có sự việc đặc biệt xảy ra, mới có thể thay đổi số phận.

Trong lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc, nhiều vị đế vương và tướng lĩnh ngay trước khi sinh ra đã xuất hiện dị tượng và điềm lành. Trước khi họ hiển đạt, dựa vào ngoại hình của họ, những nhà am hiểu âm dương thuật số đã có thể thấy được những dấu hiệu, từ đó đoán chính xác sự nghiệp quan lộ của họ. Trong sử sách có ghi chép rất nhiều những sự việc như vậy. Bài này xin được nói về những tiên đoán của một số tể tướng thời Đường.

Viên Thiên Cang tiên đoán Lý Kiệu đại quý, trường thọ

Viên Thiên Cang là một đại sư nổi tiếng về mệnh tướng ở thời Đường Thái Tông. Cuốn "Thôi Bối Đồ" do ông và Lý Thuần Phong cùng biên soạn đã tiên đoán các sự kiện lịch sử của Trung Quốc trong hơn một nghìn năm kể từ thời nhà Đường, không gì không ứng nghiệm. Ông được mẹ của Lý Kiệu ở huyện Tán Hoàng, tỉnh Hà Bắc mời đến xem tướng.

Thuở bé, Lý Kiệu vốn đã có tài năng, năm 15 tuổi đã tinh thông "Ngũ kinh", năm 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ. Năm người anh em của Lý Kiệu đều chết trước 30 tuổi, điều này khiến mẹ ông ngày đêm lo lắng rằng Lý Kiệu cũng sẽ như vậy. Vì thế, bà đã mời Viên Thiên Cang đến xem tướng.

Lúc đầu, Viên Thiên Cang nhìn tướng mặt Lý Kiệu và nói: “Lang quân thần khí thanh tú, nhưng thọ không dài, e không quá được 30”. Mẹ Lý Kiệu nghe con không thể sống được quá 30 tuổi, càng buồn hơn. Lý Kiệu, vốn danh tiếng đã lên cao, và ông không tin lời tiên đoán.

Mẹ của Lý Kiệu yêu cầu Viên Thiên Cang kiểm tra lại, sau khi xem tướng vài lần, Viên Thiên Cang vẫn nói: "Mệnh của cậu ấy vốn là thế".

Đêm đó, Viên Thiên Cang lưu lại ở nhà họ Lý và ngủ với Lý Kiệu trên giường trong phòng làm việc. Vừa lên giường, Viên Thiên Cang đã ngủ thiếp luôn nhưng Lý Kiệu vẫn chưa đi ngủ. Tới canh năm, Viên Thiên Cang tỉnh dậy, ông để ý thấy Lý Kiệu nằm bên cạnh mình không có tiếng thở. Điều này thật kỳ lạ. Ông đưa tay ra thử, dưới mũi cũng không có hơi thở. Ông kinh ngạc và quan sát một lúc lâu thì mới nhận ra rằng Lý Kiệu đang thở bằng tai.

Ngày hôm sau, Viên Thiên Cang nói với mẹ của Lý Kiệu rằng lý do tại sao không tìm thấy vấn đề khi xem tướng trước đó là vì Lý Kiệu thở như một con rùa, và đây là tướng của đại quý, trường thọ. Nhưng Viên Thiên Cang nói với Lý Kiệu rằng mặc dù tương lai sẽ đại quý trường thọ, nhưng không được tham phú quý và phải sống một cuộc sống thanh bần.

vận mệnh
Viên Thiên Cang nói với Lý Kiệu rằng mặc dù tương lai sẽ đại quý trường thọ, nhưng không được tham phú quý và phải sống một cuộc sống thanh bần. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Sau này quả đúng như Viên Thiên Cang đã nói, trong thời kỳ Võ Tắc Thiên và Đường Trung Tông, Lý Kiệu đã được phong làm tể tướng ba lần. Ông sống giản dị, Võ Tắc Thiên đã nhiều lần đến phủ của Lý Kiệu và thấy màn trướng dùng để ngủ của ông được làm bằng lụa thô như vải bố, bà thốt lên: “Tể tướng của một nước mà dùng màn trướng như vậy thật là làm mất thể diện nước lớn”. Thế là bà ban tặng Lý Kiệu một cái màn trướng thêu dành cho hoàng cung, nhưng Lý Kiệu ngủ trong đó trằn trọc không yên. Ông bèn dâng tấu nói: "Thần lúc bé được xem tướng nói không được tham vinh hoa, nên ngủ không yên". Võ Tắc Thiên thở dài hồi lâu, rồi đành để Lý Kiệu dùng màn trướng cũ.

Lý Kiệu vóc người thấp bé, mũi hay miệng không có phúc tướng, nhưng có phẩm chất phi thường nên có mệnh làm tể tướng. Sau đó, ông bị giáng chức vào thời Đường Duệ Tông và Huyền Tông, và bị quy trách nhiệm "Thân làm tể tướng mà không thể khuông phò chính đạo" trong cuộc nổi loạn của Vi Thái hậu. Ông bị bệnh mất ở tuổi bảy mươi khi đang tại nhiệm.

Trương Quýnh Tàng đoán chính xác 5 người đều có thể làm tể tướng

Trương Quýnh Tàng là một đại sư về tướng mệnh nổi tiếng cùng Viên Thiên Cang ở thời nhà Đường. Một hôm, khi đi ngang qua cửa một gia đình, ông thấy một cậu bé bảy tám tuổi, bèn nói với cha mẹ rằng: “Cậu bé này có cốt pháp rất lạ, có phúc lộc, cần chăm sóc và dạy dỗ tốt”. Cậu bé tên là Lưu Nhân Quỹ. Ông học hành chăm chỉ từ khi còn nhỏ và sau này trở nên nổi tiếng với học ​​thức uyên thâm.

Thời Thái Tông, Lưu Nhân Quỹ làm Huyện úy huyện Trần Thương, tỉnh Thiểm Tây, Trương Quýnh Tàng bị đày đến Kiếm Nam, khi đi qua Kỳ Châu, Thứ sử Kỳ Châu biết ông là người có bản sự, mời ông xem tướng cho quan viên dưới cấp xem có ai làm tới chức quan ngũ phẩm không. Khi nhìn thấy Lưu Nhân Quỹ, Trương Quýnh Tàng đột ngột thay đổi sắc mặt và nói với Phùng Thứ sử: "Đã được thấy quý nhân rồi".

Trong triều đại Thái Tông, Lưu Nhân Quỹ nổi tiếng là người thẳng thắn và gan dạ. Sau khi Đường Cao Tông lên ngôi, ông liên tiếp giữ các chức vụ như Thứ sử Thanh Châu, Thứ sử Đới Phương Châu, Đồng trung Thư môn hạ Tam phẩm (tương đương với Tể tướng). Trong thời gian này, ông đã vài lần gặp lại Trương Quýnh Tàng.

Trương Quýnh Tàng nói rằng ông đã nhìn thấy một cậu bé ở huyện Úy Thị cách đây 20 năm, cốt pháp của đứa trẻ rất giống Lưu Nhân Quỹ, nhưng lúc đó ông không hỏi tên đứa bé. Lưu Nhân Quỹ cười nói: “Đó là tôi”. Trương Quýnh Tàng lại dự đoán: “Ông sẽ không rời tứ phẩm, nếu phạm tội nặng thì sẽ làm tam phẩm trở lên”.

Sau này, Lưu Nhân Quỹ đắc tội với Trung thư Thị lang Lý Nghĩa Phủ, và bị giáng làm Thứ sử Thanh Châu, khi Cao Tông đưa quân đi chinh phạt Bách Tể, ông phụ trách vận chuyển đường biển. Khi đó, Lý Nghĩa Phủ cưỡng ép thúc giục Lưu ra khơi dù biết rằng thời điểm không thích hợp. Kết quả là hạm đội gặp cuồng phong bị chìm và tử vong nghiêm trọng.

Triều đình phái Giám sát Ngự sử Viên Dị Thức đến thẩm vấn và kết án tử hình Lưu Nhân Quỹ. Sau khi vụ án khép lại, Lưu Nghĩa Phủ đã nói với Cao Tông: “Nếu không chém Lưu Nhân Quỹ, thì không thể tạ lỗi với bách tính”. Có quan đại thần trong triều nói thẳng: “Bão biển nổi lên. Không phải là dựa vào nhân lực dự liệu được”. Cao Tông hạ lệnh ân xá, chỉ cách chức Lưu Nhân Quỹ và lệnh cho ông đi theo quân đội với thân phận áo trắng (tức quan bị cách chức, bị xử phạt xuống thân phận như dân thường)

Sau đó, Lưu Nhân Quỹ dốc sức tận tụy ở Liêu Đông. Trong thời gian trấn thủ Bách Tế, ông đã cứu viện nước Tân La và đánh bại liên quân Oa Quốc (tức Nhật Bản) và Bách Tế trong trận Bạch Giang Khẩu, do đó uy danh chấn động thiên hạ. Một thời gian, ông nhận lệnh phòng chống Thổ Phiên với tư cách là đại sứ trấn thủ Thao Hà. Khi Võ Tắc Thiên trị vì, Lưu Nhân Quỹ giữ chức Lưu thủ Tây Kinh và được phong làm Lạc Thành Quận Công.

vận mệnh được an bài
"Cậu bé này có cốt pháp rất kỳ lạ, có phúc lộc, nên chăm sóc và dạy dỗ tốt". (Ảnh miền công cộng)

Ngoài ra còn có Tề Quốc Công Ngụy Nguyên Trung, người từng giữ chức tể tướng trong thời kỳ của Võ Tắc Thiên. Lúc trẻ không thích cách vận hành chốn quan trường, quanh năm mãi không thăng chức. Vì vậy, ông đến gặp Trương Quýnh Tàng nhờ đoán xem vận mệnh của mình. Nhưng thái độ của Trương Quýnh Tàng rất lạnh lùng, không nói một lời. Ngụy Nguyên Trung giận dữ nói: "Tôi không quản ngàn dặm xa tới tìm ngài để mong được chỉ giáo, nhưng ngài tỏ ra như gỗ. Chẳng có thành ý là sao?. Thôi, khốn cùng hiển đạt, phú quý, nghèo hèn của người ta đều là ông Trời an bài, ngài có thể đoán trước được cái gì chứ?”. Nói xong liền chuẩn bị rời đi.

Trương Quýnh Tàng vội vàng đứng dậy can ngăn và nói: “Tướng của ngài có lộc, đúng vào lúc tức giận mới có thể nhìn ra. Sau này, ngài sẽ được phong chức rất cao và làm quan đến tể tướng". Quả nhiên, năm 700, sau khi Địch Nhân Kiệt qua đời, Ngụy Nguyên Trung trở thành tể tướng.

Ngoài ra, 3 người là Diêu Nguyên Sùng, Lý Quýnh Tú, Đỗ Cảnh Thuyên, từng làm tể tướng dưới thời Võ Tắc Thiên, trong một lần tuyển chọn quan chức của triều đình, cũng từng đến thăm Trương Quýnh Tàng và hỏi về quan lộ. Trương Quýnh Tàng nói: "Cả ba người đều có thể làm tể tướng. Diêu Nguyên Sùng là người phú quý nhất và có thể làm tể tướng nhiều lần". Quả đúng như vậy, Diêu Nguyên Sùng vào thời Đường Huyền Tông cũng lại được phong làm tể tướng.

Người giỏi tướng số dự đoán Trương Giản Chi giữ chức tột bậc của bề tôi

Nhà Đường buộc Võ Tắc Thiên phải truyền ngôi cho Tể tướng Trương Giản Chi của Đường Trung Tông. Khi nhậm chức ở Huyện thừa Thanh Thành, ông đã 63 tuổi. Theo lý mà nói, tuổi cao như vậy, sự nghiệp đáng lẽ phải dừng lại, nhưng một người giỏi xem tướng đã dự đoán: “Ông sau này sẽ làm một chức tột bậc của bề tôi”. Lúc đó, không ai tin vào lời tiên đoán này.

Sau đó, trong bài thi tuyển chọn quan Trương Giản Chi bị trượt. Nhưng số quan trúng khoa rất ít, nên Võ Tắc Thiên ra lệnh lựa chọn lại trong số những người bị trượt. Một viên quan đã tấu rằng có một người có bài viết rất tốt, nhưng chỉ vì viết không đúng quy định nên bị loại. Người này chính là Trương Giản Chi.

Võ Tắc Thiên liền hỏi về bài thi đó, và sau khi đọc, cảm thấy rằng đây là một bậc kỳ tài. Vì vậy đã triệu Trương Giản Chi vào cung điện để khảo vấn. Ông đã trả lời tự nhiên và có những kiến giải độc đáo. Võ Tắc Thiên đã rất ngạc nhiên và chọn ông đứng đầu. Sau đó, ông được thăng quan tiến chức, trở thành tể tướng của vương triều, và sau đó được phong là Hán Dương Vương.

Võ tướng Bùi Quang Đình làm tể tướng mà không có liên quan gì đến tài hoa

Bùi Quang Đình là con trai của Bùi Hành Kiệm, một vị tướng của Hữu Vệ Đại thời nhà Đường, nhờ danh thế của gia đình nên vào làm quan, liên tiếp giữ các chức vụ Thái thường Tự thừa, Tư mã Dĩnh Châu, Tang trung Tư môn, Lang trung Binh bộ… và được phong làm Tể tướng thời Đường Huyền Tông. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng thật khó tin khi ông vốn là võ tướng lại làm tể tướng, trong đó có tể tướng Diêu Nguyên Sùng vào năm Khai Nguyên thứ nhất.

Lại nói, vào một ngày nọ, một người giỏi tướng số đến bái kiến Diêu Nguyên Sùng để người này lặng lẽ núp ở phía bên điện đường, để nhìn xem ai trong số các quan có thể trở thành tể phụ trong tương lai. Sau khi quan sát, người này nói Bùi Quang Đình sẽ làm Tể tướng. Diêu Nguyên Sùng vô cùng bối rối, bởi vì Bùi Quang Đình khi đó vẫn còn là một võ tướng. Vì vậy, ông đã mời Bùi Quang Đình đến nhà, và để người xem tướng ẩn sau rèm để xem lại tướng mặt của Bùi Quang Đình.

Sau khi Bùi Quang Đình rời đi, người xem tướng một lần nữa khẳng định Bùi sẽ là tể tướng. Diêu Nguyên Sùng nói: "Một người có thể làm tể tướng phải có thể giúp Thiên tử thành tựu được đại nghiệp, không phải là một người như Bùi Quang Đình. Tôi đã từng nói chuyện với anh ta, anh ta không phải là người giỏi xử lý việc thế sự, và tài văn chương thì tầm thường, học thức thấp. Làm sao có thể làm tể tướng được?".

Người xem tướng nói: "Diêu công nói về tài khí, nhưng tôi đang nói về mệnh. Tài và mệnh vốn khác nhau". Diêu Nguyên Sùng không nói gì và không tin.

Sau đó, Bùi Quang Định lên làm tể tướng trong vài năm. Trong khi giữ chức, ông đã đề xuất một chế độ dùng người mới, sử dụng kinh nghiệm làm tiêu chuẩn để lựa chọn nhân tài, được gọi là "dựa trên tư cách". Bùi Quang Định cũng có thể được coi là danh tướng.

số mệnh đã được an bài
Sau khi Bùi Quang Đình rời đi, người xem tướng một lần nữa khẳng định Bùi sẽ là tể tướng. (Do Bảo tàng Cung điện Quốc gia cung cấp)

Lý Lâm Phủ "Phú quý thật không tự biết"

Lý Lâm Phủ xuất thân từ nhà Tuân Vương hoàng tộc Lý Đường, làm tể tướng 18 năm thời Hoàng đế Đường Huyền Tông, tính cách xảo quyệt, được mệnh danh là "khẩu Phật tâm xà". Tuy có nhiều âm mưu và tính toán, nhưng năng lực bản thân quả thực hơn người. “Cựu Đường thư” cho rằng cách xử lý công việc của Lý Lâm Phủ thận trọng và có quy tắc: “Mọi việc đều thận trọng, tổ chức việc công mạch lạc, tăng sửa kỷ cương, xử lý trong ngoài đều có phép tắc chế độ lâu dài”.

Cha mẹ Lý Lâm Phủ qua đời từ khi ông còn nhỏ và được dì Nguyên thị nhận nuôi. Năm mười tuổi, khi Lý Lâm Phủ đang chơi đùa với vài đứa trẻ ở ven đường, thì một ông lão đi qua trông thấy, ông lão cảm thán. Có người hỏi ông tại sao ông cảm thán, ông lão nói: “Đứa trẻ này phú quý thực không tự biết!”. Ông chỉ vào Lý Lâm Phủ và nói: “Thằng bé này sẽ có thể làm tể tướng trong tương lai, khoảng 20 năm nữa. Vì vậy, tôi cảm thán, vì không ai có thể nhận ra nó là tể tướng tương lai”.

Sau này khi Lý Lâm Phủ là Dụ đức Thái tử, một người xem tướng từ Hoành Sơn đến sống ở làng Tuyên Bình trong kinh đô. Lý Lâm Phủ đã đến gặp người này và người đó nói với Lý rằng: “Từ khi đến đây, tôi đã gặp rất nhiều người, và tôi chưa từng thấy một người nào có quý tướng như anh”. Người này còn nói: “Sự vinh hoa phú quý của anh có thể đạt đến cực điểm, Thánh thượng đối với anh vốn là tình trọng ân dày, mong anh có thể gần gũi với Thánh thượng, có thể kiêm nhiệm chức quan ở các tỉnh phía Nam, địa vị sẽ không ngừng thăng tiến cho tới khi nắm trong tay các sự vụ chính của triều đình, thì sẽ đạt đến đỉnh cao”. Sau này đúng như lời dự đoán, Lý Lâm Phủ thăng chức làm Trung thư lệnh.

Lời kết

Phật gia giảng: “Nếu hỏi nhân kiếp trước hãy xem hưởng đời này. Nếu hỏi quả kiếp sau thì hãy xem việc kiếp này”. Có được mệnh làm tể tướng đời này chẳng phải do tích được đại đức từ kiếp trước sao?

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Vận mệnh do Thiên định: Đường quan lộ của các tể tướng nhà Đường đều được thầy tướng số nói trúng