Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư liệu lịch sử cho thấy các triều đại cổ đại xa xưa đều đã từng nghiên cứu quan hệ giữa Trời và con người...

Xem: Phần 1; Phần 3; Phần 4

Nhà Thương diệt vong nhà Chu thay thế. Tín ngưỡng đối với Đế, Thượng Đế của người thời nhà Thương cũng theo đó chuyển biến thành tín ngưỡng đối với Trời (Thiên) của người thời nhà Chu. Tuy tín ngưỡng hai thời đại về tên chữ khác nhau nhưng thực chất đều là chỉ vị Thần tối cao toàn năng.

Là vị Thần tối cao, địa vị của Trời trong lòng người thời nhà Chu đương nhiên là chí cao vô thượng. Tập tục tế Trời của người thời nhà Chu đã minh chứng đầy đủ về điểm này.

Lễ tế Trời - lễ tế Nam Giao

Những người đã đi thăm Thiên Đàn ở Bắc Kinh đều biết đó là nơi tế Trời của các hoàng đế triều Thanh. Tế Trời là nghi thức long trọng nhất, trang trọng nhất và là hình thức giao tiếp giữa con người và Trời, nhưng lịch sử tế Trời thì lâu dài xa xưa hơn triều Thanh rất nhiều, có thể ngược trở về thời kỳ thượng cổ bao gồm thời nhà Chu.

Thời nhà Chu, hàng năm vào ngày Đông chí Thiên tử đều ra ngoại ô phía nam thành (nên gọi là Nam Giao) cử hành lễ tế Trời. "Gò tròn tế Trời" và "Gò vuông tế Đất", vì đều ở ngoại ô nên cũng được gọi là Giao Tế. Gò tròn là một đàn tế hình tròn. Người xưa cho rằng Trời tròn Đất vuông, hình tròn tượng trưng cho Trời. Trước khi tế lễ, Thiên tử và bá quan đều phải trai giới, đồng thời phải trông nom kiểm tra vật tế và đồ tế.

thiên đàn ở bắc kinh
Thiên Đàn ở Bắc Kinh xưa là nơi mà các hoàng đế nhà Thanh sử dụng đế tổ chức các nghi lễ tế Trời long trọng. (Ảnh: Pixabay).

Ngày tế lễ, từ sáng sớm Thiên tử dẫn bá quan đến ngoại ô. Thiên tử bên ngoài mặc áo choàng da, trong mặc long phục (loại lễ phục có trang sức hoa văn hình mặt trời, mặt trăng, các vì sao và núi, rồng...), đầu đội mũ miện, phía trước và phía sau có 12 dải màu rủ xuống, eo cài một miếng ngọc khuê lớn, tay cầm ngọc trấn khuê, mặt hướng về phía Tây, đứng ở phía Đông Nam của gò tròn. Lúc này trống nhạc nổi lên, báo mời Thiên Đế giáng lâm hưởng lễ tế.

Tiếp theo Thiên tử dắt con vật tế hiến dâng cho Thiên Đế, giết vật hiến tế. Những đồ tế đi cùng với vật tế là ngọc bích, ngọc khuê, lụa... được đặt trên đống củi, do Thiên tử châm lửa đốt củi, khói lửa bay cao lên trời để Thiên Đế ngửi thấy mùi vị. Đây chính là "phiền liệu", cũng gọi là "nhân tế".

Sau đó trong tiếng nhạc là nghi thức nghênh đón "Thi" lên gò tròn. Thi do người sống đóng vai, làm hóa thân của Thiên Đế, đại biểu cho Thiên Đế tiếp nhận hưởng lễ tế. Thi ngồi xuống, mặt hướng về những đồ lễ đựng các đồ cúng tế như ngọc bích, đỉnh, quỹ... Lúc này, trước tiên người ta hiến máu tươi của con vật tế, sau đó lần lượt hiến 5 loại rượu chất lượng khác nhau, gọi là Ngũ Tề. Sau 2 lần hiến rượu đầu là đến phần hiến toàn bộ con vật hiến tế, đại canh (nước ép thịt), hình canh (nước ép rau thêm muối)... Sau lần hiến rượu thứ 4 thì hiến đồ ẩm thực bằng gạo thử, gạo tắc.

Sau khi hiến tế, Thi dùng 3 loại rượu đáp tạ người hiến tế, gọi là "tạc". Uống xong, Thiên Tử và vũ đoàn cùng múa vũ điệu "Vân môn". Tương truyền đó là nhạc vũ thời Hoàng Đế. Cuối cùng người hiến tế hưởng rượu lễ dùng để tế lễ, do Thi ban phúc cho Thiên Tử, gọi là "Hỗ", đời sau cũng gọi là "Ẩm phúc". Thiên Tử còn đem thịt con vật dùng cho tế lễ chia cho các hạ thần trong tông thất, gọi là "Tứ tộ". Có thể thấy người thời nhà Chu không những thường tế Trời mà nghi thức còn cực kỳ long trọng.

tế Nam Giao - vua Bảo Đại
Vua Bảo Đại thực hiện nghi thức tế Trời tại đàn Nam Giao vào năm 1936. (Ảnh: manhhai Flickr/CC BY 2.0).

Người thời nhà Chu tại sao phải tế Trời?

Mục đích không gì khác chính là thông qua nghi thức này để biểu đạt lòng cảm ân Trời đã dưỡng dục, nuôi dưỡng vạn vật, đồng thời cầu nguyện Hoàng Thiên Thượng Đế bảo hộ. Điều này đã biểu thị rõ, trong lòng họ không chỉ vạn vật thế gian đều do Trời nuôi dưỡng, mà Trời còn có năng lực bảo hộ họ. Nếu không phải như thế này thì tại sao họ phải cảm ân và cầu nguyện Thượng Thiên?

Đối với con người ở thời kỳ Tam Đại mà nói, Đế, Trời không chỉ là nuôi dưỡng vạn vật mà còn là chúa tể quyết định hết thảy mọi thứ của đại thiên thế giới, bất kể là mưa gió sấm sét, lũ lụt hạn hán, sinh trưởng thu hoạch hoa màu của giới tự nhiên hay là sự thịnh suy của vương triều, phú quý bần tiện, hung cát họa phúc của con người, v.v. không một thứ gì không quyết định bởi sự an bài lặng lẽ vô hình của Đế, Trời. Như vậy con người muốn được phúc lành và bảo hộ của Thượng Thiên thì nhất định phải cảm ân, kính sợ và cầu nguyện Thượng Thiên, nếu không thì không những không được Thượng Thiên bảo hộ mà ngược lại còn bị Thượng Thiên trừng phạt.

Lễ tế Trời Đất lớn nhất: Lễ Phong thiện

Để bày tỏ lòng cảm ân, kính sợ và cầu nguyện đối với Thượng Thiên thì tế Trời cố nhiên là một hình thức quan trọng, Phong thiện cũng là một hình thức quan trọng.

Thời cổ đại, việc trọng đại quốc gia không gì lớn bằng lễ Phong thiện ở núi Thái Sơn. Phong là 'tế Trời', thiện là 'tế Đất'.

Người xưa cho rằng núi Thái Sơn là cao nhất trong các dãy núi, là "thiên hạ đệ nhất sơn". Do đó các Đế vương ở nhân gian phải đến núi Thái Sơn cao nhất này để tế lễ Thiên Đế thì mới được coi là thụ mệnh Trời. Việc xây dựng đàn đất trên núi Thái sơn làm đàn tế Trời, báo công với Trời, gọi là "phong". Ở núi nhỏ Lương Phụ hoặc một núi nhỏ khác dưới chân núi Thái Sơn dựng đàn tế Đất, báo công với Đất, gọi là "thiện". Đây là đại lễ lớn nhất, long trọng nhất của các đế vương thời cổ đại, hơn nữa chỉ khi thay triều đổi đại, giang sơn đổi chủ, hoặc sau chiến loạn lâu dài, đến khi thiên hạ thái bình thì mới được làm lễ phong thiện để tế Trời Đất.

núi Thái Sơn ở Trung Quốc
Người xưa cho rằng núi Thái Sơn là núi cao nhất trong các dãy núi, phù hợp để thực hiện nghi lễ trọng đại nhất của một quốc gia - lễ Phong Thiện. (Ảnh: Wikipedia).

Trong thư tịch cổ đề cập đến lễ phong thiện sớm nhất là thời kỳ Xuân Thu. Phần Phong Thiện, sách Quản Tử của Quản Trọng có viết: "Xưa phong (tế Trời) ở Thái Sơn, thiện (tế Đất) ở Lương Phụ có 72 nhà, mà Di Ngô (tức Quản Trọng) ghi chép thì 10 nhà chép 2 thôi. Xưa Vô Hoài thị phong Thái Sơn, thiện vân vân. Viêm Đế phong Thái Sơn, thiện vân vân. Hoàng Đế phong Thái Sơn, thiện Đình Đình. Chuyên Húc phong Thái Sơn, thiện vân vân. Đế Khốc phong Thái Sơn, thiện vân vân. Nghiêu phong Thái Sơn, thiện vân vân. Thuấn phong Thái Sơn, thiện vân vân. Vũ phong Thái Sơn, thiện Cối Kê. Thanh phong Thái Sơn, thiện vân vân. Chu Thành Vương phong Thái Sơn, thiện Xã Thủ. Tất cả đều thụ mệnh rồi làm lễ phong thiện".

Thế thì Hạ Vũ, Thương Thanh và Chu Thành Vương tại sao phải phong thiện? Sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa viết: "Thay đổi họ làm vua, để thiên hạ thái bình thì ắt phải làm lễ phong (tế Trời) ở núi Thái Sơn, làm lễ thiện (tế Đất) ở núi Lương Phụ, để Trời trao mệnh cho vua, khiến hợp với đạo lý trước người dân, tuyên cáo thái bình với Trời, báo công với các Thần".

Đối với các bậc đế vương này mà nói thì Thượng Thiên (Trời) là đối tượng mà tất cả mọi người, bao gồm chính bản thân họ phải cảm ân, kính sợ và cầu nguyện.

(Còn tiếp)

Trung Hòa biên dịch

Theo Thiên Bách Độ - epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-2)