Năm Tý nói chuyện chuột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con chuột tuy không được người khen ngợi, tướng mạo cũng không khiến người ta ưa thích, nhưng từ góc độ xã hội, phong tục và văn hóa thì chuột thể hiện là loài thông minh, nhanh nhẹn. Chuột hay Tý vẫn là một trong thập nhị can chi có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người Á Đông...

Tại sao chuột đứng đầu 12 con giáp?

Một ngày thì giờ Tý đứng đầu, 12 con giáp thì con chuột đứng đầu. Tại sao con chuột lại đứng đầu 12 con giáp? Truyền thuyết kể lại như sau:

Ngày xưa Ngọc Hoàng là người đã đặt tên cho tất cả các con vật trên khắp thế gian này. Và trong số đó, ngài muốn lựa chọn một loài vật nào đó thật xứng đáng, dùng tên của chúng để gọi theo từng năm. Mỗi một năm sẽ có một con vật nhất định đại diện và làm vị chúa tể ngự trị, cai quản hạ giới thay Ngọc Hoàng. Muôn loài vật ở hạ giới đều phấn khích và hào hứng, tất bật chuẩn bị mọi thứ để khởi hành lên Thiên đình tiếp kiến Ngọc Hoàng, ghi danh và hy vọng mình sẽ được lựa chọn để trở thành thủ lĩnh, chúa tể của muôn loài.

Người ta thường nói rằng, nếu tính về độ dài thời gian thì một ngày trên Thiên đình sẽ tương ứng với một trăm ngày ở dưới trần gian. Tương ứng, người ở trên cõi Trời được tu luyện thành Tiên, còn ở dưới hạ giới là người phàm, người trần mắt thịt. Chính vì vậy, đóng vai trò là người có quyền lực tối cao, với trách nhiệm cai trị thiên hạ, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phải tiến hành sắp xếp và tổ chức lại loài người dưới hạ giới sao cho hoàn chỉnh, ổn định hơn. Một trong số những biện pháp được đề ra đó là xác định tuổi cũng như định "mạng đạo" cho mỗi sinh linh nhỏ bé được sinh ra trên Trái Đất. Do đó cần chọn ra 12 con vật, được gọi là 12 con Giáp, mỗi năm sẽ có một con vật "cầm tinh" đại diện do Ngọc Hoàng ấn định.

đóng vai trò là người có quyền lực tối cao, với trách nhiệm cai trị thiên hạ, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phải tiến hành sắp xếp và tổ chức lại loài người dưới hạ giới sao cho hoàn chỉnh, ổn định hơn.
Đóng vai trò là người có quyền lực tối cao, với trách nhiệm cai trị thiên hạ, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phải tiến hành sắp xếp và tổ chức lại loài người dưới hạ giới sao cho hoàn chỉnh, ổn định hơn. (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi cùng các quần thần trên thiên đình họp bàn trong nhiều ngày trời, cuối cùng tất cả đã đi tới một quyết định như sau: kể từ khi thông báo được chính thức truyền đi thì con vật đầu tiên đến Thiên Đình sẽ được chọn làm con "đầu đàn", đứng thứ tự đầu tiên trong 12 con giáp. Và từ con vật này sẽ chọn tiếp con vật thứ hai, cứ như vậy cho đến khi đủ 12 con vật thì thôi. Nguyên tắc như sau: con thứ nhất được quyền giới thiệu con thứ hai, con thứ hai được quyền giới thiệu con thứ ba, con thứ ba được quyền giới thiệu con thứ tư, tiếp đó con thứ tư lại được quyền giới thiệu con thứ năm…

Khi lệnh vừa ban xuống thì bỗng nhiên từ trong đám mây vang lên tiếng kêu the thé của một con vật nhỏ bé nhưng lại lanh lợi, tinh khôn và nhanh nhẹn - đó là con chuột. Lúc ấy, khi đang vui chơi dạo quanh chốn thiên cung, chú chuột ta đã tình cờ nghe lén được lệnh trước, không thể bỏ lỡ cơ hội có một không hai này, chuột liền lên tiếng báo hiệu là con vật đầu tiên có mặt sớm nhất.

Con chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam

Con chuột còn đi vào văn học, văn hóa dân gian, trong ca dao tục ngữ như là:

Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
***
Chuột chù chê Khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm?
***
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Thành ngữ tiếng Việt cũng sử dụng hình ảnh chuột khá nhiều:

Chuột chạy cùng sào. Chuột sa hũ nếp. Chuột sa chĩnh gạo. Chuột sa lọ mỡ. Ném chuột vỡ đồ. Nhi nhắt như chuột ngày. Mặt dơi tai chuột. Chuột gặm chân mèo. Mặt như chuột kẹp. Nhăn nhó như chuột. Lù rù như chuột chù phải khói. Cháy nhà ra mặt chuột. Đầu voi đuôi chuột. Ướt như chuột lột ....

Tuy không nhiều người thích chuột nhưng với những gì mà loài vật này mang lại, chuột đã trở thành một đối tượng được nhắc đến rất nhiều trong văn hóa dân gian.
Tuy không nhiều người thích chuột nhưng với những gì mà loài vật này mang lại, chuột đã trở thành một đối tượng được nhắc đến rất nhiều trong văn hóa dân gian. (Ảnh: Pexels)

Trong cuốn Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam cũng có câu chuyện về chuột như sau:

Ngày xưa, tại Nghệ An, có một chàng trai thi đỗ hương cống. Dân làng trịnh trọng gọi là ông Hương Cống. Vua trọng tài, gọi ông đi làm quan ở nơi xa. Vợ ông Hương Cống không thể đi theo vì phải ở lại quán xuyến việc nhà.

Trong nhà có một con chuột đực già trên trăm tuổi đã thành tinh. Lợi dụng lúc ông Hương Cống vắng nhà, chuột yêu tinh biến hình thành Hương Cống giả, thỉnh thoảng đến ăn ngủ với vợ Hương Cống thật, nói dối là được phép về thăm nhà. Sau nhiều lần du hí nhau, hai người có một bé gái. Khi ông Hương Cống thật trở về nhà, vợ ông và làng xóm đều kinh ngạc vì thấy có hai ông Hương Cống giống nhau như đúc. Thật giả không cách chi mà phân biệt được.

Nội vụ phải trình lên quan trên xét xử. Sau khi lấy lời khai của các đương sự và nhân chứng, quan tòa ghi nhận từ ngày ông Hương Cống đi làm quan xa, con chuột già của gia đình cũng biến mất. Từ sự kiện này, quan cho rằng trong hai ông Hương Cống, phải có một ông do chuột yêu tinh biến dạng mà thành. Quan cho mời đến công đường một phù thủy cao tay. Thầy phù thủy vừa bắt quyết “linh miêu” vừa đọc thần chú “bổ thử”. Chỉ trong giây lát, ông Hương Cống giả và bé gái con của ông biến thành chuột và chết ngay tại sân tòa. Từ đó người ta gọi những con chuột bự và già là chuột cống.

 

Bài học luân lý của truyện này là kẻ thân tín trong nhà cũng có thể trở thành kẻ phản bội, kẻ được thi ân quay lại làm hại người gia ân. Nhưng mọi việc trên đời đều có nhân có quả. Những kẻ ác và phản bội có thể thành công lúc đầu, nhưng chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị lột mặt nạ và sẽ bị trừng phạt xứng đáng.

Những kẻ ác và phản bội có thể thành công lúc đầu, nhưng chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị lột mặt nạ và sẽ bị trừng phạt xứng đáng. 
Những kẻ ác và phản bội có thể thành công lúc đầu, nhưng chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị lột mặt nạ và sẽ bị trừng phạt xứng đáng. (Ảnh: Pexels)

Con chuột trong văn hóa nước ngoài

Không chỉ ở Việt Nam mà con chuột cũng xuất hiện khá nhiều trong văn hóa dân gian các dân tộc Á Đông. Ví như ở Trung Nguyên xưa có câu chuyện chuột cứu giá được ngự phong như sau:

Xưa tiểu quốc Tây Lương có tiến cống cho vua Trung Nguyên một cây nến lớn. Vào dịp đại lễ, vua Trung Nguyên chuẩn bị thắp nến thì phát hiện ra cây nến đã bị chuột gặm thành một cái lỗ lớn, nhìn vào trong thấy nhồi đầy thuốc nổ. Thì ra vua Tây Lương cống tiến cây nến lớn là để nổ chết vua Trung Nguyên, may nhờ có chuột gặm đã giúp vua tránh được cái chết. Do chuột có công cứu giá nên được sắc phong làm "Ngự thử".

Còn có điển cố khác kể về việc "chuột ban tặng tiền tài vàng bạc" như sau:

Xưa có một con chuột đang có mang, do khi tìm kiếm thức ăn bất cẩn nên bị thương gẫy mất một chân. Chuột mẹ vừa đau vừa đói, quỳ trước tượng Bồ Tát Quán Âm xin thu nhận, và phát nguyện rằng khi được hưởng phần gạo cúng dường của người đầu tiên thì sẽ báo đáp cho người ấy một xâu tiền, hơn nữa con cháu người đó đời đời sẽ được tặng vàng bạc.

Vừa phát nguyện xong thì một thư sinh nghèo đi qua, trông tình cảnh chuột thật đáng thương, bèn cho chuột mẹ gạo ăn và đắp thuốc lên vết thương cho chuột. Sau khi vết thương khỏi, chuột mẹ 3 chân liền thực hiện lời nguyện, mỗi ngày tha một xâu tiền đến cho anh thư sinh. Một thời gian, anh thư sinh đã có đủ tiền đi lên kinh thành dự thi, và đỗ trạng nguyên. Chàng trạng nguyên còn kể lại câu chuyện chuột báo ơn lên Thánh thượng. Thánh thượng bèn phong cho chuột mẹ 3 chân làm "Tứ tài kim tiền thử" (Chuột ban tặng tiền tài vàng bạc).

Con chuột tuy không được người khen ngợi, tướng mạo cũng không khiến người ta ưa thích, nhưng từ góc độ xã hội, phong tục và văn hóa thì chuột thể hiện là loài thông minh, nhanh nhẹn. Chuột hay Tý vẫn là một trong thập nhị can chi có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người Á Đông. Những chuyện đại sự của con người như xem tuổi dựng vợ gả chồng, làm nhà mở xưởng, khai trương khai thị... thì trong dân gian vẫn bấm ngón tay "Tý Sửu Dần Mão...", vẫn dùng cách tính tuổi theo can chi để tìm ra sự lựa chọn thích hợp nhất, may mắn nhất đối với mỗi người. Nhất là dịp đầu xuân chọn người xông nhà, xông đất, mở hàng... mọi người vẫn theo tập quán tìm người hợp tuổi, hợp mạng, để năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, may mắn và thành đạt.

Trung Hòa



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Năm Tý nói chuyện chuột