Tuyết rơi mùa hè ở Tân Cương - điềm báo 'lạnh buốt' cho ĐCSTQ [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những thiên tai bất thường đang diễn ra dồn dập trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và Tân Cương nói riêng, có một hiện tượng đáng sợ theo quan niệm truyền thống: Tuyết rơi giữa mùa hè.

Tân Cương - một cuộc bể dâu

Hãy tưởng tượng về một nơi mà:

Thảo nguyên xanh ngút ngàn với những đàn gia súc nhẩn nha gặm cỏ
cùng tồn tại với những bồn địa hoang vu không một bóng người
Những rặng núi sừng sững cao ngất quanh năm tuyết phủ trắng xóa
vây lấy những cánh đồng hoa cải vàng rực và oải hương tím rịm
Những dòng sông băng dằng dặc, khí xông lạnh ngắt, gió như dao cắt
song tồn với những biển cát mênh mông, hơi nóng hầm hập, nắng như thiêu người
Những hoang địa cằn cỗi, sỏi đá nứt nẻ, cỏ không mọc được
Chen lẫn với bình nguyên trù phú, đất đai màu mỡ, cây trái tốt tươi
Nơi mà
Vó ngựa rầm rập của hàng nghìn năm lịch sử qua lại giao tranh
Không ngăn được tiếng chuông lạc đà leng keng vượt sa mạc của những thương đoàn mưu cầu sinh lợi

Hồ Thiên Trì, Tân Cương (Nguồn: Wikipedia, tác giả: Bernard Gagnon)

Đấy đã từng là Tân Cương, nơi mà ngày nay:

Những hầm chứa tên lửa hạt nhân khiến cho sa mạc càng thêm nóng bỏng sặc mùi tử khí.
Những trại tập trung bốc lên tiếng oán hờn của triệu người Duy Ngô Nhĩ thấu tận trời xanh.
Tuyết tan trên núi, mưa lớn ngoài khe, gây lũ cuồn cuộn biến biển cát thành đại dương.
Nơi mà lạc đà ngỡ ngàng lần đầu bơi trên sa mạc.
Và đặc biệt là những cơn tuyết đổ trái mùa vào tháng 6, tháng 7 suốt hai năm liên tiếp.
Chuyện gì đang xảy ra với Tân Cương vậy?
Như thường lệ, ta bắt đầu đi tìm câu trả lời từ trong lịch sử Tân Cương, vốn có mối uyên nguyên rất sâu xa với văn minh Hoa Hạ.

Tân Cương - Tây Vực: cái nôi của Văn hóa Thần truyền 5000 năm

Tân Cương ngày nay chiếm ⅙ diện tích Trung Quốc, vây quanh bởi những rặng núi khổng lồ: Thiên Sơn ở trung tâm, Côn Luân phía Tây, Pamir phía Đông Nam, Karakoram phía Nam và Altai phía Bắc. Nơi đây cương thổ mênh mông, chính sự phức tạp. Mãi đến năm 1884 nó mới có tên gọi Tân Cương, được đặt bởi triều đình Mãn Thanh khi họ hồi quy cố thổ. Trước kia, tên nó là Tây Vực.

Sa mạc Taklamakan, Tân Cương (Nguồn: Wikipedia By Pravit - Own work, CC BY-SA 4.0)

Từ khi các bộ tộc Hoa Hạ tiến nhập Trung Nguyên với trung tâm là toàn tỉnh Hà Nam hiện nay, bắt đầu có văn minh Hoa Hạ. Nhưng trước đó họ ở đâu? Là Tây Vực.

Khoảng hơn 4000 năm trước, Hồng Thủy mênh mang, Địa Cầu đắm đuối. Ở đất Thần Châu, thời gian này tương ứng với từ triều đại vua Nghiêu đến khi vua Đại Vũ nhà Hạ trị thủy thành công. Những cư dân sống ở khu vực núi Côn Luân - Tây Vực đã nhanh chân leo lên núi thoát nạn, bảo tồn nguyên khí văn hóa. Đó là chỗ đặc sắc của nền Văn hóa Thần truyền: bảo tồn không đứt đoạn văn minh kỳ trước.

Giới sử học có xác nhận điều này, trong đó có sử gia nổi tiếng thời Dân quốc Lã Tư Miễn. Ông khẳng định: “ …Có thể thấy Côn Luân là căn cứ địa của dân tộc Hán… nối liền với dải cao nguyên hồ Vu Điền ngày nay. Chắc chắn đây là căn cứ địa cổ đại của dân tộc Hán”. “Lưu vực sông A Mẫu dường như cũng là nơi cư trú của dân tộc Hán cổ đại…. Mà dân tộc Hán cổ đại có thể đã cư trú ở dải cao nguyên Bác Mễ Nhĩ thuộc Thông Lĩnh ngày nay, nơi này theo nghiên cứu lịch sử nhân chủng học vốn là nơi khởi nguồn của các nhân chủng lớn. Dân tộc Hán vào Trung Quốc theo con đường từ Tân Cương vào Cam Túc ngày nay”. (1)

Trên núi Côn Luân, dân Hoa Hạ trải qua sự truyền thừa văn hóa từ Thần cho con người, mà biểu trưng là điển tích Chu Mục Vương leo núi Côn Luân hạnh ngộ Tây Vương Mẫu ở cung Dao Trì. Côn Luân chính là thánh địa thủy tổ của Đạo Gia Trung Nguyên trong lần văn minh kỳ này.

Đền thờ Tam Đa của Đạo Giáo tại Thiên Hồ Thiên Sơn ở Fukang, tỉnh tự trị Changji Hui (Nguồn: Wikipedia,By 罗布泊 - Panoramio, CC BY 3.0)

Vừa giúp bảo tồn nền văn minh kỳ trước, Tây Vực vừa là nơi du nhập vào Trung Nguyên những kỳ trân dị bảo, kỳ thư thánh triết của ngoại giới, thông qua con đường tơ lụa mà giao lưu với các nền văn minh như Ba Tư, Ấn Độ và cả Châu Âu. Phật giáo mấy lần vào Trung Thổ cũng qua con đường này, như pháp Mật Tu của Bồ Tát Long Thọ truyền nhập từ Ấn Độ qua Afghanistan, sau đó qua Tây Vực mà truyền vào Trung Thổ; hay như chuyến đi thỉnh kinh nơi Thiên Trúc của đại sư Trần Huyền Trang được ghi chép trong tác phẩm “Đại Đường Tây Vực Ký”.

Sau này khi đã an cư lạc nghiệp ở Trung Nguyên, người Hoa Hạ mới coi Tây Vực thuộc một trong “tứ di”, nghĩa là man di dị tộc. Lãnh thổ bao la lúc này chỉ có những tộc người du mục hiếu chiến sinh sống mà Trung Nguyên không phải lúc nào cũng khuất phục được. Non xanh nước biếc, đại mạc mênh mông, thảo nguyên bát ngát đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc tranh đoạt lãnh thổ qua lại của những tộc người như Tiên Ti, Nhu Nhiên, Đột Quyết, Thiết Lặc v.v. thay nhau làm bá chủ. Triều đình Trung Thổ ở quá xa, cũng có những thời gian ngắn làm chủ Tây Vực, nhưng phần lớn chỉ thông qua phương pháp ngoại giao để thu phục ngoại tộc nơi đây, điển hình là chuyến đi sứ của Trương Khiên thời Hán Vũ Đế; hoặc qua thông hôn để có được hòa bình, như với Thổ Phồn của vua Tùng Tán Can Bố thời Đường Thái Tông.

Trận Oroi-Jalatu năm 1756, giữa quân đội Mãn Châu và Oirat (Nguồn: Wikipedia By A collaboration between Chinese and European painters)

Từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất quốc gia cho đến triều đại nhà Đường, chỉ có hai lần trực tiếp đụng độ giữa quân đội Trung Nguyên với dị tộc Tây Vực. Đó là lần Đường Thái Tông chinh phục nước Cao Xương - một trung tâm thương mại sầm uất, điểm dừng chân của các thương nhân trên con đường tơ lụa; Lần thứ hai là trận đánh thành Talas (nay thuộc Kirgystan) dưới thời Đường Huyền Tông. Lần đầu thành công, lần sau thất bại, và dư âm của những cuộc chiến đó đã để lại trong lòng những binh lính Trung Nguyên nỗi cảm khái về sự khốc liệt của chiến tranh qua thi phẩm bất hủ thuộc dòng thơ biên tái - “Lương Châu từ” của Vương Hàn:

Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
Sa trường túy ngọa quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi

Rượu bồ đào rót vào chén dạ quang, mới dợm uống thì tiếng tỳ bà trên lưng ngựa đã giục giã ra sa trường. Đừng cười ta say vùi nằm lăn trên bãi cát, anh nhé. Vì xưa nay chinh chiến đã mấy ai sống sót mà về. Đó là tạm dịch ý tứ của Vương Hàn.

Lương Châu, nay thuộc Cam Túc, là cửa ngõ để vào Tây Vực. Thi phẩm vừa mang đến hào tình vạn trượng của tráng sĩ, vừa toát lên cái bi tráng khốc liệt của chiến tranh. Đặc biệt, rượu bồ đào tức rượu nho vùng Tây Vực, chén dạ quang từ ngọc thạch Hòa Điền, cho đến đàn tỳ bà thanh âm dồn dập réo rắt đều là đặc sản Tây Vực mà Trung Nguyên không có. Lính nghèo làm gì có phúc phận được uống thứ xa xỉ là rượu bồ đào trong chén dạ quang, trừ ra trước lúc bước vào cuộc chiến không ngày về, thế nên cứ say sưa một trận cho bõ, cũng chỉ là chết sớm hay muộn một vài khắc...

Đế chế Duy Ngô Nhĩ

Tây Vực đã từng là lãnh thổ cư trú của nhiều dân tộc như Hán, Mông Cổ, Nga, Tích Bá, Mãn, và các dân tộc Turk, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ mà tổ tiên là người Hồi Hột.

Người Hồi Hột tới đây vào khoảng năm 842, sau sự sụp đổ tại Mông Cổ của Hãn quốc Hồi Hột - một đế chế đã từng cường thịnh vào thời nhà Đường. Thậm chí những đội kỵ binh hùng mạnh của họ đã từng giúp nhà Đường dẹp loạn An Sử (từ 755-763) và nhận được sự hồi đáp xứng đáng của Đại Đường khiến cho Hồi Hột mạnh lên. Họ đã từng là cầu nối giao dịch giữa nhà Đường và Tây Vực, lại giúp bảo vệ cho con đường tơ lụa nối Trung Nguyên và phương Tây.

Số đông người Hồi Hột sau khi đến Tây Vực chung sống với dân địa phương dần hình thành người Duy Ngô Nhĩ, họ cùng kết hợp với người Đột Quyết lập ra vương triều Kalahan, theo Hồi giáo từ thế kỷ thứ 10.

Cảnh trong chiến dịch năm 1828 của nhà Thanh chống lại quân nổi dậy ở Altishahr (Nguồn: Wikipedia By Unknown author)

...

Tây Vực cứ ở trong trạng thái tự quyết ấy mãi đến tận triều Mãn Thanh. Danh tướng Tả Tông Đường thâm mưu viễn lự, cẩn mật chu đáo, tính toán tiếp vận lâu dài, nhưng tấn công thần tốc, đã thu phục toàn bộ vùng Tây Vực về cho Thanh quốc, từ đó Tây Vực đổi tên thành Tân Cương - có nghĩa là "biên cương mới". Sau đó, bị cuốn theo những biến động thế cuộc, vùng đất này lúc thì nằm trong tay Trung Hoa dân quốc, lúc chịu sự kiểm soát của những tập đoàn quân phiệt, lúc thì nằm dưới hậu thuẫn của Liên Xô. Và đã hai lần dân địa phương tuyên bố thành lập chế độ “Cộng Hòa Turkestan”, cho đến trước khi bị Trung cộng chiếm lấy vào năm 1949. Lúc này, mới thực sự bắt đầu những bi kịch của người Duy Ngô Nhĩ.

Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ

“Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương” được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1955, thay thế tỉnh Tân Cương.

Không phải đến bây giờ, người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương mới bị đàn áp. Từ những năm vào thập niên 80, 90 thế kỷ trước, lấy cớ chống cực đoan tôn giáo, ĐCSTQ đã buộc một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ phải xin tị nạn ở nước ngoài, và sự phân biệt đối xử do nhà nước hậu thuẫn đã leo thang kể từ đó.

Người Duy Ngô Nhĩ bị chính quyền ĐCSTQ sử dụng những thiết bị tối tân để theo dõi nhất cử nhất động. Họ thường xuyên bị lục điện thoại di động, chụp ảnh, lấy dấu vân tay, kiểm tra thẻ nhận dạng. Sau đó tất cả thông tin cá nhân của họ được lưu trữ vào một cơ sở dữ liệu khổng lồ gọi là Nền Tảng Hoạt Động Chung Tích Hợp, từ đó truy xuất những trường hợp khả nghi.

Không nói đâu xa, chỉ qua một việc đổ xăng là thấy được sự chà đạp con người của chính quyền Trung Nam Hải. Khi một người dân Tân Cương muốn đổ xăng, đầu tiên, anh ta phải lái xe vào một cái chuồng sắt rào thép gai ở cách xa trạm xăng. Sau đó xuất trình giấy tờ và trả tiền. Xong đâu đấy, xăng được rót vào một cái ấm và mang ra chuồng để người mua tự đổ vào bình.

Trong khi đó chính quyền Trung Quốc vẫn lải nhải những luận điệu bịp bợm như là người Duy Ngô Nhĩ chỉ được đưa vào các trung tâm dạy nghề để học nghề. Thực chất đây là các trại tập trung, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bỏ đức tin, ép học tiếng phổ thông, bắt tuyên thệ trung thành với ĐCSTQ… bằng các biện pháp tra tấn và không cho ngủ, bị giám sát khắp nơi trong trại. Phụ nữ thì bị khai thác tóc dài để chính quyền đem bán lấy lời, bị trói và đánh đập, đối xử như những con vật.

Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ nhiều năm nay đã sống trong những địa ngục trần gian như thế, theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Những gia đình Duy Ngô Nhĩ còn bị triệt sản, bắt phá thai, đặt dụng cụ tử cung, khiến dân số người Duy Ngô Nhĩ vốn chiếm đa số đã liên tục suy giảm và số dân Hán tăng lên. Cuộc sống trong “Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương” ngột ngạt đến mức đã có nhiều người bất chấp cái chết hay rủi ro bị bắt lại để trốn khỏi nơi này. Một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ tên Abdul Rahman Hassan sau khi trốn thoát đến Thổ Nhĩ Kỳ đã kể lại sự hành hạ của chính quyền với mẹ và vợ mình, và nói “thà rằng tự tay bắn họ còn đỡ đau khổ hơn.”

Có nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị bắt cóc và biến mất không dấu vết, chung cảnh ngộ với những người tu luyện Pháp Luân Công ở Tân Cương. Con người là sinh mệnh cao thượng, thân thể được tạo ra theo hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, như quan niệm của các chính giáo. Nhưng với ĐCSTQ, những người này chỉ còn là những buồng gan quả thận, quả tim lá phổi... mang lại siêu lợi nhuận cho ĐCSTQ trong ngành công nghiệp siêu tội ác: cướp mổ nội tạng và nhựa hóa thân xác.

Tội ác kinh khiếp đã diễn ra suốt nhiều năm, nhưng nay đã đến lúc tuyết rơi mùa hè.

Tuyết rơi mùa hè - điềm báo sụp đổ của ĐCSTQ

Trong những thiên tai bất thường đang diễn ra dồn dập trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và Tân Cương nói riêng, có một hiện tượng đáng sợ theo quan niệm truyền thống: Tuyết rơi giữa mùa hè.

Tháng 6/2020, tuyết rơi dày đặc nhiều nơi ở Tân Cương. Đến tháng 7/2021, hiện tượng này tái diễn. Và không chỉ ở Tân Cương, tháng 8/2020 ở Cam Túc, tháng 10/2020 ở Hắc Long Giang, ngày 14/2/2020 ở Bắc Kinh... tuyết cũng rơi trái mùa. Thậm chí ở Bắc Kinh sét đánh sáng choang chói lòa cả mắt giữa lúc tuyết đang rơi.

Người xưa cho rằng: tuyết rơi trái mùa là có người bị oan khuất. Đó là sự cảnh cáo của Thượng Thiên tới những người làm việc ác, nhất là chính quyền. Xưa vào thời Nguyên, nàng Đậu Nga bị xử oan mà tuyết rơi dày đặc giữa tháng 6, sau đó những kẻ hành ác đều phải đền tội.

Trận tuyết rơi dày đặc mới đây ở Tân Cương đã khiến người dân thảo luận sôi nổi. (Ảnh tổng hợp)
Trận tuyết rơi dày đặc mới đây ở Tân Cương đã khiến người dân thảo luận sôi nổi. (Ảnh tổng hợp)

Ngày nay, cũng không chỉ có một Đậu Nga.

Tờ minghui.org vào ngày 19/7/1999 có đăng lại một bài viết của “Báo bưu điện Bắc Kinh buổi sáng”. Viết rằng, vào khoảng 11 giờ sáng ngày 14/6/1999, tại làng Ngụy Công, khu Hải Điến, Bắc Kinh, rất nhiều người đã chứng kiến ​​một trận “tuyết rơi tháng Sáu” hiếm hoi kéo dài khoảng 20 phút. Và ngay sau đó, ngày 20/7/1999 đã diễn ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Cũng theo minghui.org, một học viên Pháp Luân Công tên Tả Chí Cương bị bức tử vào ngày 30/5/2001 ở Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc. Chính quyền bắt cóc anh ngay trước đám cưới và sau đó thông báo anh tự tử. Trong khi chuẩn bị hỏa táng, gia đình anh đã phát hiện nhiều chỗ khác thường trên thi thể giống như bị tra tấn bầm dập, hai quả thận đã bị cướp đi.

Cũng trong ngày hôm đó, khi Tạ Chí Cương đang bị bức hại, nhiệt độ ở Thạch Gia Trang đang cực nóng bỗng đột ngột hạ thấp, trong một thời gian, khí hậu trở nên lạnh bất thường, tuyết rơi đầy trời với độ dày hơn một bước chân. Ngay sau đó, thành phố Thạch Gia Trang bị bệnh dịch hạch khiến lòng người hoảng sợ, người dân bàn tán xôn xao rằng: “Tuyết rơi tháng Sáu, nhất định có oan khuất.”

Nếu quy hiện tượng này cho nguyên nhân biến đổi khí hậu của thời nay thì e rằng không phải, vì tuyết rơi giữa mùa hè không phải bây giờ mới có. Sách “Đông Chu Liệt Quốc” có ghi lại câu chuyện hơn hai nghìn năm trước, thái tử Yên Đan bị chết oan khuất khiến trời đổ tuyết giữa tháng 5.

Kinh Kha dựa vào sức mạnh và sự dũng cảm của chính mình chống lại cả một quốc gia. (Hình minh họa: Kanzhongguo)
Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng theo mật mưu với thái tử Yên Đan. (Hình minh họa: Kanzhongguo)

Thái tử Yên Đan lập mưu với Kinh Kha để mưu sát Tần Thủy Hoàng. Việc thất bại, Kinh Kha bị giết, Tần đánh bại Yên. Vua Yên đổ tội cho con trai là thái tử Yên Đan, bèn lừa Yên Đan vào cung rồi giết đi, cắt lấy đầu dâng người Tần, mong được thoát tội. “Bấy giờ là tháng năm mà trời bỗng mưa tuyết, mặt đất tuyết dày đến ba thước năm tấc, rét buốt như mùa đông, người ta đều bảo đó là oán khí của thái tử Đan làm ra vậy”. (2)

Sau đó, thì nước Tần diệt hết sáu nước còn lại trong Thất quốc, thống nhất Trung Nguyên lần đầu tiên và lập ra triều đại nhà Tần.

Yên Đan chết oan bởi cha, mà nước Yên bị diệt, trời đổ tuyết mùa hạ vì nỗi oan thiên cổ. ĐCSTQ ngày nay giết chóc dân lành, bức hại tín ngưỡng, tuyết cũng rơi nghịch mùa. Đặc biệt tội ác bức hại chính tín, khinh nhờn Thần Phật thì Trời không dung đất không tha, thành cổ Lâu Lan ở Tây Vực xưa một thời phồn vinh rực rỡ chẳng phải đã vì phỉ báng Thần Phật mà nay vùi dưới cát vàng sa mạc Taklamakan hay sao?

Cứ như câu chuyện Yên Đan thác oan vì vua Yên vô đạo, lấy tuyết rơi làm điềm nước Yên bị diệt, nước Tần thống nhất Trung Nguyên. Nay biết đâu tuyết rơi trái mùa lần nữa làm điềm báo Trung Quốc vô đạo thời ĐCSTQ lại tan thành nhiều mảnh? Có thể lắm chứ. Luật Trời báo ứng, Thiên ý triển hiện, ai còn chưa rõ?

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:
(1) Trích: “Trung quốc thông sử” của Lã Tư Miễn
(2) Trích “Đông Chu liệt quốc” của Phùng Mộng Long, bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục



BÀI CHỌN LỌC

Tuyết rơi mùa hè ở Tân Cương - điềm báo 'lạnh buốt' cho ĐCSTQ [Radio]