Tượng Phật được điêu khắc như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuy nhiên, điều khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ là làm thế nào mà những người thợ thủ công có thể tạo nên những bức tượng Phật siêu việt hơn người, sống động, uy nghiêm và từ bi đến vậy?

Trong các ngôi đền và hang động đá ngày nay ở Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc Đại lục, còn lưu giữ được những bức tượng Phật được tạc cách đây hàng trăm, hàng nghìn năm. Những bảo tượng trang nghiêm và sống động giống như thật khiến những tín đồ mộ đạo và những người đi lễ bái dâng khởi lên khao khát hướng tới thế giới tốt đẹp và thanh tịnh. Tuy nhiên, điều khiến mọi người cảm thấy kỳ lạ là làm thế nào mà những người thợ thủ công có thể tạo nên những bức tượng Phật siêu việt hơn người, sống động, uy nghiêm và từ bi đến vậy? Dưới đây xin được kể một câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ tát Văn Thù.

Chuyện kể rằng năm đó trước khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, Ngài đã thăng thiên từ tịnh xá của Xá Vệ Quốc đến Đao Lợi Thiên cung và giảng Pháp trong ba tháng cho mẹ của mình, Ma Da phu nhân, để độ hóa mẹ. Quốc vương Ưu Điền Vương tại nước láng giềng Câu Tông Bà quốc (Đường Huyền Trang dịch là Kiều Thưởng Di Quốc) chịu ảnh hưởng của vương phi đã quy y Phật Pháp và từ đó vô cùng sùng kính Phật Đà, chân thành cúng dường. Ba tháng không gặp Đức Phật, không ngờ vì nhớ Phật mà quốc vương sinh bệnh.

Để giải trừ tâm bệnh của Ưu Điền Vương, các quan đại thần kiến nghị quốc vương mời một thợ thủ công nổi tiếng để chạm khắc một bức Thánh tượng của Đức Phật, để thuận tiện cho việc sớm chiều lễ bái. Ưu Điền Vương vui mừng khôn xiết liền yêu cầu người thợ chạm khắc tượng Phật bằng gỗ đàn hương. Gỗ đàn hương là loại gỗ rất quý và tỏa hương thơm. Nhưng người thợ thủ công làm thế nào cũng không thể tạc được bức bảo tượng Đức Phật uy nghiêm. Ưu Điền Vương liền mời đại đệ tử của Đức Phật, người có thần thông đệ nhất Mục Kiền Liên thi triển thần thông và đưa người thợ đến Đao Lợi Thiên cung, để anh ta có thể tận mắt nhìn thấy dung mạo không gì sánh nổi của Đức Phật.

Nghe nói rằng, ánh hào quang của Đức Phật phát ra khắp nơi khi Ngài giảng Pháp, khiến người thợ thủ công phàm phu tục tử, không thể nhìn thẳng vào chân thân của Đức Phật, nên phải dùng gương để phản chiếu lại Đức Phật, để ghi nhớ hình tượng của Đức Phật. Mục Kiền Liên đưa người thợ thủ công tới lui tận mắt nhìn Đức Phật ba lần, và bức Thánh tượng bằng gỗ đàn hương cao 5 thước mới được điêu khắc xong. Vua Ưu Điền cung kính thờ cúng bức tượng trong tịnh xá của hoàng cung, vua vui mừng khôn xiết.

Khi Đức Phật từ Thiên cung trở về tịnh xá vương cung, bức tượng gỗ đàn hương này còn đứng dậy chào đón Phật, Đức Phật nói với nó: "Tương lai ngươi sẽ làm những Phật sự lớn. Sau khi ta niết bàn, các đệ tử của ta sẽ giao phó cho ngươi". Bức tượng điêu khắc này là khởi nguồn của những bức tượng khắc chân thân Phật của Ấn Độ được thờ cúng ở nhiều quốc gia khác nhau. Nhiều bức tượng Phật ở các quốc gia nhỏ đều bắt chước theo hình vẽ của bức tượng Phật ban đầu này. Điều này cũng cho thấy tượng Phật đã xuất hiện sớm nhất từ trước khi Phật nhập niết bàn. Cùng với sự truyền bá Phật pháp rộng rãi, tượng Phật cũng đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, mang lại niềm tin và sự khích lệ cho các tín đồ.

Đường Huyền Trang đã ghi lại trong quyển thứ năm bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” của mình rằng khi du ngoạn đến đây, ông cũng đã nhìn thấy pho tượng Phật chạm khắc bằng gỗ đàn hương này, ông viết: “Trong Hoàng cung xưa trong thành có một tịnh xá lớn, cao hơn 20 mét, có bức tượng Phật chạm khắc bằng gỗ đàn hương, ốp đá treo, do Vua Ô Đà Diễn (xưa gọi là Ưu Điền Vương) làm, rất linh thiêng, luôn có Thần quang chiếu sáng". Trong cùng bộ sách quyển 12 cũng liệt kê các tượng Phật và kinh sách mang về từ Ấn Độ. Ví dụ: "Một bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương gồm cả bảo tọa cao hơn một trước 5 tấc, được chế tác để thể hiện sự yêu mến và tưởng nhớ Như Lai của vua nước Kiều Thưởng Di”. Cũng chính là nói khi đại sư Huyền Trang tới Ấn Độ, ông không chỉ lễ bái tượng Phật gỗ đàn hương mà còn mang về bức tượng khắc mô phỏng theo bức tượng trên.

Cuốn "Đại Đường Nội Điển Lục" cũng ghi lại rằng: Vào thời nhà Hán, Tần Cảnh phụng chỉ trên đường trở về Nguyệt Chi quốc thì nhìn thấy bức tượng gỗ đàn hương của vua Ưu Điền, nên đã yêu cầu họa sĩ vẽ một bức tranh mô phỏng tượng, sau đó, ông đã mang nó đến Lạc Dương. Hoàng đế nhìn thấy đã ra lệnh cúng dường trên cổng thành Tây Dương và Lăng Hiển Tiết, và những bức chân dung đã lưu truyền từ đó.

Hơn 1.000 năm sau, một câu chuyện tương tự cũng xuất hiện vào thời nhà Đường. Theo ghi chép "Quảng Thanh Lương truyện": “Vào những năm Cảnh Vân thời Đường Duệ Tông, trụ trì của chùa Ngũ đài sơn Đại Hoa Nghiêm (sau này là chùa ​​Đại Hiển Thông), cao tăng Pháp Vân, đã dự định xây dựng một bức tượng Bồ Tát Văn Thù để thờ cúng. Sau đó ông mời những người thợ đến tạc tượng Phật. Một người thợ tên An Sinh đã tình nguyện đứng ra để tạc tượng, nhưng anh cho biết: “Nếu không tận mắt nhìn thấy thân thể thật của Bồ Tát, thì bức tượng chạm khắc ra nhất định sẽ có chỗ không chuẩn xác”.

Vì vậy, Pháp Vân và An Sinh đã cùng nhau thắp hương và lễ bái, cầu nguyện Bồ Tát Văn Thù hiện ra thân thể thật của Ngài. Chẳng bao lâu, Bồ Tát Văn Thù đã hiển hiện trong chánh điện của chùa. An Sinh vừa kinh ngạc vừa vui mừng, liền cầu xin Bồ tát ở lại một chút để có thể tạc tượng tốt. An Sinh vừa đối chiếu chân dung thật của Bồ tát vừa cẩn thận, chăm chú tiến hành điêu khắc.

Từ khi bắt đầu tạc tượng đến khi hoàn thành, Bồ tát Văn Thù đã xuất hiện tất cả 72 lần, và những bức tượng Phật do An Sinh mang tâm thành kính điêu khắc cũng sống động như thật. Sự hiển hiện chân thân của Bồ tát Văn Thù đã khiến các chúng tăng gần xa quy y cửa Phật càng ngày càng nhiều.

Từ đó có thể suy đoán rằng trong lịch sự đã có biết bao nhiêu người thợ sau khi được tận mắt chứng kiến ​​thân thể thật của Thần Phật, đã tạc hoặc vẽ các bức tượng Thần Phật. Mặc dù không có nhiều ghi chép lịch sử, nhưng nó không phải là số ít.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Tượng Phật được điêu khắc như thế nào?