Tương lai trẻ tiến được bao xa? Nhìn vào điểm này là biết!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn muốn con có phẩm chất nào nhất? Biết xét đoán? Dũng cảm? Học giỏi? Hiếu thuận? Các bậc cha mẹ có lẽ sẽ có những câu trả lời rất khác.

Trong đó, một người bạn của tôi thì mong muốn nhất là con có thể ‘đối mặt được với mọi hoàn cảnh’.

Mấy ngày khai giảng vừa rồi, cô con gái 5 tuổi của anh luôn quấy nhiễu, không muốn đi học mẫu giáo, khi hỏi lý do, cô bé nói: “Vì cô giáo phê bình con”, nói xong thì nước mắt lưng tròng.

Anh bạn thở dài nói: “Chẳng biết từ bao giờ, trái tim con gái lại mỏng manh, dễ vỡ như pha lê”.

Thực tế, không chỉ con gái người bạn của tôi, mà ngày càng nhiều trẻ em bắt đầu có “trái tim pha lê” mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

Trên báo từng đăng một bài viết về một cậu bé 13 tuổi, do không hoàn thành bài tập trong kỳ nghỉ đông, bị giáo viên phạt về nhà làm bài bù. Kết quả là ở nhà cậu bé nhảy từ trên lầu xuống tử vong.

Có vô số những bài báo như thế này: vì bố không cho sử dụng điện thoại di động; cô giáo tịch thu điện thoại, không hoàn thành bài tập hè... sau khi bị phê bình và đánh, nhiều em đã chọn cách phản ứng rất cực đoan là vứt bỏ mạng sống của mình.

Đằng sau những bi kịch này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là khả năng đối mặt với thất bại và sức chịu đựng tâm lý của những trẻ này rất thấp. Nói cách khác, chính là chỉ số vượt khó (AQ) thấp.

Chỉ số vượt khó (AQ) được nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz đưa ra, là một thuật ngữ chủ yếu đề cập đến một người có khả năng đối mặt với nghịch cảnh và khả năng chuyển biến nghịch cảnh.

Một số chuyên gia cho rằng chỉ số AQ này đóng một vai trò quyết định trong tương lai của một người.

Trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ, việc nâng cao khả năng chống chọi khi đối mặt với nghịch cảnh cho trẻ là điều cần thiết, nhưng nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua điều này.

Đau khổ và thất bại là điều cần thiết để trưởng thành

Sự trưởng thành của trẻ em cần "tình yêu thương", nhưng bản chất của tình yêu thương, nghệ thuật yêu thương và cách thể hiện tình yêu thương không chỉ là sự cho đi, không chỉ là sự thỏa mãn, càng không phải là sự nuông chiêu bằng mọi cách, không phải là để cho trẻ cảm thấy "hạnh phúc" mãi mãi.

Trong cuộc sống, sinh và tử, gặp gỡ và chia ly, hạnh phúc và đau khổ, chúng luôn xuất hiện thành đôi thành cặp.

Khi trưởng thành, trẻ cũng cần trải qua sự giáo dục “thành cặp”, chúng phải trải qua những loại tâm lý đau đớn, kiềm chế và nhẫn nại.

Nếu một đứa trẻ lớn lên mà chỉ có thể chấp nhận hạnh phúc nhưng không thể chịu đựng một chút đau khổ thì vấn đề rất nghiêm trọng.

Một câu chuyện có thật:

Có một học sinh tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, đều là lớp trưởng. Năm học lớp 4, khi bầu lớp trưởng cô bé không được bầu nữa, trong tâm cô bé không chấp nhận được, dứt khoát không đi học, thậm chí còn tuyệt thực, sau đó, cô bé đã phải nghỉ học một năm và điều trị tâm lý.

Chúng ta hết sức thúc giục trẻ cố gắng... cố gắng, dạy chúng cách thành công, nhưng lại không bao giờ dạy chúng cách đối mặt với thất bại.

Kết quả là vì một việc nhỏ không vừa ý mà chúng nổi nóng mọi nơi, khi gặp một chút thất bại thì chán nản, mệt mỏi, khi nghe một hoặc hai lời nhận xét tiêu cực thì cảm thấy mất giá trị bản thân.

Nhà văn Long Ưng Đài người Đài Loan từng nói: Chúng ta đã cố gắng học cách chạy nước rút 100 mét thành công, nhưng không ai dạy chúng ta: khi ngã, ngã cách nào cho tôn nghiêm; khi đầu gối bị rách và chảy máu, rửa sạch vết thương như thế nào, băng bó ra sao. Khi quá đau đớn không thể chịu nổi thì có nét mặt như thế nào để đối diện với người khác. Khi gục ngã, làm thế nào để chữa trị vết thương đang chảy máu trong tim, và làm thế nào để có được sự bình yên sâu sắc trong tâm hồn; khi trái tim tan nát, làm thế nào để dọn dẹp?

Để trẻ chịu một chút giáo dục về sự thất bại một cách thích hợp, là một khóa học cần có trong cuộc đời trẻ.

Khi nào nên bắt đầu giáo dục trẻ về đối mặt với nghịch cảnh?

Nhiều người lớn nói: Trẻ con thời nay không dễ quản lý, cứ động chút liền tự tử, nhảy lầu thì phụ huynh, giáo viên nào dám quản nghiêm?

Thực ra, vấn đề không phải là không dám quản, mà là đã quá muộn.

Để trẻ trải qua cảm giác thất bại, cách nuôi dạy này nên bắt đầu khi trẻ khoảng 3 tuổi, khi trẻ có thể nói ra yêu cầu của mình, cần bắt đầu nói "Không" với trẻ. Kết quả có thể là khiến trẻ khóc lóc đau khổ, nghiêm trọng hơn là có thể khóc tới nghẹn và lăn lộn trên mặt đất. Trẻ không còn khả năng đối mặt với nghịch cảnh, vì vậy qua đây đã học được "bất lực" nghĩa là gì, từ đó học cách chấp nhận, vâng lời và tuân thủ.

Trẻ sẽ dần dần biết rằng mình không thể muốn gì làm nấy, bố mẹ và người thân yêu thương mình nhưng tuyệt đối không phải lúc nào cũng lấy mình làm trung tâm, và một số yêu cầu vô lý sẽ bị từ chối.

Sự trưởng thành thực sự là một quá trình từ tự do đến kiềm chế.

Ngược lại, nếu cha mẹ đợi đến khi trẻ đến tuổi vị thành niên rồi mới bắt đầu “nói không” với trẻ, ngoài việc khóc lóc, sặc sụa, lăn lộn, trẻ còn có những lựa chọn khác để đe dọa bố mẹ: bỏ nhà ra đi, uống thuốc tự tử, nhảy cầu.

Vì vậy, sau khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ cần biết được nghệ thuật nói “không”.

Làm sao nâng cao chỉ số đối diện nghịch cảnh: Để trẻ "nổi nóng một chút"

(1) Cho trẻ cơ hội trải nghiệm thất bại

Các bậc cha mẹ thường hỏi: Nếu con tôi không thể chịu nổi thì làm sao?

Xếp khối gỗ bị đổ, là khóc ầm; chơi trò chơi thua liền cáu giận, mất bình tĩnh: "Con sẽ không bao giờ chơi nữa!"; chơi cờ thì người lớn không thể thắng, nếu thắng là trẻ bực bội.

Tất cả đều là do trẻ chưa có cái nhìn đúng đắn về thắng - thua, hoặc khi người lớn chơi với trẻ, họ nuông chiều theo ý của trẻ và nhường trẻ.

Trong thi đấu có rất nhiều khả năng xảy ra, thua thì không sợ, nhưng sợ thua mới là đáng sợ.

Cha mẹ cần nói rõ cho các con hiểu rằng trong thi đấu hay trò chơi có rất nhiều khả năng xảy ra, có người thắng, có người thua, nhưng đó chỉ là tạm thời và sẽ còn nhiều thử thách hơn nữa trong tương lai.

Thua không có gì ghê gớm, sợ thua mới là điều đáng sợ.

(2) Khuyến khích và giúp đỡ trẻ chứ không phải làm thay trẻ

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, mấu chốt của việc giáo dục chỉ số đối diện nghịch cảnh là “cố tình” tạo ra những trở ngại, thất bại cho trẻ, cố tình để trẻ chịu thiệt thòi một chút, và để chúng tiếp tục cảm thấy thất bại.

Trên thực tế, cách làm này rất có vấn đề.

Cha mẹ không cần phải để trẻ chịu một số những trở ngại vô ý nghĩa và giả tạo. Bởi vì có vô số thách thức sẽ đến với trẻ trong quá trình trưởng thành.

Lần đầu tiên đi chơi, lần đầu tiên nấu ăn, lần đầu tiên giặt quần áo đều là cơ hội để trẻ lớn lên, điều quan trọng là cha mẹ sẵn sàng để trẻ thử và buông tay để trẻ tự lựa chọn.

(3) Xác định và giải tỏa cảm xúc của trẻ

Khi một đứa trẻ gặp phải thất bại, trước tiên cha mẹ cần hỗ trợ trẻ về tinh thần, thay vì công kích hay phủ nhận.

Cha mẹ nên chú ý đến những gì trẻ đang trải qua, xác định cảm xúc của trẻ, chẳng hạn như nỗi buồn, sự bất lực và thể hiện đồng cảm với trẻ.

Tình yêu thương và sự thấu hiểu đầy đủ của cha mẹ là sức mạnh bên trong cho con trẻ khi đối mặt với những thất bại.

Cuối cùng, hãy dùng một câu để chúng ta cùng chiêm nghiệm:

"Thế giới càng đau khổ, tôi càng hạnh phúc. Khi lòng người càng nham hiểm, tôi càng thiện lương. Khi thất bại tới, tôi cần dũng cảm đối diện.

Tôi muốn trở thành một người lạc quan, không lùi bước, không bỏ cuộc, không than phiền và dũng cảm chấp nhận mọi thử thách trong cuộc sống".

Minh An
Theo secretchina

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Tương lai trẻ tiến được bao xa? Nhìn vào điểm này là biết!